A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Sao vuông” gìn giữ nghề truyền thống

 

Trong khi không ít làng nghề thủ công truyền thống hiện nay đang “lay lắt” do gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thì sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa vẫn tìm được cho mình đầu ra ổn định nhờ xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga…Và một điều đặc biệt, trong việc gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống tại địa phương có sự đóng góp không nhỏ của những nghệ nhân là cán bộ, chiến sĩ “sao vuông”.

 

 

Cơ sở sản xuất mây tre đan của đồng chí Nguyễn Phương Quang (đứng bên phải), Chỉ huy phó Ban CHQS xã Phú Nghĩa.

 

Phú Nghĩa là một xã thuộc vùng bán sơn địa nằm ở phía Tây huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, có diện tích tự nhiên hơn 821ha, dân số gần  12 nghìn người, phân bố ở 7 làng. Các làng trong xã đều có nghề mây tre đan truyền thống, thu hút hàng ngàn lao động, tạo ra những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước. Những năm gần đây, tuy gặp khó khăn, một phần do giá nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, phần khác do trong vùng có nhiều khu công nghiệp đã thu hút phần lớn lực lượng lao động trẻ. Song với quyết tâm giữ và phát triển nghề, các thành viên trong Câu lạc bộ nghệ nhân xã Phú Nghĩa đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, mẫu mã phong phú, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Tiêu biểu trong số họ phải kể đến anh Nguyễn Phương Quang, người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú khi mới 32 tuổi, Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực-nhân tài Việt Nam trao Bằng tôn vinh nhân tài đất Việt do đã có công bảo tồn, phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

 

Được biết, nhờ biết sắp xếp thời gian, điều hành công việc khoa học, anh không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên cương vị Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phú Nghĩa, mà còn “chèo lái” đưa doanh nghiệp mây tre đan Việt Quang phát triển không ngừng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động trong và ngoài xã với thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Đến thăm xưởng sản xuất của anh, chứng kiến bàn tay tài hoa của những người thợ đang tỉ mẩn đan các sản phẩm độc đáo từ đèn bàn, giỏ hoa, bình hoa, túi xách, giỏ đựng hoa quả…đến tranh tứ quý, câu đối, tranh chân dung…mới thấy hết tâm huyết của họ trong giữ gìn nghề truyền thống.

 

Cùng có chung niềm đam mê cháy bỏng với nghề mây tre đan truyền thống với đồng chí  Nguyễn Phương Quang, anh Nguyễn Đình Lượng, Thôn đội trưởng thôn Phú Hữu cũng luôn nỗ lực tìm hướng đi góp phần giữ gìn và phát triển nghề, giúp nhiều lao động trong thôn có việc làm ổn định, trong đó có nhiều chiến sĩ dân quân.  Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, hàng năm, anh chủ động tham mưu, đề xuất với Ban CHQS xã triển khai thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự ở thôn, nhất là đăng ký, quản lý chặt chẽ dân quân nòng cốt, dân quân rộng rãi và lực lượng dự bị động viên, nam công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, công dân trong độ tuổi nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ…

 

Đồng chí Nguyễn Trọng Cường, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phú Nghĩa chia sẻ: Địa phương luôn quán triệt thực hiện tốt quan điểm “Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh”, xây dựng lực lượng dân quân xã vững mạnh. Đặc biệt, do Phú Nghĩa là xã có nghề mây tre đan truyền thống nên nhiều cán bộ, chiến sĩ dân quân vừa tham gia gìn giữ, phát triển nghề, vừa góp sức cùng cấp ủy, chính quyền hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Nổi bật là, nhiều năm, xã hoàn thành chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (năm 2016 giao 8 công dân, 100% có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp); kết quả kiểm tra huấn luyện quân sự và giáo dục chính trị cho các đối tượng dân quân 100% đều đạt yêu cầu, trong đó trên 75% đạt khá, giỏi; lực lượng dân quân xã luôn xung kích trong tham gia trực sẵn sàng chiến đấu trong các dịp lễ, tết, phòng chống thiên tai, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…

Có thể nói, bằng sự nỗ lực không ngừng, những nghệ nhân trẻ đang cùng gắng sức phát triển nghề mây tre đan Phú Vinh với ước mong đưa nghề trở về thời “hoàng kim”. Được Đảng ủy, UBND xã Phú Nghĩa tạo điều kiện thuận lợi, cùng với các chủ doanh nghiệp trong và ngoài xã đầu tư vào phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, những ông chủ là chiến sĩ “sao vuông”  luôn tiên phong trong việc đưa thương hiệu mây tre đan truyền thống mở rộng hơn nữa đến các thị trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

 

Ngọc Quang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ