A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm nguồn gốc của thực phẩm

 

 

Hiện nay người tiêu dùng Việt Nam hầu như phải sử dụng thực phẩm trong tình trạng không có thông tin đầy đủ về nguồn gốc, chế biến và phân phối. Trước “ma trận” thực phẩm bẩn, để người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho thực phẩm là một phương pháp mới. Bằng cách này, người tiêu dùng dễ dàng biết được lai lịch xuất xứ của những thức ăn mình dùng hàng ngày.

 

 

Thiếu cơ sở giết mổ tập trung là một trong những nguyên nhân  tồn tại của thực phẩm bẩn.          

                   

Khi phương pháp “truy xuất nguồn gốc điện tử” của thực phẩm được áp dụng, mã truy xuất sẽ được in trên bao bì mỗi sản phẩm bán ra. Người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng, có thể gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm hoặc dùng điện thoại thông minh (có cài đặt phần mềm truy xuất) để quét lên mã được in trên bao bì của sản phẩm. Nhờ vậy mà truy ngược từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng thành công giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm sẽ góp phần làm tăng giá trị nông, thủy sản, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, phương pháp này giúp cho công tác quản lý sản phẩm tốt hơn. Trong trường hợp phát sinh dịch bệnh, lô hàng bị lỗi… có thể dễ dàng truy ra tận mầm mống của dịch bệnh, từ đó chặn đứng ổ dịch, thực hiện phòng ngừa bệnh dịch cũng như thu hồi sản phẩm mắc bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng. Với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin về sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn.

 

Tại Việt Nam, thực phẩm thịt gà ta Gò Công đã có tiếng vang và đứng vững được trong nước là một thành công của phương pháp “truy xuất nguồn gốc”. Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang hướng tới sản xuất buôn bán theo hệ thống này, ví dụ: Bác Tôm, Dalat Hasfarm… nhưng còn rất nhiều khó khăn để mở rộng phạm vi hoạt động của phương pháp này. Đó là phải duy trì cả một hệ thống, chỉ một mắt xích trong hệ thống có vấn đề sẽ khiến cả quá trình vận hành hỏng. Mỗi thực phẩm đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều khâu, muốn truy xuất ngược lại thì cần sự hợp tác của tất cả các khâu đó, đòi hỏi trách nhiệm và sự trung thực của mỗi bộ phận, sự vào cuộc của các bên.

 

 Thực tế ở Việt Nam, các cơ sở chăn nuôi, sản xuất vẫn hoạt động một cách riêng lẻ, không đăng ký, sau đó đưa ra các chợ để buôn bán, tiêu thụ… Nếp mua-bán này duy trì nhiều năm, tạo thành thói quen bền vững. Vì vậy để đồng bộ quản lý thành một chuỗi hệ thống là rất khó. Kinh phí thực hiện phương pháp này không nhỏ, khi áp dụng giá thành sản phẩm chắc chắn tăng cao hơn so với các sản phẩm không rõ nguồn gốc mua tại chợ. Chừng nào phía cầu đòi hỏi cao hơn, tiêu chuẩn cao hơn thì phía cung  sẽ thay đổi. Khi nào người Việt chấp nhận một mức giá cao hơn thì phương pháp này mới có đất để triển khai.

 

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông tư và quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên đó là một quãng đường dài và nhiều khó khăn, cần thêm thời gian để chuẩn bị cả về hệ thống lẫn tài lực. Xã hội cũng cần sẵn sàng với một khái niệm mới: “Truy xuất nguồn gốc” thực phẩm.

 

HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ