A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hãi hùng lò mổ nhỏ lẻ

 

Đã nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tới người đọc những hình ảnh về lò giết mổ gia súc, gia cầm với sự phản cảm đến hãi hùng. Trước hết là bởi số lượng quá lớn. Theo ước tính của Sở Công thương Hà Nội, người dân Thủ đô tiêu thụ mỗi ngày khoảng 872,2 tấn thịt; trong đó thịt trâu, bò 100 tấn, thịt lợn hơn 570 tấn, thịt gia cầm hơn 200 tấn. Phần lớn số thịt này đến từ hơn 2.400 điểm giết mổ nhỏ lẻ (chiếm tỷ lệ 55,3%), với sản lượng khoảng 396 tấn thịt/ngày. Nó nằm rải rác trong khu dân cư, hoạt động đa dạng dưới nhiều hình thức như: giết mổ tại nhà, tại hộ chăn nuôi, một số cơ sở không có địa điểm cố định, hoạt động theo mùa vụ.

 

 

Lò mổ nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.         (Ảnh: Internet)

 

Sau nữa là các cơ sở đó gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Nước thải và chất thải trong quá trình giết mổ gia súc, gia cầm không được xử lý, chảy tràn lan, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt tại các hộ xung quanh. Mùi hôi tanh tỏa khắp nơi cùng tiếng kêu của gia súc, gia cầm gây bức xúc cho mọi người cùng cụm dân cư. Trong bối cảnh đó, việc quản lý giết mổ, quản lý vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật tươi sống còn hạn chế. Phần lớn động vật đưa vào giết mổ chưa kiểm soát được tận gốc, không rõ có mầm dịch bệnh hay không.

 

Các cấp, các ngành và hầu hết dân cư đều cho rằng không thể để tình trạng đó ngang nhiên kéo dài mãi. Thành phố Hà Nội xác định rõ, phấn đấu giai đoạn 2016-2020 sẽ đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm chỉ còn 30% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Để hiện thực hóa mục tiêu đó cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích cơ sở giết mổ công nghiệp, nửa công nghiệp hoạt động hiệu quả.

 

Thực tế những năm qua, Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố đã giúp cho một số cơ sở giết mổ công nghiệp và nửa công nghiệp hoạt động rất có hiệu quả. Tiêu biểu là cơ sở giết mổ Vạn Phúc, huyện Thanh Trì mỗi ngày từ 1.500 con lợn đã nâng lên 1.700 con, vào thời gian cao điểm lên tới 2.000 - 2.200 con. Cơ sở giết mổ gia cầm Lan Vinh huyện Gia Lâm nâng sản lượng giết mổ mỗi ngày từ 700 con lên 3.000 con. Các cơ sở loại này phát triển đã giúp nhiều địa phương giảm hẳn các điểm giết mổ nhỏ lẻ.

 

Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã có Quyết định 5791/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 về quy hoạch giết mổ cho các địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đầu ra không ổn định, thiếu sự liên kết giữa chăn nuôi, giết mổ và chế biến. Giá thành, chi phí giết mổ cao, chưa thu hút được các hộ chăn nuôi tham gia vào quy trình giết mổ tập trung. Để thực hiện tốt điều này, các địa phương cần tập trung chỉ đạo để quyết định có tính khả thi.

 

Thực hiện tốt việc Quy hoạch quỹ đất phục vụ hoạt động giết mổ phù hợp với đặc điểm của từng nơi. Bởi việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung sẽ là bước chuyển biến tích cực trong quản lý có hiệu quả hoạt động giết mổ, giảm số hộ giết mổ nhỏ lẻ đã tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn.

 

Sự hình thành các cơ sở giết mổ tập trung nói chung sẽ quy tụ các điểm giết mổ ở gần nhau (trong cả huyện hoặc cụm xã) vào một cơ sở để giảm bớt số lượng cơ sở phải kiểm soát giết mổ ở các địa phương. Vì vậy, hoạt động kiểm soát giết mổ cũng thuận lợi hơn; các cơ sở giết mổ có quy mô đủ lớn, đủ năng lực thực hiện quy định về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Cũng nhờ vậy mà kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại hộ gia đình, lâu nay vẫn thả nổi.

 

HOÀNG HƯƠNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ