A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 - 12.2022)

Bản lĩnh của phụ nữ Thủ đô trong 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

QPTĐ-Trong kháng chiến chống Mỹ, phát huy khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu, phụ nữ Hà Nội đã góp phần cùng quân dân Thủ đô đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ vào miền Bắc nước ta tháng 12/1972, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để đi đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Phóng viên Báo Quốc phòng Thủ đô có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội về vai trò của phụ nữ Thủ đô trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Nữ tự vệ Hà Nội tại trận địa súng máy 14,5mm cùng đồng đội bắn rơi máy bay F-111 ngày 22/12/1972. (Ảnh: Tư liệu)

Phóng viên: Trong 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, phụ nữ Thủ đô đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu như thế nào, thưa đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội?

Đồng chí Lê Kim Anh: Khi địch đánh phá trở lại Hà Nội, ngày 11/5/1972, phụ nữ Hà Nội trong triển khai học tập nghị quyết và Lời tuyên bố của phụ nữ Việt Nam đã xác định: “Mỗi phụ nữ Thủ đô là một chiến sĩ kiên cường trong chiến đấu, sản xuất và đời sống”, thể hiện rõ nghị lực phi thường với khẩu hiệu “Địch đánh một, ta làm mười”, “Địch đánh ban ngày, ta sản xuất ban đêm”, “Tay cày, tay súng”, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”…

Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam đã ghi dấu chiến công vẻ vang, những tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường, không ngại hy sinh của phụ nữ Thủ đô trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Khi ấy, 45% phụ nữ Hà Nội tham gia lực lượng dân quân, 35% tham gia lực lượng tự vệ. Chị em đã gan dạ chiến đấu, lập nhiều thành tích xuất sắc. Điển hình như chị Đỗ Thị Minh, Trung đội phó dân quân ở Yên Viên, Gia Lâm, trong trận chiến đấu đánh máy bay địch, bị thương nát hai chân vẫn không rời trận địa, anh dũng cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Toàn đơn vị học tập tấm gương “Sống ngoan cường, chết vẻ vang” của chị. Hay chị Phạm Thị Viễn, tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động, cùng đồng đội bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F-111, được tin nhà bị trúng bom, bố mất, vẫn kiên cường bám trụ trên trận địa pháo. Chị Cù Thị Bích Hoàn, công binh xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) là người đầu tiên tháo bom nổ chậm 1.000 bảng Anh. Kinh nghiệm của chị được nhiều nơi áp dụng. Các chị Nguyễn Thị Kim Thu, Trần Thị Loan, công nhân nhà máy cơ khí Quang Trung làm nhiệm vụ quan sát trên chòi cao, bom nổ, lửa cháy, chòi chao đảo vẫn không rời vị trí, bình tĩnh báo cáo về chỉ huy... 

Ở lĩnh vực nào, phụ nữ Thủ đô cũng nêu gương dũng cảm. Chị em ngành giao thông bám mặt đường, san lấp hố bom, sửa chữa cầu phà, thông xe đảm bảo giao thông thông suốt. Trong bom đạn ác liệt, chị em Bưu điện Đông Anh, Gia Lâm giữ vững đường dây, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Chị em thương nghiệp bám trụ nơi trọng điểm, kịp thời phục vụ bộ đội và các lực lượng khắc phục hậu quả sau trận đánh. Bà Trần Thị Hoán ở Giáp Bát (Hoàng Mai), suốt 12 ngày đêm địch đánh phá đã trụ lại trong lô cốt cùng các lực lượng khắc phục hậu quả sau mỗi trận đánh bom. Cụ Vương Thị Bạn ở Yên Phụ bới hầm cứu 3 người, cùng anh em đưa 40 người đến trạm cấp cứu. Hàng vạn các mẹ, các chị xung phong vào các tổ tiếp tế, cứu thương, cứu sập…đóng góp trên 2 triệu ngày công xây dựng trận địa pháo, đào giao thông hào, phá gỡ bom nổ chậm, phục vụ chiến đấu. Trong 12 ngày đêm anh dũng bảo vệ Hà Nội, 21 hội viên phụ nữ được tặng Huy hiệu Bác Hồ, 16 chị được kết nạp Đảng ngay tại trận địa.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết, những đóng góp của phụ nữ Thủ đô trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa như thế nào?

Đồng chí Lê Kim Anh: 50 năm đã trôi qua nhưng Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị, để lại những bài học vô cùng sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với tổ chức Hội Phụ nữ, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” một lần nữa khẳng định sức mạnh to lớn của các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, sức sống mãnh liệt của Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, khẳng định truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang”. Đây mãi là niềm tự hào, mốc son chói lọi trong những trang sử vẻ vang của phong trào phụ nữ Thủ đô và cả nước.

Phóng viên: Phát huy truyền thống "Ba đảm đang" năm xưa, phụ nữ Thủ đô hôm nay thi đua lập thành tích trên các mặt công tác đạt được những kết quả nổi bật ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Kim Anh: Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, phụ nữ Thủ đô đã và đang nỗ lực thực hiện có hiệu quả các Phong trào thi đua: “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”; “Phòng chống ma túy từ gia đình”...; 2 Cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang””;  “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”...Kết quả, 5 năm qua đã có 822.000 hội viên đạt chuẩn mực “Trung hậu-Sáng tạo-Đảm đang-Thanh lịch”; 829.800 lượt nữ công chức, viên chức, lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà”. Công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới; đã có trên 6.700 gương điển hình, mô hình, cách làm hay được tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình và xã hội. 

Phụ nữ Thủ đô có mặt trên mọi ngành, lĩnh vực, đã tích cực đóng góp trong phát triển kinh tế. Nhiều chị em vươn lên là nhà quản lý, nữ chủ doanh nghiệp năng động, sáng tạo, phát triển nhiều ngành, nghề mới, tích cực nghiên cứu, cải tiến ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. 

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, phụ nữ Thủ đô giữ vai trò quan trọng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long-Hà Nội, xây dựng người Hà Nội “thanh lịch, văn minh”, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.  Đội ngũ nữ y, bác sỹ, nhân viên y tế ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nêu gương sáng tận tụy, kiên cường, hết mình trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Hàng ngàn phụ nữ Thủ đô hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, báo chí, thể thao… đã không ngừng rèn luyện, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đời sống tinh thần của nhân dân. Lực lượng nữ thanh niên Thủ đô nắm bắt nhanh tri thức mới, tiên phong, xung kích trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Phụ nữ trong lực lượng vũ trang nêu cao bản lĩnh, phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên cường, dũng cảm, góp sức giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Phụ nữ cao tuổi là chỗ dựa tinh thần cho các con cháu, giữ gìn nền nếp gia đình. Phụ nữ các tôn giáo sống “Tốt đời, đẹp đạo”, lan tỏa tinh thần bác ái, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Phụ nữ dân tộc thiểu số giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị em phụ nữ Thủ đô tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, thành viên tổ Covid cộng đồng, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, phục vụ tại các điểm tiêm phòng, khai thác nguồn lực xã hội hóa ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên 8,7 tỷ đồng. Những mô hình như “Đi chợ hộ”, “Bếp ăn nghĩa tình”, “Túi thuốc 0 đồng”, “Tủ thuốc lưu động”, “Khẩu trang thân thiện” ... gắn liền với hình ảnh của các chị em. Chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch” được chị em hưởng ứng, hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản cho nông dân Hà Nội và các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phụ nữ Thủ đô tích cực đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, sửa đổi các văn bản luật, các chương trình đề án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Thành phố ngày càng trưởng thành. 

 Với tinh thần “Đoàn kết-Sáng tạo-Hội nhập-Phát triển”, cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô hôm nay tự hào, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, tiềm năng, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; vì sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của phụ nữ, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Mạnh Quang (thực hiện)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ