A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về thăm quê Bác

 

QPTĐ-Trong tiềm thức của những người con đất Việt, khi nhắc tới hình ảnh làng quê yên bình gắn với lũy tre xanh, có tiếng à ơi theo từng nhịp võng, đặc biệt nơi ấy còn gắn liền với những đóa hoa sen thật đẹp, luôn tỏa hương thơm ngát những buổi trưa hè và một cái tên mà triệu triệu người kính yêu-Hồ Chí Minh-hẳn đều cảm nhận, nơi ấy thật gần gũi và thân quen. Vâng, chúng tôi muốn nói tới làng Sen (hay còn gọi là cồn Sen), quê nội và làng Hoàng Trù, quê ngoại của Bác Hồ, thuộc khu Di tích Kim Liên.

 

 

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thăm Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.
 

“Đi ra nổi tiếng Làng Sen
Nho buôn đồ nhủi đã quen đi rồi”

 

Làng Sen, làng Chùa xưa thuộc xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên). Đây là vùng quê nghèo của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Quanh năm ruộng đất khô cằn bởi nắng hạn. Do thường xuyên phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt như vậy nên đời sống người dân luôn lam lũ, vất vả. Nhân dân làng Sen chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng, một số làm nghề dệt vải, nghề rèn, nghề hàn, thợ mộc, thợ nề, nghề đan, thậm chí đi buôn mật mía.


Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, làng Sen và làng Chùa chỉ có khoảng 5 ngôi nhà ngói, còn lại là nhà gianh, cột mét kèo tre. Gia đình khá giả cũng chỉ có bộ ván ngựa để mộc, hoặc tràng kỷ rất đơn giản. Nhà nghèo thì chủ yếu nằm giường tre ọp ẹp, mùa Hè không có màn, mùa Đông không chăn, quanh năm phải ăn “cơm hút, nhút chua”.


Sau khi đậu Phó bảng tại khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác Hồ) cùng các con rời làng Chùa (Hoàng Trù) về sống tại làng Sen quê nội. Ngôi nhà này là do người dân làng Sen dùng quỹ công dựng lên mừng cụ đậu Phó bảng đem lại vinh dự cho cả làng.


Để đến ngôi nhà Bác ở (quê nội Bác Hồ), chúng ta phải đi qua một hồ sen lớn, tới giếng Cốc. Theo các tài liệu, nơi đây, thuở nhỏ, Bác thường ra lấy nước, câu cá và vui chơi cùng bè bạn trong làng. Đi sâu vào phía trong, qua lũy tre xanh rợp mát là ngôi nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc, 5 gian lợp mái tranh đơn sơ, giản dị. Nơi đây gồm các hạng mục: Nhà chính, nhà ngang, cổng, sân, vườn. Cụ thể, trước nhà có 2 sân nhỏ và 1 thửa vườn được bao quanh bằng hàng rào râm bụt. Kế bên là ngôi nhà ngang làm bếp. Hai gian phía ngoài đặt bàn thờ và tiếp khách. Gian tiếp là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh, chị cả  của Bác. Hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của gia đình.


Chính ngôi nhà đã gắn bó với năm tháng niên thiếu của Bác (từ 1901-1906). Sau này, qua 50 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã trở về làng Sen 2 lần là năm 1957 và năm 1961.


Khu di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, như hai bộ phản gỗ, chiếc giường, rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, mâm bằng gỗ sơn đen...


Nơi đây, hiện lưu giữ những kỷ vật vô giá có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, là nguồn tư liệu quý giá đối với du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Điển hình như chiếc giường của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc rương gỗ, dùng để đựng thóc và những vật quý của gia đình, là quà hồi môn của cụ Nguyễn Thị Kép, bà ngoại Bác Hồ dành tặng cho con gái khi đi lấy chồng.

 

Thuở nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã men theo chiếc rương này để chập chững tập đi. Đó là những bước đi đầu tiên trong cuộc đời Người, để rồi sau đó sẽ nối dài những bước chân vững chãi Người đi khắp bốn biển năm châu tìm đường cứu nước. Ngày về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động nói: "Các cô, các chú thật khéo giữ, chiếc rương vẫn còn đây à?". Tiếp theo là bộ phản gỗ, nơi tiếp khách của gia đình, cũng là nơi chứng kiến bao cuộc đàm luận của các nhà Nho yêu nước đầu thế kỷ XIX như cụ Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Nguyên Cẩn và Nguyễn Sinh Sắc…


Cụm Di tích quê ngoại tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn gồm ngôi nhà ba gian, mái lợp lá, xung quanh che phên. Nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại của Bác Hồ), là nơi vun đắp tình cảm của ông ngoại, bà ngoại và gia đình dành cho Bác. Cùng với đó là Nhà thờ chi họ Hoàng Xuân, do ông Hoàng Xuân Đường (thân sinh của bà Hoàng Thị Loan) hưng công xây dựng vào năm 1882, với kết cấu chủ yếu bằng gỗ, mái lợp ngói.


Ngày 10/5/2012, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, gọi tắt là Khu di tích Kim Liên được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên thuộc địa bàn 2 xã Kim Liên và Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 


Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ