A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những thiếu niên quyết tử kể chuyện ngày Xuân

 

QPTĐ-Vào ngày 27/1/1947 (tức mồng 5 Tết Đinh Hợi), trân trọng sự quả cảm và hy sinh anh dũng của quân, dân Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tuyên dương tinh thần chiến đấu quyết tử của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Người ân cần: “…Các em là đội cảm tử, các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại. Cái tinh thần quật khởi đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc, tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau…”. Đã 74 năm trôi qua nhưng trong trái tim của những thiếu niên quyết tử năm xưa vẫn ánh lên niềm tự hào về ký ức không thể nào quên một thời đạn bom, một thời hào hùng-nơi Thủ đô yêu dấu.

Những chiến sĩ quyết tử năm xưa thăm Di tích Pháo đài Láng.

Trong không khí đầu Xuân năm mới Tân Sửu, chúng tôi tìm về dấu tích Pháo đài Láng, tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Thời tiết những ngày này rét đậm, rét hại nhưng trong căn phòng truyền thống, bên tách trà ấm nóng, câu chuyện của những “em bé” quyết tử năm xưa với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn cứ thế chầm chậm ùa về…

Sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Bè, Hà Nội, năm 1946, cậu bé Gia Tuệ đang học lớp 6 nhưng khi Thủ đô “có biến”, “em bé” ấy đã cùng hàng vạn thanh, thiếu niên xung phong đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Bác Tuệ bồi hồi: “Khi ấy tôi là học sinh của trường “Ke” (trường Trần Nhật Duật bây giờ). Những ngày đầu sau khi quân Pháp tái xâm lược, chúng tôi tham gia lớp hướng đạo sinh, được gặp bác sĩ Trần Duy Hưng. Tôi còn nhớ khi ông Hưng vừa hỏi: Cậu nào muốn đi theo bộ đội, hàng trăm thiếu niên đã ào lên đăng ký. Tinh thần cách mạng hừng hực khí thế”.

Thiếu sinh quân Gia Tuệ ngay lập tức được nhận nhiệm vụ làm trinh sát, liên lạc cho tự vệ khu phố Hàng Bè. Chính tại ngôi trường Trần Nhật Duật và ngõ Phất Lộc là hai trong số các vị trí quan trọng và đầu mối liên lạc của Trung đoàn Thủ đô tại Liên khu I với Chính phủ kháng chiến ở bên ngoài, đây cũng là trọng điểm tấn công của địch. Nghe tin giặc Pháp tấn công, cậu bé Gia Tuệ cùng đồng đội không ngần ngại, ôm bom ba càng xông lên chiến đấu. Tinh thần quyết tử từ những thiếu niên Thủ đô đã lan tỏa khắp cả nước. Cùng với Hà Nội, thiếu niên các thành phố, thị xã đã hăng hái tham gia kháng chiến. 

Cũng là “em bé” Hà Nội, Nguyễn Huy Du khi ấy tròn 16 tuổi. Đêm 19/12/1946, đèn điện phụt tắt, tiếng súng đại bác nổ ầm ầm mở màn cho toàn quốc kháng chiến, cậu bé Huy Du lợi dụng đêm tối hòa mình vào cuộc chiến. Trốn gia đình, “em bé” chính thức được tham gia lực lượng chiến đấu “sống chết với Thủ đô”. Thời gian đầu, Nguyễn Huy Du làm liên lạc viên cho Ủy ban kháng chiến khu Hoàn Kiếm. Vì không được trực tiếp đánh địch, cậu xin nhập vào Trung đội Tự vệ chiến đấu, tham gia vào các trận đánh nhà Morlie ở phố Hàng Trống, hiệu thuốc tây Norman… Sau đó, nhờ lòng dũng cảm và tinh thần lanh lợi, cậu được chọn làm trinh sát cho Tiểu đoàn 102. Công việc của Huy Du trở nên phức tạp hơn, địa bàn tác chiến rộng, phải thông thuộc nhiều đường phố, ngõ, khu, các giao thông hào để thực thi nhiệm vụ được giao. Hễ chỗ nào có tiếng súng, Huy Du phải đến ngay để nắm tình hình địch. Cuộc kháng chiến càng ngày càng quyết liệt, Liên khu I bị địch bao vây bốn bề. Ngày 6/1/1947, một trung đoàn chủ lực được thành lập, Nguyễn Huy Du tự hào trở thành một chiến sĩ của trung đoàn ấy.

Khác với bác Gia Tuệ và Huy Du, bác Nguyễn Mạnh Hải sinh năm 1924 tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1946, bác Hải bắt đầu tham gia quân đội. Khi kháng chiến bùng nổ, bác làm liên lạc, đơn vị của bác lúc đó đóng quân tại Kho Bạc, gác tại cửa Nhà Băng. Bác Hải nhớ lại: “Trong lần quân Pháp đến đánh, tôi đang ở dưới tầng một cùng hai đồng chí khác, chúng tôi nhanh chóng cơ động lên tầng hai bằng cách đu dây vì khi ấy ta phá bỏ toàn bộ cầu thang lên tầng, đồng thời lợi dụng các lỗ nhỏ thông từ tầng 1 lên tầng hai thả lựu đạn xuống nhà. Thấy thế, quân Pháp bỏ chạy, còn chúng tôi luồn từ nhà này sang nhà kia. Điều đáng nói khi ta thông các nhà với nhau, thường không làm quá rộng, chỉ để đủ lọt người Việt Nam ta, quân Pháp quá to sẽ không chui được qua các lỗ đó. Lần đó tôi bị thương nhẹ. Khi Trung đoàn thành lập, tôi làm Tiểu đội trưởng, tham gia tiếp viện trận đánh chợ Đồng Xuân”.

Có thể nói, với truyền thống “Cả nước đánh giặc, toàn dân ra trận”, “Thà chết chứ không chịu làm nô lệ”, quân dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ; tản cư được phần lớn nhân dân; đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị lên chiến khu; tiêu diệt trên 2.000 lính Pháp, bắt khoảng 400 tên, phá 22 xe tăng, xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi 1 máy bay, bắn hỏng 7 máy bay, bắn chìm 2 ca nô. Điều đáng nói, các lực lượng của ta đã giam chân địch vượt thời gian dự định (từ một tháng kéo dài đến hai tháng), tạo thuận lợi để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng chủ động bước vào kháng chiến trường kỳ. Ta vừa đánh, vừa bảo vệ phát triển lực lượng, từ 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân lúc đầu sau khi rút khỏi Thành phố đã phát triển thành 3 trung đoàn chủ lực.

Trần Hiền-Hải Yến

 


 

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS quận Đống Đa

Phát huy truyền thống để xây dựng LLVT ngày một vững mạnh

Qua những câu chuyện của những “em bé” quyết tử năm xưa, tôi rất cảm phục về ý chí và tinh thần của những thế hệ đi trước trong chiến đấu, bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Các bác khi ấy mới 15, 16 tuổi nhưng thực sự gan dạ, sẵn sàng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Phát huy truyền thống quyết chiến và quyết thắng của thế hệ đi trước, trên cương vị Chỉ huy trưởng, tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong LLVT quận, để mỗi cá nhân thấy rõ hơn niềm tự hào khi là quân nhân của quận, gắn trách nhiệm của mình trong xây dựng đơn vị, trực SSCĐ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phát huy tốt tinh thần: “Đâu cần có LLVT quận và khi đất nước lâm nguy, mọi cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng”. 

 

Đồng chí Đàm Thế Anh, Bí thư Đảng ủy phường Láng Thượng, quận Đống Đa

Trân trọng quá khứ, xây dựng quê hương ngày càng
văn minh, hiện đại

Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô là mốc son chói lọi trong trang sử vàng đấu tranh cách mạng, là chiến dịch lịch sử đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam; thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách của người Thăng Long-Hà Nội, rất thanh lịch, hào hoa, yêu chuộng hòa bình song cũng rất đỗi quật cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập-tự do của dân tộc. Để thực hiện các nội dung vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo phường xác định một trong những nội dung quan trọng chính là việc giáo dục truyền thống cho người dân trên địa bàn. Chúng tôi thực hiện với nhiều cách: Gặp mặt nói chuyện truyền thống; tọa đàm, giao lưu nhân chứng lịch sử; tìm hiểu các địa chỉ đỏ tại Pháo đài Láng… Thông qua đó, giúp thế hệ trẻ không chỉ được sống lại khoảnh khắc lịch sử như Chiến thắng Chi Lăng, Ngọc Hồi, Đống Đa… mà còn thấy rõ hơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, thấy được thành quả mà cha ông để lại, gắn suy nghĩ và hành động đúng đắn trong phát huy trách nhiệm của bản thân, tích cực học tập trau dồi kiến thức, xây dựng phường ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ