A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn lại những phát triển tích cực của mạng xã hội Việt Nam

 

QPTĐ-Bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, điện thoại thông minh đã tạo điều kiện truyền tải thông tin với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những mặt trái của mạng xã hội, trong đó rõ nhất là nạn đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng tạo ra hiệu ứng tiêu cực khó lường. Điều này buộc nhiều quốc gia phải vào cuộc để giảm thiểu hệ lụy do truyền thông xã hội gây ra. 

Mạng xã hội Lotus của Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Vấn đề quản lý mạng xã hội trước những diễn biến phức tạp và yêu cầu xây dựng mạng xã hội của Việt Nam đang được đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có nhiều biện pháp ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ án liên quan tới mạng xã hội. Theo số liệu thống kê mới nhất, Facebook hiện có 61 triệu người sử dụng tại Việt Nam, với 90% ở độ tuổi từ 16-64, gần như đã hết dư địa phát triển tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, mạng xã hội Zalo của Việt Nam với 60 triệu người dùng thường xuyên đã gần như đuổi kịp Facebook về số lượng người sử dụng. Với đặc thù là giao diện đơn giản, dễ sử dụng, Zalo vẫn còn dư địa rất lớn đến từ nhóm người dùng cao tuổi. 

Yêu cầu bức thiết phải kiểm soát mạng xã hội

Với tốc độ phát triển chóng mặt, các trang mạng xã hội được cho là quyền lực thứ 5, sau 4 quyền lực lập pháp, tư pháp, hành pháp và báo chí. Quyền lực thứ 5 này đã trở thành một sức mạnh to lớn, vượt khỏi các biện pháp quản lý hành chính hay kỹ thuật của một quốc gia cụ thể. Với bản chất không biên giới, những mặt trái, mặt tiêu cực của Internet cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý. 

Bạo động tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 06/01/2021 xuất phát từ mạng xã hội, sau khi Tổng thống Trump kết thúc bài phát biểu trước những người biểu tình ở Thủ đô Washington. Hàng trăm lời kêu gọi xông vào tòa nhà đã được những người ủng hộ phe Cộng hòa lan tỏa trên mạng. Trên các trang mạng xã hội do phe cực hữu kiểm soát, chẳng hạn như Gab và Parler, chỉ dẫn đường nào nên đi để tránh cảnh sát và công cụ nào cần mang theo để cạy cửa đã được trao đổi trong các bình luận. Những lời kêu gọi bạo lực chống lại các nghị sĩ Quốc hội và các phong trào ủng hộ Trump chiếm lại tòa nhà quốc hội đã lan truyền trên mạng trong nhiều tháng qua. 

Trước đó, mạng xã hội đã khiến nhiều quốc gia phải điêu đứng. Tại Trung Đông và Bắc Phi, hầu hết những biến động chính trị lớn dẫn tới sự sụp đổ chính quyền ở một loạt quốc gia như Tunisia, Ai Cập, Libya... đều có sự tham gia đắc lực của mạng xã hội. 

Đối mặt với những phức tạp mà mạng xã hội gây ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra chính sách ngăn chặn mối đe dọa từ không gian mạng. Thậm chí có nước còn coi việc ban hành chiến lược, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an ninh mạng như một trong những ưu tiên chính sách quốc gia để tạo dựng môi trường lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động.

Mới đây nhất, ngày 12/01/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố khai trương Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, mang tính quốc gia với sứ mệnh lan tỏa sự thật. Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật. Đồng thời, chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ, tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả nếu có, để cảnh báo người dân không chia sẻ và hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả. Theo đánh giá, đây là bước đi vô cùng cần thiết nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực của mạng xã hội.

Mạng xã hội Việt Nam tăng trưởng mạnh

Trong phiên trả lời chất vấn ngày 6/11/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong hai năm gần đây mạng xã hội Việt Nam có sự bứt phá. Năm 2018, số tài khoản của mạng xã hội Việt Nam là 47 triệu, bằng 50% so với các mạng lớn của nước ngoài thì đến nay đã đạt được 96 triệu tài khoản, tương đương với hai mạng nước ngoài lớn nhất, từng bước đạt thế cân bằng.

Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có các mạng xã hội nội địa tương đương với mạng xã hội nước ngoài. Thời gian qua, nhiều mạng xã hội ra đời, hiện đã cấp trên 800 giấy phép mạng xã hội Việt Nam. Các mạng xã hội này đều được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân theo cơ chế thị trường, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Đến nay mạng Lotus có gần 3 triệu tài khoản, mạng Gapo gần 6 triệu tài khoản, đã phát huy thế mạnh nền tảng dịch vụ chuyên ngành của mình để phát triển thị trường ngách, xây dựng các mạng xã hội chuyên biệt, đa dịch vụ, kết hợp với thanh toán qua di động để tạo ra hệ sinh thái số Việt Nam đáp ứng yêu cầu người sử dụng. 

Theo thống kê của VietNamnet, tính đến tháng 11/2020, Zalo hiện là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng. Xếp sau nền tảng này lần lượt là Mocha với 12 triệu thành viên, Gapo với 6 triệu thành viên và Lotus với gần 3 triệu thành viên. Đây không phải tổng số tài khoản đăng ký mà là tổng số người dùng hoạt động hàng tháng. Chỉ số này là công cụ đo lường phổ biến cho thấy mức độ tương tác của người dùng đối với một sản phẩm trên môi trường Internet. 

Như vậy, chỉ sau 2 năm, Việt Nam giờ đây đã có 4 nền tảng mạng xã hội có trên 1 triệu thành viên. Đây là quy mô tối thiểu để một mạng xã hội trong nước được xem là có đủ tiềm lực cạnh tranh với các nền tảng ngoại. Ngoài số lượng mạng xã hội có tiềm lực mạnh đã tăng lên gấp đôi, còn một vấn đề đáng lưu tâm khác khi nhìn vào số liệu tăng trưởng của các mạng xã hội Việt Nam. Cũng chỉ sau 2 năm, mạng xã hội Zalo đã tăng thêm 20 triệu thành viên, gấp 1,5 lần năm 2018. Với Mocha, tuy lượng người sử dụng chưa hẳn đã nhiều, thế nhưng quy mô của nền tảng này đã tăng tới 2,67 lần so với chỉ 2 năm trước đó. Những nền tảng còn lại như Gapo, Lotus cũng đã ít nhiều cho thấy tiếng nói của mình chỉ sau hơn 1 năm hoạt động. Đây là những đại diện tiêu biểu cho sức sống bền vững của các nền tảng mạng xã hội truyền thống.

Những số liệu biết nói đã cho thấy, trong năm 2020, các mạng xã hội Việt Nam không chỉ tăng trưởng về lượng mà đã có sự thay đổi mạnh cả về chất. Đây chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp nội và xa hơn là cả nền kinh tế số Việt Nam. 

 Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ