Về “Kinh đô vải” Ninh Hiệp
QPTĐ-Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) được biết đến với nghề Thuốc Bắc truyền thống, nhưng từ bao giờ, cứ mỗi khi nhắc đến Ninh Hiệp là người ta lại nhớ ngay nghề buôn vải.
Chợ vải Ninh Hiệp đa dạng về mẫu mã.
Chợ vải Ninh Hiệp hay còn gọi là chợ Nành không biết chính xác được hình thành từ bao giờ, nhưng có lẽ nó chính là kết quả của sự phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa những năm đầu thế kỉ thứ 11, 12 tại đây. Tồn tại ngót nghét 1.000 năm, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, chợ Ninh Hiệp có nhiều thay đổi, song đây vẫn là một trong những khu chợ cổ nhất Việt Nam.
Trước đây, vào những năm 80 của thế kỷ trước, cả xã chỉ có nghề làm Thuốc Bắc và hái sen bán. Khi ấy cả phụ nữ và đàn ông đều ra đồng, cùng hái sen để kiếm tiền trang trải. Lúc đó, cuộc sống ở đây không nhỉnh hơn những làng quê khác là bao. Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi mở cửa tự do buôn bán, phụ nữ ở Ninh Hiệp bắt đầu thể hiện được sự nhanh nhạy của mình. Họ sang Trung Quốc tìm nguồn hàng rồi chuyển vải về chợ để bán. Cứ như thế, nghề buôn vải trở thành nghề chính ở Ninh Hiệp.
Ông Nguyễn Văn Thiện, người làng chia sẻ: “Từ khi chợ phình rộng, làng là chợ, chợ trong làng thì nhiều gia đình mới mấy năm trước còn nhặt nhạnh từng đồng để lo cho con cái thì giờ khá hơn nhiều. Các vị cứ nhìn xem, từ con hẻm, cái cổng cho đến lối đi vào nhà ở Ninh Hiệp đều trở thành sạp hàng”.
Ca dao xưa có câu “chợ Nành một tháng sáu phiên”, từ chỗ một tháng sáu phiên họp, ngày nay chợ hoạt động nhộn nhịp suốt bảy ngày trong tuần với các loại hàng hóa vải vóc vô cùng đa dạng và phong phú. Được mở rộng vào năm 2002, nhưng quy mô hiện tại vẫn chưa đáp ứng được so với tầm vóc thật sự, thế nên các sạp vải vẫn trải dài hơn 1km dọc con đường suốt từ đầu làng vào tới chợ như hiện nay. Mỗi ngày, chợ thu hút hàng ngàn lượt thương nhân và du khách tới thưởng lãm và giao dịch. Mọi người vẫn gọi khu chợ nơi đây là “Chợ ba nhất”: Cổ nhất, lớn nhất và rẻ nhất.
Cô Phạm Thị Hòa, chủ cơ sở bán vải Bích Hòa chia sẻ: “Ninh Hiệp hầu như không có thời gian nghỉ. Ban ngày là hoạt động kinh doanh. Từ đêm cho đến tảng sáng là các xe hàng về làng, trong đó, xe cỡ 3 hay 5 tấn được xếp vào chủng loại nhỏ”.
Chẳng đâu như Ninh Hiệp, vào thời buổi này mà chỉ cần trong túi vỏn vẹn 50.000 đồng là có thể có một mảnh vải ưng ý để may áo hoặc quần rồi. Giá rẻ như không thể rẻ hơn. Ở đây khách hàng cứ thỏa sức ngắm nhìn, không phải ngại ngần gì cả. Nếu có ý định mua vài thước lụa hay một món hàng nào đó thì cũng cứ yên tâm về giá cả. Chợ Ninh Hiệp từ bao giờ đã được mệnh danh là “Kinh đô vải”. Không chỉ buôn bán nhỏ lẻ, nơi đây còn thu hút nhiều đơn đặt hàng lớn từ miền Trung, miền Nam. Và cả những chuyến buôn xuyên quốc gia tới Campuchia, Thái Lan…
Mới vào Hè mà ngay từ buổi sáng, chợ vải Ninh Hiệp đã tấp nập người gánh kẻ thồ, kẻ bán người mua, đủ các mặt hàng vải vóc, quần áo, chăn màn, đa dạng về chất liệu và sắc màu. Quả thật với người dân Ninh Hiệp, nghề buôn vải đã góp phần đáng kể làm thay đổi cuộc sống mỗi gia đình. Những ngôi biệt thự dần mọc lên trong ngôi làng cổ. Thấp thoáng đây đó vẫn còn khoảng sân và vòm cổng cũ, xa xa là ngôi chùa Nành (chùa Pháp Vân) in đậm dấu thời gian, nhân chứng từng bước phát triển của người dân làng Nành.
HẢI YẾN