A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà báo Trần Công Mân với Báo chí Cách mạng Việt Nam

 

QPTĐ-Nhà báo, Thiếu tướng Trần Công Mân, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND), nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (khóa IV), Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (khóa V), là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng.

 

 

Các đại biểu dự Tọa đàm nhà báo chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình. 


Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống nho học, mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ, tuổi thơ của Thiếu tướng Trần Công Mân chịu nhiều gian truân, vất vả. Nhưng có lẽ chính trong những năm tháng khó khăn đó đã làm nên một cốt cách Trần Công Mân và hun đúc trong ông những hoài bão lớn.

 

Tháng 11-1945, khi mới 20 tuổi, ông đã được phân công phụ trách chính trị trong lực lượng Giải phóng quân Hà Tĩnh. Sau đó, ông được giao một loạt các nhiệm vụ từ Chính trị viên Tiểu đoàn 675, thuộc Đại đoàn 351, được bổ nhiệm Tỉnh đội phó Tỉnh đội Thanh Hóa, tiếp đó là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 675, thuộc Sư đoàn 35. Từ tháng 11-1955, ông làm Chủ nhiệm Chính trị Cục Công binh. Tháng 9-1959 là Chính ủy Trường Sĩ quan Công binh...


Trong suốt thời kỳ làm công tác chính trị tại các đơn vị, ông luôn say mê viết và cộng tác với các tờ báo, tạp chí trong và ngoài quân đội. Nghiệp làm báo đến với ông và đưa ông trở thành một nhà báo tên tuổi bắt đầu từ khi ông về nhận nhiệm vụ tại báo QĐND, với cương vị Phó Tổng biên tập và sau này là Tổng biên tập. Với các thế hệ làm báo QĐND, Thiếu tướng Trần Công Mân không chỉ là một lãnh đạo, một Tổng biên tập, ông còn là một người thầy, người anh, người bạn rất nguyên tắc nhưng rất tình người. Trong ông luôn ẩn chứa một năng lực trí tuệ, một năng lực ứng phó bản lĩnh, một khả năng thuyết phục người khác.  


Theo ý kiến của nhiều nhà báo lão thành Báo QĐND thì công tác biên tập và quản lý báo chí của Thiếu tướng Trần Công Mân, đó là sự nghiêm túc, sắc sảo và dám chịu trách nhiệm. Sau 10 năm làm Tổng biên tập Báo QĐND (từ 1979  đến 1989) là thời kỳ quân đội ta thực hiện nhiệm vụ  xây dựng, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn to lớn về kinh tế-xã hội, lại phải luôn đối phó với những âm mưu thủ đoạn nham hiểm, thâm độc của các thế lực phản động.


Trong buổi tọa đàm “Nhà báo Trần Công Mân với Báo chí Cách mạng Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam và Báo QĐND tổ chức vừa qua, đánh giá về ngòi bút của nhà báo Trần Công Mân, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Là người làm Báo QĐND, chủ đề quen thuộc của nhà báo Trần Công Mân trước hết và đương nhiên là đấu tranh chống đế quốc, vạch trần âm mưu diễn biến hòa bình, phê phán các luận điệu sai trái về nhân quyền, tự do, dân chủ mà các giới thù địch vẫn mượn cớ để xuyên tạc sự nghiệp của nhân dân ta và bôi xấu chế độ ta.

 

Bước vào đổi mới, những vấn đề trên càng được ông đề cập chính diện; với tư duy mới, ông soi rọi, phân tích, lý giải, đề xuất giải pháp. “Ngòi bút Trần Công Mân thể hiện càng rõ sức chiến đấu sắc sảo trên mặt trận chống tiêu cực. Ông tiếp cận vấn đề bằng nhiều cách, cách nào cũng nói lên tâm trạng bức xúc của người cầm bút trước các tệ nạn xã hội, cùng sự trăn trở muốn góp phần tìm giải pháp khắc phục”, nhà báo Phan Quang khẳng định.


Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng biên tập Báo QĐND nhấn mạnh: Đọc lại những bài viết của Thiếu tướng Trần Công Mân ở thể loại sở trường là ngôn luận, chính luận, tiểu luận mới thấy nhiều vấn đề đồng chí đưa ra từ thế kỷ trước đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự như phê phán thói quan liêu, hách dịch, chạy chức, chạy quyền, vấn đề giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa… như bài viết  “Chỉnh đốn Đảng, vấn đề thời sự” đăng trên Báo QĐND số ra ngày 2-2-1990.

 

Nhiều bài viết có sức nặng của đồng chí (với bút danh Tuấn Minh, Trần Công...) đã bộc lộ tài năng làm báo hiếm có và đã được độc giả trong nước và kiều bào ở nước ngoài đón nhận, hoan nghênh. Đặc biệt, bài “Mở cửa và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa”, đăng trên trang nhất số ra ngày 2-10-1989 với bút danh Tuấn Minh đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết thư khen. Nhà báo Thiếu tướng Trần Công Mân là một người làm nghề đầy trí tuệ và bản lĩnh, xứng đáng là một nhà báo, một chiến sĩ trong QĐND Việt Nam.


Khánh Huyền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ