A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 - 12.2022)

Bảo tàng Chiến thắng B-52 - Nơi khẳng định trí tuệ và khí phách anh hùng Việt Nam

 

QPTĐ-Cách đây 50 năm, 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, tạo ra bước chuyển quan trọng, đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc Việt Nam. Đồng thời là biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một chiến công vẻ vang của lực lượng vũ trang, là sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược.

Trong cuộc tập kích đường không chiến lược trên, đế quốc Mỹ đã huy động tới 193 máy bay ném bom chiến lược B-52, gần bằng 50% lực lượng không quân chiến lược của quân đội Mỹ, 999 máy bay chiến thuật, 420 máy bay trên 6 tàu sân bay, 48 máy bay F-111A. Số lượng tàu chiến ở Vịnh Bắc bộ tăng từ 18 lên 66 tàu, chiếm 60% tổng số tàu chiến đấu và tàu đổ bộ của Hạm đội 7. Quá trình tập kích, Mỹ sử dụng 663 lần chiếc B-52 xuất kích, huy động tới 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật phục vụ bảo vệ đội hình B-52. Cường độ xuất kích trung bình của B-52 từ 70 đến 80 lần chiếc và máy bay chiến thuật từ 300 đến 500 lần chiếc trong một ngày đêm. Lần đầu tiên Mỹ sử dụng cả một liên đội F-111 với 50 chiếc, xuất kích mỗi đêm từ 20 đến 25 lần chiếc. Nhiều phương tiện chiến tranh điện tử được Mỹ sử dụng để trinh sát, gây nhiễu các loại đài ra-đa và phương tiện thông tin liên lạc. Đồng thời, địch còn sử dụng nhiều loại bom đạn, kể cả bom điều khiển bằng la-de, hồng ngoại, bom phá cỡ lớn, bom bi theo cách rải thảm tọa độ để hủy diệt các mục tiêu quân sự, dân sự với mức độ lớn nhất trong lịch sử nhằm “vô hiệu hóa” hoàn toàn lực lượng và vũ khí, trang bị phòng không-không quân của ta. 

Thực hiện tốt phương châm và tư tưởng chỉ đạo “lấy ít đánh nhiều, lấy hiện đại thấp thắng hiện đại cao”, những vũ khí, trang bị kỹ thuật có hỏa lực mạnh được quân và dân ta tạo thành lưới lửa phòng không rộng khắp, dày đặc, đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52 và 5 máy bay F-111, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng có thêm điều kiện để nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về tầm vóc to lớn của Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đó mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tô thắm thêm trang sử hào hùng, khích lệ niềm kiêu hãnh của nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. 

Đến với Bảo tàng Chiến thắng B-52, ấn tượng đầu tiên có lẽ là những hiện vật của bộ đội tên lửa và ra-đa. Trong 12 ngày đêm, với khẩu hiệu: “Không để Tổ quốc bị bất ngờ”, bộ đội ra-đa đã khắc phục muôn vàn khó khăn gian khổ, quyết tâm vạch nhiễu, tìm thù, xa nhanh, đúng đủ. Họ coi đơn vị là nhà, màn hình sóng là trận địa, kịp thời phát hiện máy bay Mỹ thông báo cho các lực lượng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Trong Bảo tàng, cách xác máy bay B-52 không xa là khí tài ra-đa, giúp bộ đội phòng không sớm phát hiện "siêu pháo đài bay” B-52 để chủ động đánh trả chính xác.

Đài ra-đa TT35 gắn liền với chiến công của Đại đội 45, Trung đoàn 291, đơn vị phát hiện mục tiêu từ xa tạo điều kiện cho pháo cao xạ, tên lửa, máy bay của ta đánh địch kịp thời. Đặc biệt, ngày 18/12/1972, đài ra-đa TT35 đã phát hiện tốp B-52 đầu tiên vào Hà Nội thông báo kịp thời cho Trung tâm, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Phía trước Bảo tàng Chiến thắng B-52, những quả tên lửa Vonga vẫn sừng sững hướng lên bầu trời thanh bình của Tổ quốc. Cách đây 50 năm, tên lửa phòng không của ta bị Không quân Mỹ xem nhẹ trước khi chiến dịch tập kích chiến lược của Không quân Mỹ mở màn. Nhưng thực tế cho thấy, ngay đêm đầu tiên của chiến dịch, 3 "siêu pháo đài bay" B-52 của Mỹ đã bị tên lửa Vonga tiêu diệt. Bộ đội tên lửa, lực lượng nòng cốt đã lập công xuất sắc, bắn rơi 29 máy bay B-52 của Mỹ, trong đó có 16 máy bay rơi tại chỗ. Đêm đầu tiên trong chiến dịch, vào hồi 20 giờ 13 phút đêm 18/12/1972, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 Tên lửa phòng không Hà Nội đã lập công xuất sắc, bắn rơi 1 máy bay B-52G. 

Các phóng viên nước ngoài đã tận mắt chứng kiến xác máy bay rơi trên  cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Hồi 23 giờ 05 phút ngày 27/12/1972, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 Tên lửa phòng không Hà Nội bắn rơi 1 máy bay B-52D, khi máy bay này chưa kịp cắt bom gây tội ác, xác rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám, một phần rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng hoa cổ truyền Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. 

Cùng với bộ đội ra-đa, Không quân nhân dân Việt Nam cũng lập công xuất sắc. Phi công MiG của chúng ta với 24 lần xuất kích đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trong đó có 2 máy bay B-52. Phi công Vũ Xuân Thiều là một người con của Hà Nội, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng tại số nhà 21 Đặng Dung, Ba Đình, Hà Nội. Năm 1965, khi cuộc kháng chiến cứu nước bước vào thời kỳ quyết liệt, anh đã xin đi bộ đội khi đang làm luận án tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh đã trúng tuyển đi học lái máy bay ở Liên Xô, đồng đội rất yêu quý anh, người con trai Hà Nội chăm học, chăm luyện, luôn luôn đạt điểm giỏi. Tốt nghiệp trở về, anh được các lớp đàn anh như Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân dìu dắt và truyền đạt cho nhiều kinh nghiệm quý. 

Đêm 28/12/1972, nhận lệnh xuất kích tại một sân bay dã chiến chặn đánh địch ở phía Tây Bắc Thủ đô. Trong đêm giá lạnh mây mù, lại phải bay ở độ cao rất thấp, trên một địa hình núi non hiểm trở, nhưng vốn là một tay lái giỏi, anh đã bay đúng ý định dẫn dắt của Sở Chỉ huy. Sau khi vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích bảo vệ cho B-52, Vũ Xuân Thiều phát hiện mục tiêu, đồng chí báo cáo xin công kích. Được sự đồng ý của chỉ huy sở, Vũ Xuân Thiều nhằm chiếc B-52 phóng liền 2 quả tên lửa. Do bắn ở cự ly quá gần, Vũ Xuân Thiều đã không kịp thoát ly vùng nổ và đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ, 27 tuổi. Anh là tấm gương tiêu biểu cho thanh niên Thủ đô Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tháng 12/1994, Vũ Xuân Thiều được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày nay, tại quận Long Biên, Hà Nội đã có một đường phố mang tên Vũ Xuân Thiều. Hiện nay, ở Bảo tàng Chiến thắng B-52 có trưng bày một số kỷ vật của anh hùng liệt sỹ Vũ Xuân Thiều do gia đình tặng: Bộ quần áo phi công, chiếc đài ra-đi-ô, bức thư anh gửi cho gia đình, Giấy khen sinh viên giỏi do Trường Đại học Bách khoa cấp năm 1963 và bức ảnh chân dung của anh hùng liệt sỹ Vũ Xuân Thiều khi đang học tập tại Liên Xô.

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, với sự kiện 12 ngày đêm tháng 12/1972, thăm lại những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 với lòng tự hào, xúc động. Lại nhớ tới lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khẳng định: “Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên bầu trời Hà Nội, chiến thắng được mệnh danh là “Điện Biên Phủ trên không” sẽ mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Chính là chiến thắng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không có gì quý hơn độc lập, tự do; của tinh thần thông minh và trí tuệ đặc biệt của dân tộc Việt Nam đối với khối lượng sắt thép và đô la khổng lồ của đế quốc Mỹ. Con người đã thắng vũ khí; Chí nhân đã thắng tàn bạo; Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa”.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ