A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 - 12.2022)

Huyền thoại Phi đội bay đánh đêm

QPTĐ-Trong căn nhà số 46 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, chúng tôi có dịp trò chuyện với Đại tá Hoàng Biểu, Đại tá Bùi Doãn Độ và Đại tá Vũ Đình Rạng, đều nguyên là phi công trong Phi đội đánh máy bay đêm những năm kháng chiến chống Mỹ, từng một thời gây khiếp sợ cho phi công Mỹ khi xâm phạm bầu trời miền Bắc. Cùng với các lực lượng khác, họ trở thành một bộ phận làm nên huyền thoại trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” 50 năm về trước.

Đại tá Hoàng Biểu cùng các phi công trong Phi đội bay đánh đêm bên chiếc máy bay Mig-21 mang số hiệu 5020 từng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân.

Thử thách bay ban đêm

Cuối tháng 7-1968, do nhu cầu phát triển lực lượng và yêu cầu nhiệm vụ, Quân chủng Phòng không-Không quân thành lập Đại đội 5 (sau đổi thành Phi đội 5) chuyên đánh máy bay đêm thuộc Trung đoàn Không quân 921 với quân số là những phi công cũ và được bổ sung một số phi công trẻ mới được đào tạo từ Liên Xô về nước.

Việc bay đêm khó hơn rất nhiều so với bay ban ngày. Ngoài việc triển khai các đài, trạm, lực lượng phục vụ như ban ngày, còn phải triển khai thêm hệ thống đèn ban đêm. Biên đội bay đêm không thể nhìn thấy nhau bằng mắt thường và phải giữ khoảng cách nhau hàng trăm, hàng nghìn mét qua màn hình ra-đa trên máy bay. Ngoài ra, phi công bay ban ngày có thể bay thấp, bay theo vật chuẩn và có thể tự tìm đường về sân bay hạ cánh. Còn bay đêm lại không thể bay thấp và lần mò như vậy. Nếu không tỉnh táo có thể rơi vào trạng thái “sai cảm giác” dẫn đến tai nạn trong khi bay.

Đại tá Hoàng Biểu, người 2 lần được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ vì có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ, khi ấy là Phi đội trưởng Phi đội 5 bay đêm kể: “Ngày ấy, nhiệm vụ của đại đội là huấn luyện bay đêm để tham gia trực chiến bay đêm, đánh đêm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải tham gia trực ban chiến đấu ban ngày cùng với các đại đội khác. Tranh thủ những lúc yên ắng, chúng tôi tập trung huấn luyện nâng cao kỹ thuật cho các thành phần chỉ huy, sẵn sàng ứng phó với những tình huống căng thẳng, phức tạp”.

Theo phương án được xây dựng, phi công bay đánh đêm được tổ chức tập luyện từng giai đoạn theo các tình huống một cách chi tiết, tỉ mỉ và chính xác. Từ việc phát hiện B-52 thế nào, có cần mở ra-đa hay không, mở ở cự ly bao nhiêu, bay tránh lực lượng tiêm kích yểm hộ ra làm sao, tiếp cận thế nào và phóng tên lửa ở cự ly nào thì hiệu quả nhất, phóng mấy quả, thoát ly ra khỏi trận địa về hạ cánh thế nào. Tất cả các vấn đề nêu ra đều được chuẩn bị kỹ cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật đánh B-52.
 
Gặp máy bay nào cũng đánh

Năm 1970, một số phi công của Phi đội bay đánh đêm nhận nhiệm vụ cơ động vào Khu 4, ém quân ở sân bay dã chiến Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Đồng Hới (Quảng Bình), tham gia chiến đấu bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược 559 và tìm cách đánh B-52 trên vùng trời Bình Trị Thiên và Đường 9-Nam Lào. Đến tháng 8-1970, Hoàng Biểu, Đinh Tôn, Vũ Đình Rạng và một số phi công khác đã tham gia vào đoàn nghiên cứu cách đánh B-52 trên vùng trời thuộc địa bàn Khu 4. Sau nhiều ngày nghiên cứu, bộ đội không quân ta tìm ra cách đánh máy bay B-52, rồi xây dựng phương án và tổ chức luyện tập.

Phi công Vũ Đình Rạng, năm nay đã 76 tuổi, kể lại: “Chúng tôi bí mật vào các sân bay tiền tiêu ở Khu 4. Khi B-52 xuất hiện thì chúng tôi cất cánh đánh chặn, không tìm thấy B-52 thì quay về hạ cánh tại các sân bay phía Bắc”.

Đêm 20-11-1971, máy bay do Vũ Đình Rạng điều khiển cất cánh từ sân bay Anh Sơn đã bắn bị thương một chiếc B-52 của Mỹ. Nhiều năm sau chiến tranh, người Mỹ mới thừa nhận ông chính là phi công lái Mig-21 đầu tiên trên thế giới tiếp cận và bắn hạ B-52. “Khoảng 19 giờ 40 phút, khi thấy có tín hiệu của B-52, Sở chỉ huy lệnh cho anh Hoàng Biểu ở sân bay Vinh cất cánh lên đánh chặn B-52, sau đó quay ra Nội Bài hạ cánh, còn tôi nằm phục tại sân bay Anh Sơn. Khi được lệnh cất cánh và đến địa phận Đô Lương, máy bay đang ở độ cao 1.500-2.000m, tôi bắt được mục tiêu B-52 rất rõ. Sở chỉ huy ra lệnh cho tôi lên độ cao 9.000 và tiếp tục tiếp cận B-52. Khi cách mục tiêu 2km, đường ngắm ổn định, tôi bấm nút phóng quả tên lửa tầm nhiệt và kéo máy bay lên cao. Nhìn sang bên phải tiếp tục thấy một máy bay B-52 khác, tôi phóng nốt quả nữa vào mục tiêu và thoát ly quay về hạ cánh”- Ông Rạng kể lại. 

Sau đó, nhiều phi công thuộc Phi đội bay đánh đêm đã liên tục mai phục, xuất kích chiến đấu nhưng chưa lần nào gặp được B-52. Từ những ngày đầu năm 1972, Đại đội bay đánh đêm cùng với Trung đoàn cơ động vào sân bay Thọ Xuân đóng quân, làm nhiệm vụ tác chiến ở vùng trời Khu 4, đồng thời sẵn sàng chi viện cho Trung đoàn Không quân 927 ở sân bay Đa Phúc. 

Cuối năm 1972, tiên đoán khả năng Mỹ sẽ huy động B-52 đánh phá miền Bắc, Quân chủng Phòng không-Không quân đã khẩn trương tổ chức huấn luyện bay đêm bổ sung cho Phi đội 5. Gần chục phi công bay giỏi, kỹ thuật tốt, bản lĩnh vững vàng được lựa chọn để tập luyện cất cánh với tên lửa bổ trợ, bay chặn kích B-52 bằng ra-đa kết hợp bằng mắt.

Với Đại tá Bùi Doãn Độ, Chiến dịch 12 ngày đêm máu lửa là kỷ niệm không thể nào quên đối với ông, vì lúc ấy ông chỉ mới 22 tuổi, là người trẻ nhất trong Phi đội bay đánh đêm được lệnh xuất phát trên chiếc Mig-21, đồng thời là người bắn rơi chiếc máy bay F4 cuối cùng của Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Ngày 29-12-1972, máy bay địch đánh phá một loạt sân bay: Thọ Xuân, Yên Bái, Hòa Lạc, Kép… Đêm hôm đó, ông cùng đồng đội trực chiến ở sân bay Miếu Môn. Do địch đánh phá dữ dội nên Phi đội 5 phải di chuyển về sân bay Hòa Lạc, rồi sau đó lại đi sân bay Kép (Bắc Giang) để trực chiến. 23 giờ đêm hôm ấy, sau một vòng “săn” B-52 không được, ông quay về thì được Sở chỉ huy thông báo có địch. Ngay khi phát hiện địch, ông liền tăng tốc đuổi theo và phóng tên lửa trúng đích. Đại tá Bùi Doãn Độ bồi hồi xúc động nhớ lại: “Trong khoảnh khắc trở về, tôi thấy máy bay F4 của địch đang bốc cháy dữ dội, bụng máy bay lật ngửa. Với khoảng cách tương đối gần chừng chỉ 100m nên tôi có thể nhìn rõ từ số hiệu đến từng chiếc đinh tán trên thân máy bay. Hôm sau, tôi mới biết nó rơi trên địa bàn huyện Tam Nông, Phú Thọ”. 

Trong 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, Phi đội 5 đã cùng Không quân Việt Nam lập nên những chiến công giòn giã, góp phần vào thắng lợi vang dội của dân tộc. Trong 24 lần xuất kích đã bắn rơi 7 chiếc máy bay, trong đó có 2 chiếc B-52 bị hạ gục, 8 lần phá vỡ đội hình bay chiến đấu của địch, tạo điều kiện cho tên lửa và lực lượng phòng không đánh thắng. Ngày 25-4-2013, Phi đội 5, Trung đoàn Phòng không 921 được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những người lính bảo vệ bầu trời miền Bắc năm xưa giờ đây đều ở tuổi xưa nay hiếm, gặp lại nhau hôm nay điều họ nhớ nhất không phải là những chiến công mà là nỗi nhớ đồng đội, những người không được chứng kiến niềm vui chiến thắng và ngày hòa bình trở lại. Chiến tranh đã lùi xa nhưng Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” mãi là mốc son trong lịch sử dân tộc, đó cũng là truyền thống để thế hệ trẻ hôm nay thêm yêu, tự hào và nỗ lực phấn đấu xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

TRẦN ĐỨC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ