A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thượng tướng Vũ Lăng: Từ Điện Biên Phủ đến Tây Nguyên tới Sài Gòn

 

Vũ Lăng là một tài năng quân sự hiếm thấy. Những cống hiến của vị Thượng tướng quê xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội thật đúng lúc khi cuộc cách mạng của chúng ta rất cần những tài năng quân sự đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc và đánh thắng đế quốc Mỹ thống nhất đất nước.

 

 

Vũ Lăng sinh năm 1921, sớm tham gia cách mạng từ trước năm 1945. Tháng 11 năm 1945, Vũ Lăng tham gia đoàn quân Nam tiến khi giặc Pháp gây hấn ở Sài Gòn, rồi lần lượt mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam và Nam Trung bộ. Đơn vị do ông chỉ huy đã chiến đấu tại chiến trường Khu 6, thuộc tỉnh Bình Thuận ngày nay. Trong chiến đấu, ông đã có nhiều thành tích, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 2 năm 1947. Sau đó, Vũ Lăng được điều động ra Bắc, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy quan trọng: Trung đoàn phó Trung đoàn Thủ đô, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 đánh Điện Biên Phủ. Tháng 5 năm 1954, ông là Tham mưu trưởng Sư đoàn 316. Hòa bình lập lại, năm 1956, Vũ Lăng được cử sang Liên Xô học ở Học viện Vô-rô-xi-lốp. Kháng chiến chống Mỹ, ông được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng và đã góp phần công sức vào các công tác chỉ huy chiến đấu trên nhiều mặt trận, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ chiến đấu, đào tạo cán bộ quân sự. Trên cơ sở những đóng góp đó, ông được phong quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1986), và được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.

Nhắc đến Vũ Lăng phải nhắc đến thời kỳ ông làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1974); Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh Quân đoàn 3 (1975). Đây cũng là thời điểm then chốt ta mở chiến dịch Tây Nguyên với đòn điểm huyệt Buôn Mê Thuột rung chuyển và làm thay đổi cục diện toàn bộ chiến trường tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Khi ấy-theo lời kể của Trung tướng Khuất Duy Tiến-Trưởng phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Phòng tác chiến của mặt trận thường xuyên phải làm việc với Bộ Tư lệnh. Tư lệnh Vũ Lăng là người vô cùng sắc sảo, có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, đặc biệt là khả năng tác chiến lớn rất thành thạo. Vũ Lăng từng đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục tác chiến tham gia xây dựng các kế hoạch tác chiến các chiến dịch lớn nên rất có kinh nghiệm và cả sự cảm thông sâu sắc với những cán bộ làm công tác tác chiến. Từng trưởng thành từ người chiến sĩ, người chỉ huy trực tiếp cầm súng trong kháng chiến chống Pháp, sớm Nam tiến và sau này trực tiếp vào chiến trường đánh Mỹ, Vũ Lăng hơn ai hết hiểu rất rõ kẻ thù, hiểu rất rõ những yếu tố then chốt để giành thắng lợi trong chiến dịch Tây Nguyên. Khi trình bày các phương án tác chiến với Bộ Tư lệnh, Khuất Duy Tiến đã được lắng nghe, chỉ dạy của các bậc đàn anh dày dạn kinh nghiệm - những bộ óc ưu việt nhất của Mặt trận Tây Nguyên, đó là Vũ Lăng-Tư lệnh; Đặng Vũ Hiệp-Chính ủy; Nguyễn Năng- Phó Tư lệnh; Nguyễn Quốc Thước -quyền Tham mưu trưởng… và sự chỉ đạo sâu sát của Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền vừa được biệt phái vào Tây Nguyên và tướng Hoàng Minh Thảo vào làm Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên.

 

Mặt trận Tây Nguyên khi ấy được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hết sức quan tâm. Các phương án tác chiến liên tiếp được kiện toàn, bổ sung, điều chỉnh, thay đổi, thậm chí là hàng ngày nhưng việc điều chuyển hàng vạn quân, hàng nghìn xe pháo, phương tiện kỹ thuật hậu cần để lừa địch, vây địch, đánh thắng địch không phải là điều dễ dàng. Tây Nguyên, đại ngàn mênh mông hùng vĩ chở che bộ đội, nuôi dưỡng nhân dân đang khao khát chờ mong chiến thắng. Tư lệnh Vũ Lăng hơn ai hết hiểu thấu tấm lòng chiến sĩ, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

Phải đánh như thế nào đây để chắc thắng và tổn thất ít máu xương nhất luôn là bài toán hóc búa với các vị tướng trong Bộ Tư lệnh mặt trận. Những thế trận đan cài, những kinh nghiệm chiến đấu cũ-mới được nâng cao, được tăng cường, được xoay chuyển để lừa địch ở Tây Nguyên. Phương án đánh Buôn Mê Thuột được bàn bạc và cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng. Đây là trận mở đầu cũng là trận then chốt quyết định thành bại của chiến dịch. Phòng tác chiến đỏ đèn đêm đêm trên tấm bản đồ thị xã Buôn Mê Thuột. Tư lệnh Vũ Lăng nói với Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước và Trưởng phòng Tác chiến Khuất Duy Tiến:

 

- Ta phải tìm mọi cách nhử địch về Kon Tum và Plei Ku rồi hãm chúng ở đó, tạọ sơ hở Buôn Mê Thuột để ta đột phá thật nhanh vào đây tiêu diệt địch và làm chủ thị xã này trong thời gian ngắn nhất. Sau đó sẽ phát triển đánh chiếm Gia Nghĩa, Phú Bổn để mở rộng khu vực, làm bàn đạp phát triển tiến công các hướng khác. Để thực hiện được ý định này, vấn đề có tính quyết định là lập thế trận chiến dịch. Thế trận đó phải thể hiện chia cắt, vây hãm, vừa hãm vừa tiến công, đột phá, vừa bí mật, vừa nghi binh. Tôi giao cho đồng chí Tiến, Trưởng phòng Tác chiến làm Tổ trưởng Trung tâm nghiên cứu chiến thuật đề xuất phương án đánh thị xã Buôn Mê Thuột. Các anh nghiên cứu phương án, một là đánh địch không có phòng ngự dự phòng và một phương án nữa là đánh địch có phòng ngự dự phòng. Đánh địch không có phòng ngự dự phòng là số một, ta phải làm mọi cách điều địch theo ý ta để đánh địch không có phòng ngự dự phòng.

Khi kết thúc cuộc trao đổi Khuất Duy Tiến, đồng hồ đã 1 giờ 15 phút sáng. Trở lại hầm tác chiến, những căn dặn của Tư lệnh Vũ Lăng luôn văng vẳng trong đầu. Làm thế nào để đánh Buôn Mê Thuột mà địch không có phòng ngự dự phòng? Đây là việc vô cùng khó vì phải điều địch, lừa địch. Vấn đề nghi binh, hút địch về Kon Tum và Plei Ku là then chốt quyết định. Những vấn đề khó khăn nhất luôn được Bộ Tư lệnh, đặc biệt là Tư lệnh Vũ Lăng, với trí tuệ và tầm nhìn chiến lược, đã từng bước chỉ đạo thực hiện một cách xuất sắc.

 

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi vang dội mà đặc biệt xuất sắc là đòn điểm huyệt quyết định Buôn Mê Thuột đã khiến toàn bộ địch ở Tây Nguyên bị tiêu diệt và rút chạy dẫn đến tan rã hoàn toàn. Thời cơ chiến lược đã tới, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng chỉ đạo thành lập Quân đoàn 3 bao gồm các lực lượng bộ đội chủ lực ở Tây Nguyên. Thiếu tướng Vũ Lăng đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân đoàn đã lập tức chấp hành mệnh lệnh tổ chức Quân đoàn 3 là mũi nhọn đột kích chủ yếu theo hướng Tây Bắc, đường 22 trong đội hình 5 cánh quân hợp vây tiến đánh Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tư lệnh chiến trường Vũ Lăng luôn thấu hiểu sâu sắc một điều rằng đánh địch không chỉ ở lòng quả cảm, tinh thần tiến công đến cùng mà trước tiên phải bằng sự mưu trí, tầm nhìn sâu rộng để đánh những đòn điểm huyệt quyết định, tạo thế chiến lược làm thay đổi cục diện cuộc chiến tranh để ít tốn máu xương đồng bào chiến sĩ nhất. Vũ Lăng luôn sâu sát, tỉ mỉ, quả đoán, táo bạo trên nền kiến thức quân sự vững chắc trong điều tiết chiến trường, trong đánh địch phản kích và trong hành tiến thọc sâu vào sào huyệt địch.

 

Thượng tướng Vũ Lăng tiếp đó ở những cương vị mới đều luôn là tấm gương sáng với thế hệ đi sau. Mọi người luôn tìm thấy ở Vũ Lăng sự bao dung độ lượng, tính cương trực, tinh thần khoa học của một vị tướng được đào tạo bài bản và đặc biệt là giàu kinh nghiệm thực tiễn từ các cuộc chiến tranh. Vũ Lăng mất sớm (năm 1988) để lại sự tiếc thương vô hạn với đồng chí, đồng đội. Trong lời phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim tài liệu về Thượng tướng Vũ Lăng đã thể hiện sâu sắc những phẩm chất về tài năng và đức độ của ông:

“Hai cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã sản sinh ra những vị tướng vừa có phẩm chất, vừa có tài năng trưởng thành từ cơ sở. Vũ Lăng từng đảm nhiệm cấp tiểu đoàn ngay từ những ngày Thủ đô Hà Nội đứng lên kháng chiến. Tiếp theo đó đã từng qua cấp trung đoàn ở Điện Biên Phủ, sau là sư đoàn, tiếp đến là Phó Tư lệnh Quân khu 4, Tư lệnh B3 (Tây Nguyên), Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, rồi Quân đoàn trưởng, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là Quân đoàn trưởng Quân đoàn 3-quân đoàn trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy.

 

 Như vậy là đã lập được chiến công trên mặt trận trong hầu hết các Chiến dịch từ Biên Giới đến Điện Biên Phủ, cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh và trong nghiên cứu khoa học quân sự; làm tác chiến đã có những đề xuất, những ý kiến sắc sảo, tỏ ra có trí tuệ sáng tạo tốt.

 Vũ Lăng lúc làm việc có quyết tâm cao, bất cứ trong hoàn cảnh nào, thuận lợi hay khó khăn đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cho nên được các bạn đồng đội, các bạn chỉ huy rất mến phục, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân rất tốt.

Tôi nhớ mãi những năm tháng làm việc với Vũ Lăng, tôi làm việc gần như thường xuyên. Vũ Lăng là một trong những cán bộ mà khi giao việc thì tin là nhiệm vụ được hoàn thành. Vũ Lăng là con người như thế.”

Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng ta lại nhớ đến vị tướng đánh địch lừng danh từ Điện Biên Phủ đến Tây Nguyên tới Sài Gòn.

 

Phùng Văn Khai 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ