Giữ gìn và bảo tồn làng nghề thêu
QPTĐ-Xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín từ lâu đã được biết đến với nghề thêu truyền thống. Trải qua hàng thế kỷ, người dân nơi đây vẫn lưu giữ nghề truyền thống và phát triển bằng những sản phẩm thêu tay độc đáo, có độ tinh xảo cao. Ngày nay, ngoài thêu tay thủ công, nhiều gia đình trong xã còn đầu tư mua máy thêu, hình thành nên những xưởng sản xuất quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Nghề thêu ở xã Dũng Tiến giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Ảnh: Internet
Theo các nghệ nhân cao tuổi của xã, nghề thêu ở Dũng Tiến có từ thế kỷ XVII, do cụ Lê Công Hành truyền dạy cho dân làng. Đến nay, sau gần 400 năm, nghề thêu vẫn phát triển. Toàn xã có 4 thôn (Cổ Chất, Đông Cứu, Ba Lăng, Cao Xá) với hơn 2.000 hộ dân thì có tới 90% số hộ làm thêu; trong đó có 3 làng đã được công nhận là làng nghề. Bà Nguyễn Thị Lên, người có nhiều năm gắn bó với nghề thêu ở thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến cho biết: Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường, cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Để hoàn thành một sản phẩm, công đoạn đầu tiên, người thợ phải vẽ những hoạ tiết cần thêu ra giấy hoặc vẽ trực tiếp vào vải. Muốn thêu đẹp trước hết mẫu vẽ phải đẹp.
Đặc biệt với các mẫu thêu cổ, phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo, từng đường kim, mũi chỉ canh nào phải đi canh nấy (các mũi thêu luôn phải theo một chiều nhất định; cách rút kim, kéo chỉ, đâm kim xuống vải thẳng hay nghiêng… theo quy định, chứ không được làm khác). Chính vì điều này, mà đòi hỏi người thợ phải học từ 3 đến 5 năm mới giỏi được, mà cũng chỉ là giỏi một công đoạn thôi.
Ở Dũng Tiến, nhiều người biết đến làng thêu cổ Đông Cứu, nơi duy nhất trong cả nước có thể phục dựng lại những kiểu thêu trên trang phục cung đình-đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống. Nổi bật trong số đó là nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, nổi tiếng với phục chế trang phục cung đình, áo thành hoàng. Ngoài ra, làng còn có các nghệ nhân: Nguyễn Đắc Bảy thêu quạt vải; Nguyễn Bá Tuy được biết đến với những sản phẩm hia, hài, nón thờ mẫu…Thôn Đông Cứu có 400 hộ dân thì hơn một nửa số hộ theo nghề thêu; trong đó, có 14 xưởng có từ 10 thợ thêu trở lên. Ngoài nhận thêu trong nước, nhiều khách hàng ngoài nước cũng đến Đông Cứu đặt hàng.
Không chỉ giỏi thêu tay nghệ thuật, ngày nay, người dân Dũng Tiến còn năng động ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong làm nghề. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy thêu, hình thành nên những xưởng sản xuất quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn. Thêu máy sử dụng thích hợp cho các mặt hàng thêu rối (hàng chợ) như: Khăn trải bàn, trang phục tế lễ, hàng may thời trang...được xuất bán đi nhiều nơi trong nước như chợ đầu mối Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân và các cửa hàng thời trang. “Nghề thêu là nghề có tính độc lập, người làm hoàn toàn tự chủ kế hoạch; dù trời nắng hay mưa cũng không làm ảnh hưởng đến công việc. Đặc biệt, nghề này cho thu nhập tương đối cao, bình quân mỗi ngày khoảng 200 nghìn đồng”-một thợ thêu ở thôn Cổ Chất chia sẻ.
Nói về nội dung này, đồng chí Nguyễn Đức Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến cho biết: Trong phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, xã luôn quan tâm duy trì và phát triển nghề thêu, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã. Đặc biệt, UBND xã có chủ trương tạo điều kiện để các hộ kinh doanh làm nghề, bảo đảm an ninh trật tự và tạo điều kiện về pháp lý cho các chủ hàng bảo đảm giao thương sản phẩm. Bên cạnh đó, xã phối hợp với phòng Kinh tế huyện tổ chức các chương trình khuyến công, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác truyền nghề, đào tạo nghề cho lớp trẻ để tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Bảo tồn và phát triển nghề thêu ở Dũng Tiến đã góp phần nâng cao đời sống người dân, đồng thời góp phẩn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội địa phương. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35 triệu đồng/người/năm. Những thợ thêu chuyên nghiệp, thu nhập bình quân đạt khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Song Hà