A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cờ đỏ sao vàng

QPTĐ-Xuất hiện trong phong trào cách mạng năm 1940 ở Nam kỳ, cờ đỏ sao vàng năm cánh gắn liền với lịch sử đấu tranh giành, giữ vững nền độc lập dân tộc và công cuộc đổi mới phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu của nhân dân Việt Nam.

Cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang.
Ảnh: Đông Khánh/QĐND

Cờ đỏ sao vàng xuất hiện khi nào?
Cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trong phong trào cách mạng năm 1940 ở Nam kỳ.

Cờ đỏ sao vàng được ấn định là Quốc kỳ Việt Nam khi nào?
Năm 1941, trong chương trình Việt Minh xác định “sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, ngày 5/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 5-SL về việc bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam.

Sắc lệnh do Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký nêu rõ: Chiểu theo bản tuyên cáo của Hoàng đế Bảo Đại thoái vị ngày 24/8/1945 và bản Tuyên cáo ngày 28/8/1945 về việc thành lập Chính phủ lâm thời dân chủ cộng hoà, sau khi Hội đồng các Bộ trưởng đã đồng ý, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh:
Khoản I: Cờ Quẻ Ly nay bãi bỏ.
Khoản II: Quốc kỳ Việt Nam ấn định như sau này:
a) Hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài;
b) Nền mầu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh mầu vàng tươi;
Kích thước và hình thể đã ấn định trong bản phụ đính theo sắc lệnh này.

Bản phụ Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam:
Kích thước:
Nền cờ: Bề dài = a, bề ngang = 2/3a.
Sao: Từ trung tâm đến hết I góc lồi = 1/5a, từ trung tâm đến I góc lõm = 1/10a.
Mầu sắc: Nền mầu đỏ tươi, sao vàng tươi.
Cách đặt sao: Ngôi sao vàng có 5 góc lồi và 5 góc lõm, trung tâm sao đặt đúng trung tâm nền cờ, một góc lồi quay thẳng lên phía trên theo đường AB.

Ý nghĩa của Quốc kỳ Việt Nam
Nền cờ màu đỏ tượng trưng dòng máu đỏ, màu của nhiệt huyết, ý chí, niềm tin, “tinh thần hy sinh chiến đấu cách mạng của nhân dân Việt Nam”, ngôi sao màu vàng tượng trưng “ánh sáng của vai trò lãnh đạo cách mạng”, nó còn là màu da vàng và năm cánh sao tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Quốc kỳ Việt Nam nền đỏ sao vàng đã được Quốc hội Việt Nam chính thức công nhận trong bản Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9/11/1946: “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh”.

Với việc Chính phủ ban hành Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ và được Quốc hội thông qua thể hiện tính thống nhất về mặt pháp lý đối với việc sử dụng Quốc kỳ, quy định cũng như xác nhận đối với nhân dân và quốc tế về biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng năm cánh được sử dụng trang trọng trong tất cả các nghi lễ, các sự kiện quan trọng của Nhà nước, trở thành biểu tượng thiêng liêng, đại diện cho sức mạnh tinh thần của dân tộc, thành niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.

Trải qua quá trình phát triển của dân tộc, của đất nước, mỗi giai đoạn, lá cờ có thể được chỉnh sửa về hình thức để đẹp hơn và những quy định về sử dụng cũng có những điều chỉnh.

So với Quốc kỳ năm 1945, Quốc kỳ nền đỏ sao vàng theo mẫu năm 1956 có một chút điều chỉnh: “Những cánh sao vàng từ nay không làm theo đường cong như trước mà làm theo đường thẳng”. Mặc dù vậy, hồn cốt của lá cờ và nội dung ý nghĩa không hề thay đổi, và trở thành một biểu tượng đẹp, ấn tượng, mang đậm nét dân tộc Việt.

P.Linh (st)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ