A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 - 12.2022)

Đại hội Quyết thắng pháo đài bay B-52

 

QPTĐ-Theo đường Nguyễn Ngọc Vũ (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), chúng tôi tìm đến nhà riêng của Đại tá Trần Liên, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Ra-đa, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 291, Sư đoàn 365 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Qua câu chuyện với ông, chúng tôi hiểu sâu hơn về những chiến công thầm lặng của bộ đội ra-đa 291 trong Chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Ra-đa 45, Trung đoàn 291 tham gia Chiến dịch 12 ngày đêm. (Ảnh: Tư liệu)

Pha xong ấm trà nóng mời khách, ông nhẹ nhàng lật giở từng trang bản thảo của cuốn hồi ký về bộ đội ra-đa. Đại tá Trần Liên bắt đầu câu chuyện: Tháng 11/1972, chấp hành Nghị quyết của Đảng ủy Binh chủng Ra-đa, các trung đoàn đồng loạt mở Hội nghị Đảng bộ để tập trung thảo luận, bàn kỹ yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao; xây dựng quyết tâm chống nhiễu tốt, phát hiện chính xác máy bay B-52 trên màn hiện sóng. Trung đoàn Ra-đa 291 chúng tôi làm nhiệm vụ cơ động ở Quân khu 4. Nghị quyết của Hội nghị là quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu, ngày đầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là khi địch sử dụng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Đây được coi là “Đại hội Quyết thắng B-52” của các đơn vị. Để hoàn thành tốt nội dung, chỉ tiêu nghị quyết, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn đã trực tiếp xuống kiểm tra, đôn đốc đơn vị tích cực làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối đầu với B-52. Với tinh thần quyết thắng B-52, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã thể hiện bản lĩnh, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bám máy, bám trận địa ngay cả khi B-52 rải thảm gần vị trí Đại đội 45 đóng ở Đồi Si. Với quyết tâm “vạch nhiễu tìm thù”, chúng tôi đã vận dụng phát huy mọi tính năng, kỹ chiến thuật của đài, lập phương án chống tên lửa tự dẫn, đưa đơn vị trinh sát về phía trước và điều chỉnh lại đội hình ra-đa; thực hiện chiến thuật “lấy xa bù gần, hai bên sườn bổ trợ chính diện” để bao vây, phát hiện địch từ nhiều phía trong đội hình nhiễu dầy đặc. 

Thời điểm đó, địch đánh phá ngày càng ác liệt, Trung đoàn chúng tôi là đơn vị cơ động, phải vừa đào hầm, lắp bạt, vừa sẵn sàng chiến đấu nên việc phát hiện chính xác B-52 gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, với sự mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, Đại đội Ra-đa 45 đã phân tích, kịp thời cung cấp phân tử nhìn vòng cho hai tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn Tên lửa 263 bố trí ở Nghệ An bắn rơi 2 chiếc B-52 vào đêm 22/11/1972. Thành tích này đã kịp thời động viên tinh thần cảnh giác, bám máy, bám đài của toàn thể cán bộ, chiến sĩ.

Ngày 15/12/1972, Quân chủng chuyển vào trạng thái chiến đấu cấp I. Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Binh chủng Ra-đa phát hiện địch từ xa, chuẩn xác; phục vụ cho các binh chủng hỏa lực bắn rơi tại chỗ máy bay địch. Toàn Binh chủng chuyển vào chiến đấu cấp I với sự điềm tĩnh lạ thường. Ngày 18/12/1972, cường độ hoạt động của máy bay địch trên địa bàn Quân khu 4 bỗng giảm đi đột ngột. Tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho Ra-đa phải tổ chức trực ban chặt chẽ, có kế hoạch mở máy tăng cường kịp thời, hết sức đề phòng máy bay B-52. 

Đúng 18 giờ 15 phút, nhận được tin báo, các đài ra-đa đang mở máy đều bị nhiễu tích cực và cường độ tăng rất nhanh, Binh chủng lệnh cho các trung đoàn tăng cường trắc thủ giỏi, phiên ban giỏi vào vị trí chiến đấu. Thủ trưởng các trung đoàn phải trực tiếp ở Sở chỉ huy. Đến 19 giờ 10 phút, Đại đội 16 và Đại đội 45 bố trí ở Nghệ An đã phát hiện được các tốp B-52 từ Thái Lan bay vào vùng trời miền Bắc. Ngay lập tức, Tư lệnh Quân chủng lệnh cho các lực lượng hỏa lực chuẩn bị đánh B-52, bảo vệ Thủ đô Hà Nội; đồng thời lệnh cho 2 chiếc MiG-21 cất cánh từ sân bay Hòa Lạc tham gia chiến đấu tiêu diệt B-52. Tuy không hạ gục được B-52 nhưng sự xuất hiện của những chiếc Mig-21 can trường đã làm đội hình máy bay địch rối loạn, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội phòng không diệt địch. 19 giờ 44 phút, Tiểu đoàn Tên lửa 78 (Trung đoàn 257) đã phóng quả đạn đầu tiên vào tốp máy bay B-52 có ký hiệu 556. Tiếp đó, Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261) đã phóng 2 quả tên lửa vào tốp B-52 đang bay từ hướng Tam Đảo vào đánh Đông Anh, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52 ở Phù Lỗ. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị hạ gục tại chỗ trong Chiến dịch 12 ngày đêm. 

Kể đến đây, Đại tá Trần Liên bỗng hào hứng hơn hẳn, càng thêm tự hào về những chiến công của bộ đội ra-đa và bộ đội tên lửa. Ông như trở về với những năm tháng hào hùng, oanh liệt ấy. Ông cho biết: Vốn có kinh nghiệm phát hiện B-52 hoạt động ở phía Nam Quân khu 4 từ năm 1969, đã từng tham gia dẫn đường cho máy bay bắn trúng B-52 trong trận 20/11/1971; đồng thời trực tiếp bảo đảm ra-đa cho Trung đoàn Tên lửa 236 bắn rơi B-52 trong trận 22/11/1972 và kinh nghiệm chống nhiễu phát hiện B-52 đánh khu vực Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích cùng các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu và Nguyễn Văn Xích đã nhanh chóng phát hiện và thao tác quy trình chống nhiễu B-52 một cách chuẩn xác, kịp thời thông báo sớm để các đơn vị chủ lực chủ động tiêu diệt B-52 khi chúng bay vào bầu trời Hà Nội.

Trong suốt 12 ngày đêm của chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 291 đã thức thâu đêm, bám sát màn hiện sóng, lọc trong những dải nhiễu dầy đặc của địch để nhận diện được 151/165 lần tốp B-52, hoàn thành xuất sắc nội dung, chỉ tiêu Nghị quyết “Đại hội Quyết thắng B-52” đã đề ra, góp phần cùng với quân và dân cả nước đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội.

T.ĐÔNG-Q.VÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ