A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con đường mang tên vị vua đầu tiên của nhà Ngô

QPTĐ-Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở có ý nghĩa quyết định cho sự kiện, mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ của dân tộc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Ngô Quyền định đô ở Cổ Loa-kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương-trị vì từ năm 939 đến năm 944. Ghi nhớ công lao của ông, thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã đặt tên ông cho tuyến đường, trường học tại địa phương. Trong phạm vi bài viết, tác giả muốn nhắc tới đường Ngô Quyền tại quận Hà Đông.
Con đường mang tên vị Vua Ngô có tài thao lược
Đường Ngô Quyền thuộc địa phận 2 phường La Khê và Quang Trung quận Hà Đông, Hà Nội; bắt đầu từ đoạn cuối đường Chu Văn An nối với đường Vạn Phúc chạy dọc qua nhánh sông Nhuệ, giao với đường Tố Hữu.
Đường Ngô Quyền rộng khoảng gần 7km, dài gần 2,5km. Đây là tuyến đường thuộc phía Tây Bắc của quận. Đường được đặt tên từ tháng 3/2000. Trên trục đường có Học viện Chính trị, Chùa Phúc Khê (còn gọi là Chùa Ngòi), Bệnh viện Thú y PetHealth và nhiều công ty, doanh nghiệp đứng chân. Nơi đây, hoạt động kinh doanh, buôn bán, chiêm bái... diễn ra khá nhộn nhịp. Đặc biệt vào các ngày rằm, mồng 1, và ngày 14, người dân từ các địa phương đổ về đây rất đông, để cúng chùa và làm lễ phóng sinh các loại động vật như: Chim, cua, cá, ốc tại chùa Ngòi.
Đường Ngô Quyền cách Quốc lộ 6 chừng 500m, tiếp giáp với nhiều tuyến đường lớn của quận như: Vạn Phúc, Lê  Trọng Tấn, Tố Hữu...; tiếp giáp với các khu đô thị và trường học lớn, điều đáng nói, so với các tuyến phố chính, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên hiện nay Thành phố đang cho mở rộng và nâng cấp tuyến đường.
Vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.
Ngô Quyền sinh ra và lớn lên ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, cha là Ngô Mân, làm châu mục Đường Lâm. Ông là người có sức khỏe, chí lớn, mưu cao, có nhiều công lao nên được Dương Đình Nghệ tin tưởng và gả con gái cho. Sau khi đánh đuổi quân Nam Hán, Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ phong làm Thứ sử, trấn giữ Ái Châu (Thanh Hóa).
Tháng 3 năm Đinh Dậu (937) Kiều Công Tiễn phản nghịch giết Dương Đình Nghệ, đoạt chức Tiết Độ Sứ, khắp nơi lòng người đều oán ghét. Nhận được tin, Ngô Quyền bí mật kéo quân từ Thanh Hóa ra Bắc, đóng quân ở vùng Hải Phòng chiêu mộ thêm binh lực, luyện tập binh sỹ, chờ ngày diệt quân tham bạo. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Kiều Công Tiễn hèn nhát cho tay sai đem vàng, bạc, châu báu sang cống nạp Vua Nam Hán xin cầu cứu. Cuối năm 938, Hoằng Thao thống lĩnh đội thủy quân gồm 20 vạn quân và hàng ngàn chiến thuyền theo bờ biển vùng Đông Bắc ồ ạt tiến vào nước ta. Nắm chắc âm mưu của giặc, Ngô Quyền bí mật cử quân đi giết Kiều Công Tiễn trừ họa bên trong, mặt khác ông hạ lệnh cho quân sỹ cùng nhân dân địa phương vùng Thủy Nguyên-Yên Hưng chặt gỗ, đẽo nhọn rồi đóng vào nơi cửa sông Bạch Đằng. Đây là thế trận hết sức hiểm trở, ông cho chuẩn bị 200 thuyền nhẹ tới chỗ giặc đóng quân để khiêu chiến, giả thua bỏ chạy để lừa chiến thuyền giặc lọt vào trận địa. Quả nhiên, chiến thuyền của giặc do Hoằng Thao chỉ huy ồ ạt tiến vào sông Bạch Đằng, khi gặp đoàn thuyền chiến của ta khiêu chiến đã đốc thúc đuổi theo. Khi nước thủy triều rút, Ngô Quyền hạ lệnh phản công từ các mũi, vừa lúc nước thủy triều rút mạnh thuyền giặc càng lao nhanh, đâm vào mũi cọc bị vỡ tan tành.
Thắng lợi vang dội của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng vào năm 938 đã đặt dấu chấm hết cho mọi âm mưu xâm lược của quân Nam Hán, đồng thời cũng kết thúc thời kì 1000 năm Bắc thuộc của Việt Nam. Mùa Xuân năm 939, ông xưng là Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa (thuộc Hà Nội ngày nay). Chọn đóng đô tại Cổ Loa, Ngô Vương đã khôi phục vị trí trung tâm chính trị của đất nước trong buổi đầu trung hưng, từ đó đưa dân tộc ta bước vào thời kỳ xây dựng trên quy mô lớn và hoàn toàn tự chủ. Năm 944, Ngô Vương qua đời, hưởng dương 47 tuổi.
Hiền Mĩ
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ