A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nối tiếp truyền thống thi đua ái quốc

 

QPTĐ-Ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, trước nguy cơ của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, thế nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 27-3-1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động thi đua ái quốc nhằm làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Ngày 11-6-1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” với mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân.

LLVT Thủ đô xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.

“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào thi đua yêu nước cụ thể đã được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ sâu rộng trong cả nước như phong trào: “Tuần lễ vàng”, “Vụ chiêm thắng lợi”, “Vụ mùa chủ lực”, “Cơm no, súng tốt, đánh thắng”, “Thanh toán mù chữ”, “Bình dân học vụ”... Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Hàng chục vạn chiến sĩ, dân công từ khắp các nẻo đường Tổ quốc đã vượt qua bom đạn, đèo cao, vực sâu để chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Hàng vạn thanh niên xung phong ngày đêm anh dũng mở đường, bảo đảm giao thông và hậu cần phục vụ chiến đấu. Đồng bào ở hậu phương ra sức thi đua tăng gia sản xuất...

Ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 11-6 hằng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện, triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô trong suốt hơn 70 năm qua đã thấm nhuần và hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Người, phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phấn đấu cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, hòa trong phong trào thi đua yêu nước chung của cả nước, phong trào TĐQT trong LLVT Thủ đô diễn ra sôi nổi, liên tục, với nhiều hình thức phong phú, sinh động, đạt hiệu quả thiết thực. Thi đua thực sự là động lực thúc đẩy mọi tổ chức, cán bộ, chiến sĩ năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Điểm nổi bật đó là LLVT Thủ đô đã không ngừng xây dựng, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; luôn xung kích đi đầu, là nòng cốt thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường, cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, trên mặt trận tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, LLVT Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, là lực lượng nòng cốt, đi trước về sau, tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Tính từ ngày 25/2/2020 đến nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã sử dụng gần 2 nghìn chuyến xe tiếp nhận, vận chuyển, bàn giao để cách ly y tế tập trung với trên 27 nghìn công dân. Trong đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức cách ly gần 15 nghìn công dân… 

Cùng với đó, các đơn vị LLVT của Bộ Tư lệnh tiếp tục thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, tích cực tiến hành công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; thực hiện tốt Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; Phong trào thi đua "Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội chung sức xây dựng nông thôn mới", "Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"… góp phần xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, “thế trận lòng dân” vững chắc. Thông qua các phong trào thi đua được phát động, trong LLVT xuất hiện nhiều nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những tấm gương tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ, lòng quả cảm của người chiến sĩ Thủ đô, Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng là điểm tựa tinh thần, chỗ dựa vững chắc của nhân dân Thủ đô.

Phúc Nguyên
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ