A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô

 

QPTĐ- Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, Hà Nội luôn là nơi tập trung nhiều dân cư. Năm 2016, số dân Hà Nội là gần 8 triệu người, nếu tính cả số học sinh, sinh viên, lao động tự do thì con số này đạt xấp xỉ 10 triệu. Bên cạnh những nhu cầu thiết yếu khác của đời sống xã hội thì nhu cầu về lương thực, thực phẩm là một nhu cầu lớn và không ngừng tăng cao hằng năm. Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, mỗi năm, thị trường Hà Nội tiêu thụ khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900.000 tấn rau... Tuy nhiên, các hộ sản xuất trên địa bàn thành phố chỉ cung cấp lượng thực phẩm đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, số còn lại do các địa phương khác cung cấp hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.

 

 

Hà Nội tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phố Hà Nội đã ban hành động bộ hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn từ thành phố xuống tới cơ sở để các địa phương, đơn vị kịp thời tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền được thực hiện chủ động với việc lồng ghép nội dung trong các hội nghị phổ biến Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài; tổ chức hội thi sử dụng pa-nô, áp phích, khẩu hiệu ở các nơi công cộng để tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai hằng năm chương trình truyền thông “Chung tay vì an toàn thực phẩm”, phát động phong trào thi đua bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm…

 

Để tăng cường nguồn thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu nhân dân, Hà Nội đã tiến hành quy hoạch và triển khai mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi, như chuỗi sản phẩm rau xanh, chuỗi sản phẩm gà Giang Sơn, chuỗi sản phẩm gà Dabaco, chuỗi sản phẩm chè đen Tân Cương Hoàng Bình... Duy trì phối hợp cam kết với 18 tỉnh lân cận để kiểm soát nguồn thực phẩm về Thủ đô và đang nghiên cứu để tiếp tục ký kết với một số tỉnh miền Trung và miền Nam. Hằng năm, thành phố đầu tư mua sắm bộ xét nghiệm nhanh cho 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn; triển khai Dự án nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Dự án thông tin, giáo dục, truyền thông bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Dự án tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Dự án phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, Dự án bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Ngành y tế của Thủ đô triển khai đánh giá Đề án “Mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015”, “Mô hình điểm thức ăn đường phố”. Ngành công thương triển khai Đề án “Nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường”, qua 4 năm thực hiện đã đào tạo và cấp chứng chỉ về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho 130 công chức quản lý thị trường; trang bị thiết bị bảo quản mẫu thực phẩm trong quá trình chờ kết quả giám định cho 20 Đội quản lý thị trường; thiết bị bảo quản mẫu thực phẩm trong quá trình kiểm tra cho 32 Đội quản lý thị trường. Ngành Nông nghiệp cũng triển khai Đề án “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội”; Đề án “Sản xuất và cung cấp thịt gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020”; Đề án “Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020”...

 

Hằng năm, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch trong công tác an toàn thực phẩm; gắn công tác này với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của địa phương, đơn vị. Theo thống kê của Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội, tính từ thời điểm đầu năm đến hết tháng 9, Thành phố đã tổ chức 1.440 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, tiến hành thanh kiểm tra 77.388 lượt cơ sở, phát hiện 12.371 cơ sở vi phạm.Trong đó có 5.566 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm nhắc nhở 1.466 cơ sở, phạt tiền 4.100 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 22,6 tỷ đồng; tiêu hủy 10 tấn sản phẩm; chuyển điều tra xử lý hình sự 4 vụ việc. Đồng thời, các đơn vị chức năng của Thành phố đã lấy mẫu để xét nghiệm các chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, đã có 154.614 mẫu dụng cụ, thực phẩm được xét nghiệm nhanh, phát hiện 15.282 mẫu không đạt (chiếm 9,88%); 2.970 mẫu được xét nghiệm hóa lý, vi sinh, có 107 mẫu không đạt (chiếm 3,6%).

 

Qua kiểm tra, khảo sát, Hà Nội đã kịp thời chấn chỉnh hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bước đầu đã tạo chuyển biến mới trong nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của Thủ đô.

 

P.Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ