A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức bật mới ở Kiến Hưng

 

QPTĐ-Phường Kiến Hưng gối lên bờ Tây dòng Sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Đông chưa đầy cây số. Sau 10 năm từ xã lên phường, từ một vùng quê khó khăn với bao lần chuyển đổi, sáp nhập, giờ đây, Kiến Hưng đang vươn mình trở thành một trong những điểm sáng của Thủ đô.

 

 

Nghề rèn ở Đa Sỹ nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc.


Tháng 6/1949, xã Kiến Hưng được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 thôn: Đa Sỹ, Mậu Lương, Hà Trì. Đến tháng 8/2009, Kiến Hưng chuyển cấp hành chính từ xã lên phường theo Nghị định 19/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Chặng đường xây dựng và phát triển của nơi đây lắm gian truân, biết bao lần sát nhập vào huyện Thanh Oai, rồi Thanh Trì, cho đến khi trở thành một phần của quận Hà Đông, Kiến Hưng mới thực sự chuyển mình.
“Từ làng lên phố, xã lên phường không chỉ là việc ban hành quyết định, thay con dấu là xong. Mà đây là chuyện thay đổi từ diện mạo bên ngoài đến suy nghĩ, hành động và sự quyết tâm của mỗi cán bộ, người dân để chung tay xây dựng cuộc sống mới”.


Lúc ban đầu, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng kéo theo nhu cầu phát triển ngành, nghề lao động, sự phân hóa giàu, nghèo đã đặt ra những thách thức không nhỏ. Đứng trước những nguy cơ đó, Kiến Hưng đã biết vận dụng “vốn tự có" là nghề truyền thống cực kỳ khéo léo. Từ xa xưa, người ta vẫn hay truyền nhau rằng muốn mua dao kéo thì phải tìm về Đa Sỹ, người dân Đa Sỹ vẫn mang trong mình niềm tự hào bởi khả năng tạo ra những con dao “chặt được cả sắt”. 


Nghề rèn ở Đa Sỹ nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Khách đến thăm làng xa xa đã nghe rõ âm thanh của kim loại va đập vào nhau, tiếng đe, tiếng búa chí chát, tiếng quạt gió thổi bễ phù phù, tiếng máy mài kêu re re, bụi mạt sắt bắn tung tóe lóe sáng như muôn vàn tia pháo hoa ngày hội. Mỗi gia đình sản xuất một loại sản phẩm riêng, nhà thì làm dao tông (dao rựa), nhà thì làm dao nhỏ các loại. Có nhà làm kéo may nổi tiếng, tất cả các nhà may danh tiếng đất Hà Thành đều phải về đây để đặt hàng. Những chiếc kéo may, tay co tay duỗi sắc ngọt mà không có nơi nào làm được như ở làng nghề Đa Sỹ này. 


Đến Đa Sỹ hôm nay, qua quần thể chùa, đình, miếu là khu chợ sầm uất, các cửa hàng bán buôn, bán lẻ đủ các mặt hàng, trong đó, nổi bật nhất vẫn là những gian hàng bán sản phẩm dao kéo của các gia đình làm nghề rèn truyền thống, đã làm nên một diện mạo Đa Sỹ mới, giàu đẹp và ấn tượng.


Nhờ duy trì làng nghề mà hàng nghìn lao động địa phương đã được giải quyết việc làm. Không chỉ vậy, trong những năm qua phường Kiến Hưng đã tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thương mại, từng bước nâng cao mức sống của người dân. Hiện nay, 100% hộ dân trong phường đã được dùng nước sạch; 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa và có đèn điện chiếu sáng trên các trục giao thông chính.


Cùng với đó, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng ổn định. Phường có ba trường là: Trung học cơ sở Kiến Hưng, Tiểu học Kiến Hưng, Mầm non Kiến Hưng và Trạm Y tế được công nhận chuẩn quốc gia. Cùng với quá trình đô thị hóa của quận Hà Đông, Kiến Hưng cũng đang từng ngày đổi thay và phát triển. Nhiều khu đô thị đã và đang được đầu tư xây dựng như khu nhà chung cư CT6, khu chung cư thu nhập thấp, khu đô thị Kiến Hưng, Phú Lương…


Một chặng đường đã qua, Kiến Hưng đang từng ngày vững bước đi lên, xứng đáng là điểm sáng của Thủ đô. Sự phát triển về kinh tế-xã hội, cùng với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, sản phẩm du lịch làng nghề sẽ tạo đà cho phường Kiến Hưng ngày càng phát triển rực rỡ.


Ý NHI


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ