Du lịch khám phá giá trị di sản văn hóa xứ Đoài
QPTĐ-Xứ Đoài là danh xưng chỉ một không gian rộng lớn ở phía Tây kinh thành Thăng Long, cái nôi của nền văn minh Việt cổ. Đây cũng là nơi các vua Hùng lập quốc và xây dựng kinh đô Phong Châu. Sau nhiều biến động về hành chính, xứ Đoài xưa ngày nay tương ứng với địa bàn các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây và một phần của các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Di sản văn hóa xứ Đoài
Xứ Đoài là vùng đất văn vật với nhiều hiền tài có những đóng góp to lớn cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử, quê hương của những danh nhân và nhân vật lịch sử nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Khuất Duy Tiến. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, xứ Đoài đã đóng góp hàng trăm nhà khoa bảng nổi danh, được khắc tên trên bia đá Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Văn hóa xứ Đoài vốn là niềm tự hào của người dân phía Tây Hà Nội. Với vị thế là một trong tứ trấn bên cạnh Kinh đô của nước Việt từ xưa đến nay, xứ Đoài luôn là nơi tiếp xúc, trao đổi, tiếp nhận nét đẹp văn hóa từ Kinh đô để làm phong phú hơn bản sắc của riêng mình.
Xứ Đoài là một không gian văn hóa có vị trí đặc biệt trong toàn bộ tiến trình văn hóa Việt Nam. Có thể coi đây là không gian cô đọng của văn hóa Việt Nam, đồng thời có nhiều nét đặc sắc riêng, là kho báu vô giá trong tổng thể di sản văn hóa Việt Nam. Việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa xứ Đoài cần tiếp tục đi vào chiều sâu. Theo đó, tập trung xây dựng điểm nhấn vào thị xã Sơn Tây, nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài, trong đó, ba di sản nên được quan tâm trước tiên gồm Tòa Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và lễ hội đền Và.
Trong lịch sử vùng văn hóa xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây có vị trí, vai trò rất quan trọng. Ngoài Kinh thành Huế, Thành Sơn Tây là một tòa thành tương đối hoàn chỉnh và còn lại đầy đủ diện mạo nhất đối với hệ thống thành Việt Nam. Đây là tòa thành thời Nguyễn còn tương đối nguyên vẹn về hình dáng, quy mô và có khả năng phục hồi tốt nhất ở nước ta. Thành cổ Sơn Tây có vị thế đặc biệt, nằm trong khu vực trung tâm mà xung quanh có mật độ di tích lịch sử văn hóa đậm đặc nhất như Khu di tích Làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, đình Tây Đằng, chùa Mía, là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm hội tụ nổi bật nhất của văn hóa xứ Đoài.
Phát triển du lịch văn hóa xứ Đoài
Xứ Đoài rộng lớn với hệ thống di tích, di sản dày đặc và nhiều làng nghề là tiềm năng to lớn cần được khai thác để phát triển du lịch văn hóa nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung. Những năm gần đây, các giá trị di sản văn hóa xứ Đoài từng bước được khai thác, phát triển du lịch. Gần đây nhất, ngày 30/4/2022, chương trình Năm Du lịch Sơn Tây-xứ Đoài chính thức được tổ chức với chủ đề “Về Sơn Tây, về miền di sản” và Khai trương Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là tiền đề bứt phá, khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của thị xã, phát triển kinh tế du lịch.
Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây có tổng chiều dài 820m, hoạt động vào dịp cuối tuần. Bên cạnh các sân khấu biểu diễn nghệ thuật, còn có các gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề, ẩm thực xứ Đoài. Trong lần đầu ra mắt, hàng chục nghìn lượt khách đã đến với không gian đi bộ. Việc khai thác phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây phù hợp chủ trương khai thác các giá trị di sản để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Tròn 200 năm kể từ ngày bắt đầu được xây dựng (1822-2022), Thành cổ Sơn Tây đã trở thành một không gian văn hóa, khai thác làm phố đi bộ dịp cuối tuần. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức khiến không gian Thành cổ trở nên hấp dẫn khách du lịch. Đây là bước chuyển lớn trong khai thác tài nguyên văn hóa xứ Đoài.
Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị di sản văn hóa xứ Đoài còn không ít hạn chế. Phát triển du lịch văn hóa tại vùng đất xứ Đoài còn nhỏ lẻ, manh mún. Ngay cả làng cổ Đường Lâm, mỗi năm mới đón vài chục nghìn lượt khách, chưa xứng với tiềm năng. Điều này đòi hỏi các địa phương, nhất là thị xã Sơn Tây-trung tâm của văn hóa xứ Đoài cần có nhiều đổi mới trong hoạt động.
Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: “Xứ Đoài là bức tranh thu nhỏ của văn hóa Việt Nam, nhưng lại chứa đựng những nét đặc sắc riêng có, không thấy ở bất cứ nơi đâu. Văn hóa xứ Đoài là một kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn giá trị của văn hóa xứ Đoài còn ở dạng tiềm năng”. Trong hội thảo về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài”, nhân kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, bên cạnh làm rõ giá trị văn hóa xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây, nhiều chuyên gia đã có những ý kiến đóng góp, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của di sản văn hóa xứ Đoài trong phát triển kinh tế-xã hội.
Song Hà