A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp người cắm cờ trên cầu Long Biên Ngày Giải phóng Thủ đô

 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà giản dị tại số 7a, ngõ 1974, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, người cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Văn Tước, đã bước sang tuổi 91 vẫn hào sảng kể về những ngày tháng 10 lịch sử, những ngày bộ đội Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102, Sư đoàn 308) nhận nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội 62 năm về trước.

 

 

Cùng với các đơn vị được lệnh tiến về tiếp quản các vị trí của quân Pháp, Trung đoàn Thủ đô trong đội hình Đại đoàn Quân Tiên phong được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Trước ngày về tiếp quản, sáng 19/9/1954, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, Trung đoàn 36, Trung đoàn 88 và một số Tiểu đoàn trực thuộc Đại đoàn được gặp Bác Hồ tại cửa đền Giếng, khu di tích Đền Hùng.

 

 

Bộ đội về tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954.

 

Mấy chục năm đã qua, bất cứ lúc nào, tôi cũng khắc cốt ghi tâm lời Bác dạy hôm đó: “Các chú sắp bước vào một chiến dịch hòa bình, bước vào một cuộc đấu tranh chính trị gay go và gian khó…Trước đây các chú ra trận chiến đấu với phi cơ, đại bác, xe tăng thì bất khuất nhưng bây giờ trước những viên đạn không thấy, các chú có thể bị quỵ ngã nếu không nêu cao kỷ luật…”. Bác nói rất kỹ về việc phải giữ phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ gìn nền nếp, tác phong, kỷ luật của Quân đội. Rồi Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 

Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, duy trì trật tự an toàn xã hội, vừa làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia xây dựng chính quyền ở các khu phố, giúp đỡ nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị về các thôn, xóm, vào từng gia đình tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác hậu phương quân đội, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đến đâu, làm việc gì, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng giữ vững phẩm chất đạo đức, tác phong, kỷ luật của người chiến sĩ cách mạng, sống gương mẫu, giản dị, đúng mực, kính già yêu trẻ, được nhân dân Thủ đô yêu mến, quý trọng.

 

Ngày 8/10/1954, Trung đoàn cử cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 79 đi trước, vào đóng ở 35 vị trí then chốt trong nội thành chờ đón đại quân ta vào tiếp quản Thủ đô. Về nơi phố xá, lại ở gần lính Pháp, nhưng chiến sĩ đơn vị vẫn luôn giữ nghiêm kỷ luật, đối xử với binh lính địch đúng mực, khiến quân Pháp rất cảm phục.

 

Ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô cùng các đơn vị trong Đại đoàn với tư thế của người chiến thắng, đội ngũ chỉnh tề hùng dũng tiến vào giải phóng Thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân Hà Nội. Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu cánh quân từ Ô Cầu Giấy tiến vào tiếp quản địa bàn Liên khu I, nơi Trung đoàn ra đời và đã anh dũng chiến đấu suốt 60 ngày đêm ngay khi vừa thành lập. Trung đoàn đã trở về như lời thề của mình khi rút khỏi Thủ đô thân yêu để cùng với toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.

 

Sau khi tiếp quản,  Đại đội  263, Tiểu đoàn 18 chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu Long Biên. Khi ấy, chúng tôi được lệnh tổ chức chốt ở 2 đầu cầu, tuần tra kiểm soát. Ngay trong ngày 10/10/1954, nhận tiếp quản cầu Long Biên, tôi trực tiếp treo cờ Tổ quốc lên cầu, trong lòng trào dâng niềm tự hào.  Đứng trước cờ, chúng tôi đã thề, dù khó khăn đến đâu, vẫn luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

 

Ra đời trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô cùng các lực lượng đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Để rồi những người lính can trường trận mạc trở về trong vòng tay của hàng vạn đồng bào Thủ đô Hà Nội giữa rừng cờ bay phấp phới ngày 10/10/1954.

 

Mạnh Quang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ