A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng

 

Mỗi độ xuân về, nhiều người tìm về vùng đất cổ Mê Linh để tưởng nhớ hai nữ tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị, đồng thời cũng là để bồi đắp lòng tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm của dân tộc. 

 

 

Lễ rước kiệu trong Lễ hội Đền Hai Bà Trưng. 

 

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", sau khi Hai Bà Trưng tạ thế, nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà Trưng. Trong đó, Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội có ý nghĩa quan trọng nhất, bởi đây là quê hương của Hai Bà, cũng là nơi Hai Bà xưng vương, lập đô sau khi đánh tan giặc ngoại xâm. Từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng hàng năm, Lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng được tổ chức là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng nhằm tôn vinh công đức của hai vị nữ Anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay. Tương truyền ngày mồng 6 tháng Giêng là ngày Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân, cho nên sau này dân làng mở hội để kỷ niệm sự kiện đó nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của cha ông trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Trong Lễ hội có lễ cúng bánh dày, đấu cờ, đấu vật, hát quan họ và tổ chức các trò chơi dân gian, thể hiện tình đoàn kết cộng đồng làng xã.

 

Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2017 cũng vừa được long trọng tổ chức tại Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Nét độc đáo nhất của Lễ hội là lễ giao kiệu. Ông Nguyễn Huy Canh, Ban quản lý di tích đền Hai Bà Trưng cho biết: Việc “giao kiệu” trong lễ rước kiệu là một nghi thức độc đáo, đặc sắc chỉ riêng có tại Lễ hội thờ Hai Bà Trưng ở làng Hạ Lôi. Từ trong sân Đền, kiệu Bà Trưng Trắc đi trước nhưng khi ra khỏi cổng Đền, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại bên phải đường để kiệu Bà Trưng Nhị đi trước, tức là đổi vị trí đi trên đường của hai chị em với ý nghĩa “nội gia tỷ muội, ngoại quốc dân thần”. Tức là ở trong nhà, ở dinh tự thì chị phải đứng đầu, đi trước, em đi sau; ra ngoài thì thần đi trước để tránh hòn tên mũi đạn, dẹp đường cho vua đi. Cùng thời điểm này, từ đình Hạ Lôi, đoàn rước kiệu Thành hoàng làng và kiệu Thánh Cốt Tung đi đến ngã tư cổng đền để nghênh đón kiệu Hai Bà về đình làng, với ý nghĩa Hai Bà Trưng đi kinh lý về thăm quê hương.

 

Lễ rước kiệu được xem là di sản của nhân dân Mê Linh qua nhiều thế kỷ. Từ đình Thành hoàng làng đến Đền thờ Hai Bà, đoàn rước dài hơn 1 km luôn nhận được sự thành kính của nhân dân. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: Huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, các phương án đảm bảo an toàn và tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân và quý khách thập phương làm lễ dâng hương, tham quan Đền thờ Hai Hà Trưng.

 

Gần 2 nghìn năm đã qua, nhưng thần tích Hai Bà Trưng đánh giặc vẫn còn lưu truyền trong đời sống hôm nay như một bài học lịch sử về bảo vệ Tổ quốc của tiền nhân. Ngày nay, Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích lịch sử văn hoá linh thiêng không chỉ của người dân Mê Linh mà còn với người dân cả nước. Lễ hội là hoạt động tưởng nhớ công ơn Hai Bà, cũng là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

 

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ