A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 - 12.2022)

Phù Lỗ-Nơi chôn xác “pháo đài bay” B-52

QPTĐ-“20 giờ 13 phút tối 18/12/1972, cả vùng trời Phù Lỗ sáng rực như ban ngày. Cháy rồi, máy bay Mỹ cháy rồi! Chúng tôi reo lên vui sướng, quên hết nguy hiểm, sợ hãi chạy ùa ra phía ấy. Nhìn đống sắt khổng lồ cháy rực ai nấy đều thấy xúc động và tự hào”.

Tượng đài chiến thắng B-52 tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn.

Hạ gục “pháo đài bay”

Để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” khỏi sụp đổ, Nixon trắng trợn mở lại cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Trung ương Đảng đã ra lời kêu gọi cả nước đứng lên quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược: “Mỗi công dân phải là một chiến sĩ kiên cường chống Mỹ, kiên cường cứu nước. Mỗi xí nghiệp, công trường, nông trường, hợp tác xã, cơ quan, trường học, đường phố phải là một chiến hào sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi hành động phiêu lưu quân sự của giặc Mỹ và tay sai”.
Thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Phù Lỗ bắt tay vào trận chiến đấu mới, các chiến sĩ dân quân nêu cao tinh thần “vững tay cày, chắc tay súng” quyết tâm bám trụ sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Phương án tác chiến và phòng tránh máy bay Mỹ oanh tạc đã được nhanh chóng triển khai. Cán bộ, đảng viên, nhân dân phát huy tinh thần trách nhiệm làm tốt nhiệm vụ được phân công, chuẩn bị đối phó với mọi tình huống.

Đúng 20 giờ 30 phút ngày 18/12/1972, một tốp máy bay Mỹ, trong đó có “Pháo đài bay” B-52 đã rải bom xuống cánh đồng Liên Lý và khu vực dân cư xóm mới, thôn Đoài thuộc địa bàn xã, làm cháy một ngôi nhà, chết một người. Khi có báo động từ xa, mặc cho máy bay địch vẫn gầm rú trên bầu trời, lực lượng chiến đấu của Phù Lỗ trên các địa bàn nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Các tổ liên lạc khẩn trương làm nhiệm vụ ngay từ phút đầu. Việc giải quyết hậu quả nhanh chóng được thực hiện. Mặc cho những quả bom còn lại chưa nổ, nhân dân xóm Mới dũng cảm vượt lên khỏi hầm để dập tắt ngọn lửa cứu người.

Đúng 20 giờ 13 phút tối 18/12/1972, “Rồng lửa Thăng Long” của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn Phòng không Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ một máy bay chiến lược B-52 của Mỹ, lập chiến công đầu ngay trong ngày đầu tiên của Chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972, góp phần cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội lập nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Nơi phơi xác B-52

Chúng tôi trở lại huyện Sóc Sơn, Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Gần nút giao thông nối Quốc lộ 3 với Quốc lộ 18, công trình giao thông của thời kỳ đổi mới trên đất xã Phù Lỗ, nay còn hiển hiện một Tượng đài chiến thắng B-52 được dựng lên tại cánh đồng Chuôm. Chính nơi đây, “pháo đài bay” bất khả xâm phạm B-52 của Mỹ bị lưới lửa phòng không Hà Nội bắn hạ, những mảnh xác máy bay rơi tứ tung trên cánh đồng.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Đình Dục, Trung đội trưởng dân quân, 1 trong 5 dân quân đã lập chiến công bắt sống phi công lái chiếc B-52 bị bắn rơi ngày ấy. Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng chỉ vừa nghe chúng tôi gợi chuyện quá khứ, ký ức về cái đêm huyền thoại ấy của ông Dục lại tràn về nguyên vẹn. “Tối đó, như thường lệ, đội dân quân gồm những thanh niên trai tráng trong thôn lại cùng nhau đi tuần tra dưới sự chỉ huy của Xã đội trưởng Đoàn Tấn. Đang đi, bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay rất lạ, tiếng ì như chở rất nặng”.

Vốn là một cựu chiến binh ở chiến trường Tây Nguyên, ông biết ngay đó là tiếng B-52. Lập tức, ông Dục hét to để báo hiệu cho mọi người biết có máy bay. Khẳng định đêm nay địch sẽ dùng B-52 bắn phá Thủ đô, ông cùng đội dân quân nhanh chóng triển khai lực lượng, thông báo cho bà con tìm nơi trú ẩn. Đúng 20 giờ 13 phút tối 18-12 năm đó, cả một vùng trời Sóc Sơn sáng rực như ban ngày. Người dân thôn Đường Hai cứ ngỡ như cả bầu trời cháy rụi và đổ ập ngang trên đầu, ai nấy vội vã trốn xuống hầm tránh bom. Bằng kinh nghiệm chiến trường, ông Dục lại hô to một lần nữa: Máy bay giặc cháy rồi, bị hạ rồi anh em ơi! Tiếng reo vui lan tỏa khắp làng, già trẻ, gái trai quên hết nguy hiểm, kéo nhau ra xem “pháo đài bay” phơi xác trên cánh đồng Chuôm ven làng.

Thấp thoáng thấy trên bầu trời có 2 bóng dù lơ lửng, Trung đội trưởng Phan Đình Dục và Xã đội trưởng Đoàn Tấn chỉ huy anh em dân quân xã chạy về phía máy bay rơi tìm bắt phi công nhảy dù. Ngay lập tức, họ phát hiện ra một tên bị mắc trên cây nhãn, cả đội hò nhau trèo lên bắt xuống thì phát hiện phi công này đã chết do bị thương nặng.

"Vừa thấy dù rơi, chúng tôi mới truy lùng suốt cả đêm đó, đến 8 giờ sáng hôm sau mới phát hiện ra phi công Mỹ. Nó phát hiện ra chúng tôi trước, lúc đó nó đang nằm nấp ở trong đám ruộng cày vỡ, nó phát hiện ra chúng tôi và giơ tay hàng luôn, “thằng” này là người da trắng…", ông Dục cho biết.

Mặc dù không biết tiếng của tên giặc lái, nhưng ông và đồng đội cũng biết phải thẩm tra ngay lập tức để tìm vũ khí của hắn. Chỉ sau vài động tác ra dấu, tên phi công đành phải khai ra hắn đã giấu khẩu súng lục ở bờ ruộng gần chỗ ẩn nấp. Ngay sau đó, dân làng hân hoan với chiến công bắt sống được giặc lái B-52 và vũ khí của hắn. Một thời gian sau, người dân làng Phù Lỗ đón thêm nhiều người khách nước ngoài, trong đó có các tùy viên quân sự nước ngoài, gia đình phi công xấu số sang đưa xác người thân mang về quê hương. Ông Phan Đình Dục cũng nhớ lại: "Khi nghe bà con kể lại toàn bộ câu chuyện về cái chết cũng như sự đối xử "nghĩa tử là nghĩa tận" theo đúng đạo lý Việt đối với viên phi công da đen, nhiều người trong đoàn khách nước ngoài đã bật khóc và bày tỏ tấm lòng cảm kích đối với tấm lòng bao dung của người Việt Nam". Còn viên thiếu tá phi công bị bắt sống hôm đó, sau này dân làng được nghe cấp trên thông báo là nằm trong những tù binh được trao trả đợt đầu tiên tại sân bay Gia Lâm khi Hiệp định Paris được ký kết.

Về Phù Lỗ hôm nay

Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương chiến tranh dần lành lại, nhưng sự kiện chiếc máy bay B-52 của giặc Mỹ bị quật ngã trên bầu trời Hà Nội và chôn xác trên đất Phù Lỗ vẫn còn vang mãi như một bản anh hùng ca, là niềm tự hào, cổ vũ, khích lệ các thế hệ quân và dân Phù Lỗ trong các thời kỳ cách mạng. Để từ đó tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong đánh giặc, nỗ lực thi đua phấn đấu trong công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng quê hương và Thủ đô Hà Nội “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ kính yêu.

Ông Phan Đình Dục kể lại chiến công bắt sống giặc lái Mỹ.

Bà Đỗ Thu Nga, Bí thư Đảng ủy xã Phù Lỗ cho biết: “Năm 2014, xã Phù Lỗ đã được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Từ đó đến nay, xã Phù Lỗ không ngừng tập trung nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới, đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm mang lại đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn cho nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị cũng như toàn thể nhân dân”. 

Được biết, từ khi được huyện Sóc Sơn chọn làm điểm cho chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nhân dân Phù Lỗ đã chung sức, đồng lòng hiến hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, gần 1.000 m2 đất ở để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa; làm đường giao thông… tổng giá trị các nguồn lực xã hội hóa trên 50 tỷ đồng. Tính đến nay, xã không có hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2026, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/người/năm…

Bên cạnh đó, ghi nhớ chiến công oanh liệt của cha ông, ý thức được việc phải giáo dục cho các thế hệ con em Phù Lỗ niềm tự hào trên mảnh đất Thánh Gióng anh hùng, chính quyền địa phương luôn có những chương trình, hoạt động giáo dục truyền thống. Tượng đài Chiến thắng B-52 ghi nhớ chiến công đầu của quân và dân Thủ đô trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước, giáo dục truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân Thủ đô cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Hải Yến-Phạm Luân
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ