Người tiếp nối tinh hoa kiến trúc Khmer
QPTĐ- Nghệ nhân, họa sỹ tài hoa Lý Lết, dân tộc Khmer đã có nhiều công sức phục dựng, xây dựng khoảng 400 công trình chùa, tháp Khmer ở khắp Nam bộ. Ông cũng chính là kiến trúc sư của quần thể chùa Khmer xây dựng tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Chùa Khmer tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Cha truyền, con nối
Ông sinh ra và lớn lên ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng trong một gia đình có cha là nghệ nhân Lý Nghết. Cha ông được nhiều người biết đến với danh xưng thợ Rươn đã làm 40 ngôi chùa Khmer ở khắp Nam bộ. Cụ Lý Nghét từng sang Campuchia học nghề về khắc họa tiết chùa tháp Khmer. Từ khi là cậu bé, Lý Lết đã được cha truyền dạy nghề. 14 tuổi, ông đã theo cha làm công trình với vai trò là cộng sự.
Không chỉ truyền nghề, cha ông còn khuyến khích cậu con trai của mình học mỹ thuật, tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Năm 2008, sau hơn 20 năm dạy mỹ thuật tại Trường Trung học Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, nghệ nhân, họa sĩ Lý Lết thành lập Doanh nghiệp tư nhân Gallery Lết 2008, chính thức bước vào con đường phục dựng, trùng tu các công trình kiến trúc chùa Khmer một cách chuyên nghiệp.
Nhờ những kiến thức từ cha và được đào tạo tại trường cũng như tích lũy từ thực tiễn, ông hiểu biết sâu sắc về vị trí, ý nghĩa lịch sử, tâm linh và văn hóa của chùa trong đời sống của người Khmer Nam bộ. Đặc biệt, ông dành nhiều tâm huyết cho nghệ thuật trang trí Khmer.
Ông là số ít người đã nắm vững những nguyên tắc cơ bản của nhóm họa tiết Khmer, gồm nhóm Hoa lá (Teê), nhóm Hoa lửa (Pha-nhi-pha-lơn), nhóm phối hợp (AngKo).
Với ông, tuân thủ những nguyên tắc truyền thống không có nghĩa là dập khuôn máy móc mà luôn sáng tạo nhưng dù sáng tạo, ông luôn đặt yếu tố đặc trưng và cốt cách Khmer truyền thống là tiêu chí hàng đầu. Ông tâm sự: “Trước khi mất, cha tôi dặn rằng, ngôi chùa là sự tổng hợp văn hóa của người Khmer. Vì vậy người xây chùa phải có cái tâm trung thực, phải làm đúng với truyền thống, có như vậy mới giữ được phần hồn của dân tộc”.
Những giá trị để lại cho đời
Hơn 20 năm đứng lớp theo chuyên ngành của mình, ông không chỉ truyền dạy cho thế hệ tương lai kiến thức mà còn truyền cảm hứng và niềm đam mê đối với mỹ thuật, nghệ thuật truyền thống, nhất là nghệ thuật trang trí Khmer. Ông còn là người đào tạo nghề, đào tạo một lớp thợ lành nghề trong trùng tu, sửa chữa và xây dựng mới chùa Khmer.
Ông trực tiếp chỉ đạo cũng như tham gia trực tiếp phục dựng, xây dựng mới khoảng 400 công trình chùa, tháp Khmer ở khắp Nam bộ, ghi dấu sự tài hoa của một nghệ nhân. Công trình được nhiều người nhắc đến đầu tiên trong sự nghiệp của ông, chính là việc phục dựng, tu bổ của chùa Dơi-ngôi chùa được xây dựng từ 1569, bị hoả hoạn gây thiệt hại nặng nề vào tháng 8-2007. Giữa năm 2008, công trình tu bổ, phục dựng chùa này được khởi công, phần mỹ thuật, thiết kế hoa văn do ông phụ trách. Công trình khi hoàn thiện đã được đánh giá cao, nét chạm khắc rất tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer Nam bộ.
Khi ông nhận xây dựng Chánh điện chùa chùa Đơm Pô (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), Đại đức Sơn Minh Hiển, trụ trì chùa chia sẻ: “Lý Lết là nghệ nhân chuyên làm những họa tiết hoa văn mang tính đặc trưng, tinh xảo, thể hiện sự uy nghi của các ngôi chùa Khmer Nam bộ. Nên khi chùa xây dựng Chánh điện, các phật tử đã đề nghị mời nghệ nhân Lý Lết đến trang trí cho Chánh điện”.
Ông đã dốc nhiều công sức cho xây dựng quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trong 4 năm (2009-2013). Xây dựng trên diện tích khoảng 0,8 héc-ta, đã tái hiện được đầy đủ một quần thể kiến trúc chùa tiêu biểu của người Khmer Nam bộ gồm: Tam quan; Chính điện; Vườn tháp; Tháp góc; Cột cờ; Nhà để ghe ngo; Nhà thuyền; Nhà thiêu Sa la; Am thờ; Ao sen… Đây cũng là công trình tín ngưỡng thể hiện tập trung và trọn vẹn nghệ thuật điêu khắc, trang trí truyền thống Khmer Nam bộ.
Cả cuộc đời mình, điều ông luôn trăn trở và theo đuổi là giữ được nét tinh hoa kiến trúc truyền thống cổ của người Khmer trong kiến trúc hiện đại, làm sao những giá trị truyền thống này luôn được tỏa sáng. Mỗi một công trình ông thực hiện, là sự thể hiện sâu sắc trăn trở này.
Thu Loan