A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gương mặt tròn trong tranh

 

QPTĐ-Có lẽ suốt cuộc đời tôi không thể quên gương mặt ấy. Một gương mặt tròn, đôi mắt đen và mái tóc nhẹ nhàng trên vầng trán khi nào cũng trắng mịn như vừa thoa phấn. Các bạn đừng có cười tôi! Nếu như các bạn có người mẹ nói với bạn là: Con sẽ có người con gái nào đó cho cả cuộc đời, nếu như cô ấy có gương mặt đầy đặn, phúc hậu… thì các bạn mới thấy tôi có lý. Từ đấy, tôi cứ theo đuổi những “gương mặt như trăng tròn mười sáu”. Tôi đã từng ngẩn ngơ trước những bức tranh của một họa sỹ nổi tiếng trong quân đội. Không hiểu sao, hễ cứ vẽ về người nữ dân quân, cô ý tá, người nữ trí thức là dứt khoát bút vẽ của ông phải tả được những gương mặt tròn. Đôi môi này, mái tóc này và cả đôi mắt nữa… đều tròn trịa và… phúc hậu. Chắc chắn người họa sĩ ấy không thể biết được là những bức chân dung của ông, đã làm cho tôi khốn khổ như thế nào. Tôi bị ám ảnh, bị thôi miên trước những gương mặt tròn mẫu mực của ông. Từ ấy, tôi cứ so bì người này thế nọ, người này thế kia… mà không sao tìm nổi một gương mặt tròn như thế.

 

 

*
*      *


Cho đến một hôm, tôi đang bươn bả đạp xe trên con đê làng để trở về nhà. Trời sắp đổ mưa, cơn giông giăng giăng phía trước. Gió thổi tạt cả xe. Bỗng một chiếc nón trắng bay lượn trước mặt tôi. Chiếc nón có cái quai nhẹ như làn khói, đang bon bon xuống chân đê. Một cô gái có món tóc đuôi sam phanh vội chiếc xe nhìn theo chiếc nón, bất lực. Tự nhiên, tôi hăng hái nhảy xuống. Đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu là tại sao mình lại làm như thế? Tôi đuổi theo chiếc nón, mà không cần biết chạy xuống độ dốc như vậy nguy hiểm thế nào. Lúc bấy giờ tôi chỉ muốn cố mà tóm được nó, trước khi nó kịp rơi xuống nước.


- Dừng lại! Tôi hô to như ra lệnh. Chiếc nón bay lên khóm lúa và nằm im nhưng chiếc vành nón và cái quai thì cũng đã bị ngấm nước. Tôi để ý thấy cái quai là một loại vải mềm và vàng như lụa, bụng thầm nghĩ: - Cái thứ này “nịnh” da phải biết! Vảy cho những giọt nước văng ra, tôi đưa chiếc nón cho cô gái. Cô gái nhìn tôi, mỉm cười:
- Cảm ơn anh! Không có anh thì tôi không biết làm thế nào.
- Cẩn thận với cái quai, nó đang bị ướt đấy! Tôi nhắc.
- Không sao đâu anh ạ! Đằng nào thì cũng sắp mưa rồi!
Đến lúc ấy, tôi mới nhìn kỹ cô gái. Đó là một gương mặt tròn quen thuộc nhưng không phải trong tranh. Có phải đấy không, gương mặt tròn mà tôi đang cố công đi tìm? Đừng biến vào tranh nữa nhé! Lòng tôi khẽ reo lên…
Cơn mưa sắp đổ dồn tới. Sấm ùng ục trên đầu. Tôi gào lên đầy phấn khích:
- Nào! Tiến lên em ơi…!
Cô gái cũng chẳng phải tay vừa, đạp xe phăm phăm vượt lên trước tôi:
- Em đố anh đuổi được đấy!
Tôi mắm môi mắm lợi đuổi theo:
- Em tên là gì?
- Tên  là Hạ ạ…Mùa Hạ ấy… Cô giải thích.
- Thảo nào! Nắng cũng dữ dội, mưa cũng dữ dội. Tôi nói to trong những cơn gió ào ào.
Đến lượt Hạ cũng không nghe rõ. Cô nói trong hơi thở gấp gáp:
- Vâng! Mưa to quá anh à… Anh em mình cố đến đầu làng trú mưa…nhé..
Mưa bắt đầu nặng hạt. Luồng khí nóng từ mặt đường, sau một ngày bị nung đốt vì nắng bắt đầu bốc lên, gặp hơi lạnh nên chỉ là là mặt đất, hầm hập rất khó chịu. Phía sau chúng tôi, cơn mưa đang đuổi trắng trời. 
Khi chúng tôi vào đến cái lều của bà cụ hàng nước đầu làng, thì cũng là lúc cơn mưa ập tới, tung hoành. Gió giật cái phên bằng cót đan của bà cụ bay vặn vẹo ra đường. Từ trong nhà, bà cụ nói với ra:
- Đừng làm hỏng phên của tôi, các bác nhé…
Cả tôi và Hạ nhìn nhau, rồi bật cười. 
- Anh chạy ra đem cái phên của cụ vào đi! Đằng nào cũng ướt rồi còn gì.
Tôi ngoan ngoãn lao nhanh ra đường. Cái phên ngấm nước khá nặng, đã thế lại bị những cơn gió liên tiếp giằng lại. Tôi như đánh vật với nó. Cuối cùng tôi cũng lôi được nó vào trong lều. 
- Anh có lạnh không? Hạ hỏi.
- Khô…ô…ông! Tôi giả vờ lập cập trả lời.


 Hạ bật cười.
- Sao em lại cười? Ướt thế này mà không lạnh sao?
Hạ vẫn cười. Đôi mắt cô nhìn xoáy vào tôi như muốn nói: Tôi biết tỏng cái trò của anh rồi!
- Anh không diễn được đâu! Người bị lạnh do mất nhiệt không thể trả lời được ngay đâu và cũng không phải cái kiểu lập cập đóng kịch như thế…
Tôi rất ngạc nhiên vì sự am hiểu của Hạ:
- Thế à? Sao em biết, giỏi thế?
- Em học Trung cấp y mà.
- A! Em đang học trong Trường trung cấp của tỉnh à?
- Vâng! Nhưng em ra trường được một năm rồi. Thường thì em ít về lắm, công việc của bệnh viện cứ bận liên miên. Hôm nay, em về vì chồng em công tác ở miền Nam được nghỉ phép… Chúng em không mấy khi được gần nhau.
Tai tôi như ù lên. Tôi chẳng nghe thấy gì hết… Tôi muốn ném cái phên của bà cụ ra đường. Tôi muốn cả cái lều này nữa cho gió giật tung lên. Tôi ghét cơn mưa mùa hạ. Sao tự nhiên lại mưa cơ chứ? Đã mưa thì cứ giỏi mưa tiếp nữa đi… Mưa đến sáng mai cũng được…
- Anh… Anh này! Anh lạnh à? Hạ gọi tôi
- Không! Mà cũng lạnh thật! Ta về thôi, mưa ngớt rồi… Tôi nói như người mất hồn.
- Vâng ạ! Hạ ngoan ngoãn dắt xe ra.
Cho đến nay, tôi vẫn bâng khuâng mỗi khi nhớ về cái buổi chiều tối nhá nhem sau cơn mưa mùa hạ ấy.  Vẫn nhớ như in hình ảnh của Hạ khi em cúi xuống xắn cao gấu quần, để lộ bắp chân thiếu nữ trắng ngần. Vẫn nhớ như in cái cách em kéo chiếc quai nón xuống cằm, khiến  gương mặt em sáng bừng và càng thêm tròn trịa… Khi ấy, tôi đã đứng như trời trồng, đứng như đóng đinh xuống đất…
- Về thôi anh! Bây giờ thì anh ngấm lạnh rồi đấy. Về nhanh sưởi ấm rồi thay bộ đồ khác anh ạ. Mà nhà anh còn xa không? Sao em lại chưa bao giờ gặp anh nhỉ? Anh cũng chưa kể với em về anh đâu đấy…
Tôi dắt xe ra. Một cơn gió lùa tới, khiến tôi khẽ rùng mình. Nhưng có lẽ cảm giác về sự hụt hẫng mới làm tôi tê tái. Tôi nhìn theo Hạ, em vẫn đang đợi tôi.


*
*      *


Đường về nhà tôi còn một quãng ngắn. Hạ còn phải đi xa hơn, bởi nhà em ở tít nơi có con sông vùng gò bãi. Em lấy chồng nơi ấy. Tôi ngỏ ý đưa em về, vì sợ em con gái một mình khi đêm hôm mưa gió. Hạ mỉm cười nói: “ Anh hãy lo thân anh ấy! Cảm lạnh thì còn nguy hiểm hơn cả em về một mình!”. Con đường mà chúng tôi đi chung khá ngắn ngủi, nhưng tôi cũng kịp nói vời Hạ đôi điều về bản thân mình. Từ chiến trường, tôi được trở về học tiếp chương trình đại học. Tôi sắp tốt nghiệp và cả nhà tôi, ai cũng mong tôi học cao hơn nữa, nhưng… Nghe đến đây, Hạ quay sang tôi, ánh mắt và nụ cười của em rất tinh quái: “Chắc anh muốn cưới vợ chứ gì?” Được thể, tôi nói thẳng tưng: “Này em! Tiếc rằng em đã có  chồng, nếu không anh chắc chắn xin bố mẹ em cho anh cưới em làm vợ. Sau đó, muốn học gì cũng được!” Hạ nói: “ Thôi đi! Ai mà dám “chòi” đến cử nhân văn khoa!” Tôi nói: “Em ạ! Cho dù em là ai và anh có là gì chăng nữa, thì anh nói thật, riêng một gương mặt tròn như em, anh sẽ phải cất công  tìm trong suốt cả cuộc đời đấy!”. Hạ nói: “Thế hả anh? Tiếc thật! Thế mà em không biết đấy!”


Thú thật là tôi cũng rất bất ngờ và vui thích vì cách nói chuyện mạnh dạn như thế của Hạ.
- Này em! Tôi gọi
- Dạ!
- Em vừa nói gì, anh chưa nghe rõ. Em nhắc lại được không?
- Em vừa nói gì nhỉ? Em quên mất rồi!
Đến nước này thì tôi thua! Tôi thấy mình “ngố” quá vì không hiểu được tâm lý phụ nữ! Họ sẽ không bao giờ nhắc lại cái điều mà họ chỉ cho phép anh nghe một lần mà thôi!  Anh cũng đừng có mà “tưởng thật”! Hai tai tôi nóng lên vì sượng sùng… May mà đã đến lối rẽ vào làng tôi. Tôi dừng xe lại:
- Em ơi! Anh sắp tới nhà rồi! Anh chào em nhé! Chúc em những ngày nghỉ vui vẻ. Anh về đây!
Hạ cũng dừng xe. Em đứng yên, lặng lẽ. Tôi hỏi:
- Em có ngại về một mình không?
Hạ mỉm cười, khẽ lắc đầu, rồi em nhấn pedan xe đạp. Chiếc xe loạng choạng một chút, rồi nhẹ nhàng lướt đi cùng với  bóng chiếc áo trắng khuất dần vào đêm tối… Sau cơn mưa rào dữ dội, bầu trời trong vắt, đầy sao. Tôi cố nhìn theo bóng em dưới ánh sao vằng vặc ấy…
Tôi vẫn thường xuyên đi lại trên con đê quen thuộc và cũng thầm mong được một lần nữa cầm chiếc nón có cái quai màu vàng nhạt, rất nịnh da ấy nhưng không hề có được. “Gương mặt tròn trong tranh” chỉ còn là ký ức một thời của những xúc cảm, ước vọng, mải mê đeo đuổi… Tôi đang đi giữa cuộc đời mình, bằng đôi chân đầy cảm giác của chính mình, mà cái đầu thì vẫn hoài hơi, mơ mộng… 


Bẵng đi bảy, tám năm, một hôm tôi được cử vào thành phố Hồ Chí Minh công tác. Chuyến tàu Thống Nhất khởi hành vào lúc chiều muộn. Tôi lên toa giường nằm của mình. Trong khi mấy vị cùng khoang của tôi bắt đầu quấn chăn nằm im thin thít, tôi bước ra ngoài hành lang, nghĩ là đến toa dịch vụ kiếm cái gì đó nhâm nhi. Một đêm tốc hành lãng mạn thế này mà ngủ sớm, phí quá! Con tàu xình xịch lao vào màn đêm. Tiếng còi tàu ngân nga như tiếng gọi.

 

Khi đi qua toa vé ngồi, thấy mọi người mệt mỏi, ngả nghiêng vào nhau, tôi nghĩ: “Giá như mình gặp người quen, mình đổi chỗ cho họ. Xem họ ngủ kìa, cực quá đi! Mình có giường nằm hẳn hoi, mà lại không thích ngủ”. Đang tự nói với lòng mình như thế, bỗng nhiên tôi có cảm giác giống như một sự nhắc nhở. Cái gì vậy? Tôi nhìn quanh và trước mắt tôi chỉ có hai mẹ con một người thiếu phụ đang dựa vào nhau. Cô bé nằm gối đầu vào lòng mẹ, còn người mẹ thì một tay ôm qua vai đứa nhỏ, một tay nắm vào chiếc tay đẩy vali. Chắc là sợ mất trộm! Tôi nghĩ vậy và bước chân qua. Chẳng may, chân tôi vướng vào chiếc vali. Người mẹ choàng tỉnh và nhìn chòng chọc vào tôi đầy nghi kỵ. 
- Tôi xin lỗi! Tôi vô ý quá! 
Nói rồi, tôi khẽ khàng bước qua và đến thẳng toa dịch vụ. Ngồi chưa được mươi phút, tôi có cảm giác sốt ruột, không yên. Trở lại qua toa vé ngồi, tôi thấy hai mẹ con người thiếu phụ vẫn đang còn ở đó nhưng đứa bé đã thức dậy. Tự nhiên tôi thấy rất ngại phải đi qua chỗ ấy. 


Như người say sóng, tôi loạng choạng bước đi giữa con tàu chòng chành. Ánh đèn đêm bên đường loang loáng, khiến tôi nhìn rõ hơn gương mặt người mẹ, một gương mặt có những đường nét rất thân quen, nhưng có vẻ như rất mờ nhạt, xa xôi. Không hiểu sao, cô bé cứ nhìn tôi trân trân. Tôi cúi xuống thân mật hỏi:
- Cháu có ngủ được không?
Cô bé thưa:
- Dạ có! Thưa chú!
- Cháu ngoan lắm! Cháu tên gì?
- Dạ thưa! Cháu tên Hạnh!
Thì ra cô bé là người Nam Bộ, chắc hai mẹ con vừa từ ngoài Bắc vào. Trong khi hỏi chuyện cô bé thì tôi đã nhìn kỹ gương mặt người mẹ, thấy sao giống Hạ quá. Tôi hỏi:
- Chị có mệt lắm không?
Người mẹ trả lời:
- Không ạ! Cảm ơn anh!
Một cách nói rất quen, còn chất giọng thì đậm nét đặc trưng người vùng gò bãi quê tôi, không trộn lẫn vào đâu được! Tôi bắt chuyện:
- Tôi xin lỗi hơi tò mò một chút! Chị có phải người Sơn Tây, Ba Vì, Bất Bạt… không? 
Người mẹ trả lời:
- Vâng! Em quê ở đó!
- Vậy chị…


Không chờ tôi nói hết câu, người mẹ đã nói tiếp:
- Em theo chồng vào Nam công tác… Lần này, mẹ con em về quê thăm ông bà ngoại, nay trở lại trong đó.
Tôi đã không nhầm, người mẹ đó chính là Hạ. Hạ kể rằng, em đã theo chồng đang làm việc tại một khu công nghiệp trong thành phố chỉ một thời gian ngắn, sau khi chúng tôi gặp nhau giữa cơn mưa mùa hạ ấy. Họ đã có với nhau hai con, một trai, một gái. Cuộc sống khá sung túc. Nghe Hạ nói về gia đình, tôi có thể hình dung đó là một mẫu gia đình mơ ước của nhiều người. 


Chúng tôi trò chuyện khá lâu về kỷ niệm cơn mưa chiều dữ dội ấy, vẫn bật cười khi nhắc lại câu nói của bà cụ hàng nước, gọi chúng tôi là các bác với cái phên như con ngựa bất kham… Tôi cũng nói đến gương mặt tròn, một hình mẫu đã ám ảnh tôi như thế nào… Chúng tôi cũng nói nhiều đến vùng đất đồi gò đầy sim, mua và vùng đất đá ong nước trong leo lẻo… về những ngày lễ hội, những người bạn vẫn đang nhọc nhằn gặt lúa bằng thuyền thúng giữa mùa mưa lũ… và cả những món ăn rau dưa mà chỉ riêng vùng đất này mới có… Trong nhoang nhoáng ánh đèn, tôi thấy Hạ lắng nghe mà mắt em đẫm nước…


Cố bé lại liu riu ngủ. Tôi nói với Hạ:
- Em đưa cháu vào chỗ anh! Nhìn nó gật gà thế này, tội lắm. Anh đổi chỗ cho. Anh đang không muốn ngủ đây này.
Hạ chối đay đảy, nhưng tôi không nghe. Tôi bế cháu lên đặt vào giường mình. Hạ buộc phải kéo vali vào theo. Dọn chỗ cho hai mẹ con xong, tôi ra chỗ mẹ con Hạ vừa ngồi. Con tàu vẫn vun vút lao vào màn đêm. Đêm đã rất khuya, ngoài khung cửa trời tỗi sẫm. Có lẽ nó đang đi vào chỗ nào đó rất vắng vẻ. Bất giác, tôi thấy mình thật cô đơn. Xung quanh tôi không có ai thức để trò chuyện. Tôi châm thuốc và ngả người trên ghế. Con tàu xình xịch lắc lư… Những ngọn đèn trên trần mờ đục… Một đèn, hai đèn rồi ba đèn…Những ánh đèn nhòe nhoẹt, đa sắc màu, lung linh, nhảy múa….


*
*      *


Tôi giật mình tỉnh giấc khi mọi người trên tàu xôn xao nói về cơn mưa. Những đám mây đen vùng ven biển nặng trĩu, giống như những cái túi mọng nước sắp ụp xuống mặt đất. Đoàn tàu đang đỗ ở một cái ga nào đó. Hành khách trên toa lục đục thức dậy. Không khí trong toa bắt đầu ồn ã bởi tiếng gắt gỏng, tiếng nói, tiếng cười, xen lẫn tiếng rao quà bánh len lỏi mời gọi. Tôi đứng lên định tìm đến chỗ mẹ con Hạ, thì thấy trong túi áo ngực của mình rơi ra một mảnh giấy. Rất ngạc nhiên, tôi giở ra đọc:
Anh!
Mong anh thứ lỗi cho mẹ con em là không chào anh. Em thấy anh ngủ rất mệt, nên không đánh thức anh dậy. Em để mấy chữ cho anh và cảm ơn anh.


Lẽ ra, mẹ con em sẽ tiếp tục đi cùng anh trên chuyến tàu vào thành phố, nhưng em đã quyết định trở lại miền Bắc vì không thể vào với ba của bé Hạnh được nữa! Câu chuyện tối qua em kể với anh là không có thực. Chúng em không có hạnh phúc! Ba cái Hạnh đã có người khác. Em trở nên thừa thãi với chính ngôi nhà của mình. Em về quê ngoại đây! Chúc anh đi mạnh giỏi! Mùa Hạ.


Tôi bàng hoàng như vừa đánh mất một cái gì đó thật quý giá. Sao tôi lại không nhận ra trong câu chuyện của Hạ có cái gì đó u ám? Sao tôi lại không cảm nhận được sự đắng chát trong đôi mắt đẫm lệ của em? Tại sao tôi lại cứ mải mê với gương mặt tròn, mà lại không biết được thân phận của nó? Làm gì có sự tròn trịa trong mỗi số phận con người?... Những câu hỏi đầy trách móc cứ dội vào đầu tôi, khiến tôi ngẩn ngơ đứng giữa toa tàu… Đến khi, tiếng còi tàu cất lên và nó rùng mình chuyển động, tôi mới bừng tỉnh. Tôi lao ra cửa sổ, ngoái lại phía sau hy vọng tìm thấy mẹ con Hạ đang còn ở đâu đó.  Cái ga xép mau chóng bị khuất tầm nhìn. Mưa bắt đầu nặng hạt. Cơn mưa mùa hạ ở đâu cũng thế, ào ạt và dữ dội. Tôi như muốn gọi to lên: Mùa Hạ ơiiii… Mưa to rồi đấy! Em đừng ở trong tranh nữa nhé…

 

Truyện ngắn của Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ