A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm về những “chú chó” của anh Sáu Bé

 

QPTĐ-Từ  năm 1971 đến 1975,  tôi tham gia chiến đấu ở mặt trận miền Đông Nam bộ. Tháng 2 năm 1973, tôi bị thương, được chuyển về đơn vị an dưỡng K76c ở hậu cứ Bình Châu, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, tôi được bố trí vào bộ phận tăng gia, chuyên giữ kho và trông nom nương rẫy. Trưởng bộ phận là anh Sáu Bé. Nhân viên có tôi và Vũ Viết Giao, quê ngoài Bắc; Năm Mừng, nữ y tá và vợ anh Sáu, quê trong Nam.

 

 

Huấn luyện chó nghiệp vụ.


Anh Sáu là người dân tộc Tây Nguyên, vừa săn thú giỏi, vừa có tài huấn luyện chó. Anh huấn luyện được 3 con chó vừa làm nhiệm vụ đuổi khỉ, đuổi chuột ban đêm về phá nương, phá rẫy, vừa săn thú rừng, lấy thịt bồi dưỡng cho thương binh. Cứ thỉnh thoảng, chúng lại tha về khi thì con cheo, lúc con chồn, có lần được cả kỳ đà. Anh đặt tên cho con đực là Xi, con mẹ là Nết, con con là Ních và làm cho chúng một cái lều nhỏ để vừa ngủ, vừa canh nương. Không đợi bị vồ, chỉ cần nghe tiếng chó sủa là khỉ, chuột đã bỏ chạy. Không hiểu anh Sáu dùng kiểu gì mà sai khiến được cả bọn chó biết ngoạm thịt, ngoạm cá đem cho nhà một người bạn.


Tôi ở lại làm cán bộ khung của đơn vị K76c với anh Sáu được 2 năm thì trên có chủ trương chuyển thương binh quê ngoài Bắc ra Bắc để chuẩn bị đánh lớn. Số thương binh quê trong Nam ở lại luôn. Tháng 3 năm 1975, tôi đến địa điểm tập trung, cách K76c không xa. Con Xi theo tôi, đuổi thế nào nó cũng không về. Nó ở lại với tôi 2-3 đêm. Thương binh tranh nhau gắp thức ăn cho nó. Sau tôi chợt nhớ ra là mình bỏ quên quyển sổ tay ghi chép riêng tư ở chỗ anh Sáu, mà kỷ luật ở nơi tập trung lại rất nghiêm ngặt, không thể về lấy được. Hai năm sống với anh Sáu và con Xi đã giúp tôi nghĩ ra cách: Dùng mảnh bìa nhay nhay vào mồm con Xi, rồi viết mấy chữ cho vào túi kiến (túi ni lông) nhờ anh Sáu giúp. Sau đó dẫn con Xi ra đường, đi được một đoạn ngắn, tôi đưa túi ni lông chứa thư gửi anh Sáu cho nó ngoạm rồi chỉ tay về hướng K76c ra hiệu cho nó đi. Làm thì làm vậy nhưng tôi chưa dám chắc sẽ có kết quả.


Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, thấy nó quay lại với quyển sổ tay của tôi buộc ngang ức. Lấy sổ xong, để cho nó ở lại một đêm, hôm sau, tôi viết thư cho anh Sáu dặn anh xích con Xi lại kẻo nó theo tôi thì mất, rồi lại đưa nó ra đường, đi một đoạn ngắn, tôi lại làm động tác như lần trước. Lần này con Xi còn chồm 2 chân trước ôm lấy tôi vẫy đuôi rối rít. Tôi phải dậm chân, chỉ tay ra hiệu mấy lần nó mới chịu đi. Nó cứ đi được một đoạn lại ngoái cổ lại nhìn tôi. Sợ nó quay lại, tôi phải nép ngay vào một chỗ khuất. Khi đã chắc chắn là nó đi hẳn, tôi mới quay về, trong lòng man mác một nỗi buồn, giống như vừa phải chia tay một người bạn, một đồng đội thân thiết.


Thời gian trôi đi. Chiến tranh cũng lùi dần vào dĩ vãng. 32 năm sau, năm 2007 nhân chuyến vào Nam họp mặt Cựu chiến binh Cục Chính trị Quân khu miền Đông Nam bộ, tôi có hỏi thăm vợ chồng anh Sáu Bé, nhưng cả hai đều đã mất. Còn Năm Mừng thì hy sinh vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Rồi lại một Tết nữa, Tết Mậu Tuất 2018 đang đến gần. Nghĩ về năm Tuất, những kỷ niệm về 3 con chó của anh Sáu Bé, đặc biệt là con Xi năm xưa lại ùa về trong tôi. Chúng là hiện thân của “khuyển-mã tri tình” mà người đời  ghi nhận.

 

NGUYỄN VĂN CỰ
(Ghi theo lời kể của CCB Đỗ Văn Hạnh)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ