A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thượng tướng Song Hào: Người cán bộ mẫu mực, tận tụy, có nhiều công lao, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng chính quyền Nhà nước

 

Đồng chí Thượng tướng Song Hào, tên khai sinh là Nguyễn Văn Khương, sinh ngày 20/8/1917 tại xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đồng chí Song Hào xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, nhân dân sống trong cảnh lầm than nên đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ khi 19 tuổi.

 

 

 

Các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Thượng tướng Song Hào-Người cộng sản kiên trung, mẫu mực,

nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam.”

 

Từ năm 1939, sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Song Hào được cử đảm nhiệm cương vị Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. Với cương vị này, đồng chí đã tích cực hoạt động, tuyên truyền, vận động anh em thợ thuyền đi theo Đảng, đứng lên đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống cho anh em công nhân. Đồng chí luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công, có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Liên đoàn Lao động.

 

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời đã phải đối diện với tình thế hết sức hiểm nghèo. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, dưới danh nghĩa quân Đồng minh, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã tràn vào Hà Nội và hầu khắp các tỉnh miền Bắc, nuôi ý đồ thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền cách mạng và thành lập Chính phủ thân Tưởng. Theo chân Tưởng vào Việt Nam là lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng (còn gọi là Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng Đồng minh (còn gọi là Việt Cách). Được sự hậu thuẫn của Tưởng Giới Thạch, những lực lượng này giúp các thế lực phản cách mạng tiến hành chống phá, cướp chính quyền ở nhiều nơi như: Yên Bái, Móng Cái, Vĩnh Yên…Đội quân này gây ra nhiều vụ cướp bóc, giết người và tuyên truyền kích động quần chúng chống lại chính quyền cách mạng. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật, quân Anh tiến vào Việt Nam nhưng thực chất là để dọn đường cho thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Đông Dương.

Trong bối cảnh đó, đồng chí Song Hào được Xứ ủy Bắc kỳ cử về vùng Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên để tiếp tục hoạt động, chiến đấu, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Trên cương vị là Chính ủy Liên khu 10, đồng chí đã cùng tập thể Liên khu ủy bàn bạc, quyết nghị nhiều chủ trương đúng đắn để xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Lê Nin: Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn, đồng chí đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân và lực lượng vũ trang Liên khu 10 dũng cảm chiến đấu chống bọn thực dân, đế quốc và tiễu trừ thổ phỉ, việt gian bán nước, đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá chính quyền cách mạng của bọn phản động, giữ vững thành quả cách mạng và khẩn trương chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Trong thời gian đảm nhiệm các cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí đã có nhiều đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao sức mạnh toàn diện, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Tháng 4/1982, đồng chí Song Hào được Đảng, Nhà nước cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương binh-Xã hội. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Thương binh-Xã hội (từ tháng 4/1882 đến 2/1987), đồng chí đã trực tiếp tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về công tác thương binh, xã hội, nhất là chính sách đối với người có công và thương binh, liệt sĩ; đồng thời, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Bộ Thương binh-Xã hội vững mạnh, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực chính sách và xã hội.

Từ tháng 2/1990 đến tháng 12/1992, đồng chí được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định là Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đây là tổ chức chính trị-xã hội mới ra đời, do chính đồng chí được Bộ Chính trị giao chuẩn bị trước đó, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của các cựu chiến binh để tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Trên cương vị Chủ tịch lâm thời Hội, đồng chí đã có nhiều đóng góp, nhất là trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tạo dựng hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, điều hành, phương thức hoạt động của Hội, tạo tiền đề, cơ sở cho xây dựng và phát triển của Hội Cựu chiến binh Việt Nam đến ngày nay.

Học tập và noi theo tấm gương đồng chí Thượng tướng Song Hào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội ra sức học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, phát huy truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” không ngừng phấn đấu, rèn luyện vượt qua khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội trong mọi tình huống.

 

         QPTĐ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội