A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

 

QPTĐ-Trong tác phẩm “Tự tình cỏ lau”, tác giả Thiên Ân đã từng viết thế này: Ngọn cỏ lau phơ phơ phất phất/Gió vội về góp nhặt câu thơ/Gối tay vào tuổi mộng mơ/Thương tà áo trắng bao giờ cho nguôi?/Ngọn cỏ lau ngược xuôi, xuôi ngược/Ngả nghiêng tình trói buộc dây yêu.…Có thể nói, mặc dù sở hữu một cái tên rất đỗi bình dị-cỏ lau nhưng với ý nghĩa và vẻ đẹp đủ làm đắm say lòng người của mình, cỏ lau là đề tài xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm thơ ca, thậm chí  còn là tiêu đề cho bộ phim Thái Lan được rất nhiều người biết đến-“Hoa cỏ lau trong bão”.

 

 


Đối với những thế hệ “bắt bướm cạnh bờ ao, mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc”, hoặc từng gắn liền với con trâu và cây cỏ hẳn không lạ gì với những vạt cỏ lau trắng tinh khôi, đung đưa theo gió giữa triền đất rộng. Nó chính là biểu tượng đẹp ghi dấu những kỷ niệm tuổi thơ không bao giờ phai: Như đánh trận giả, tới bắt cua, mò ốc…của những cô bé, cậu bé. Cỏ lau là loài hoa dại song rất có ích trong việc chống sự xói mòn của đất. Hoa có sức sống kỳ diệu và có thể hợp với bất kỳ vùng đất như thế nào, từ đồi, núi, vách đá cho tới những thửa ruộng bằng phẳng. Thường những cây lau ở núi cao có thân mềm hơn và bông theo đó cũng nhỏ hơn. Hoa thường nở vào những ngày đầu Đông. Chính vì vậy, theo nhiều người, cỏ lau là dấu hiệu của mùa bão đã hết. Mới đầu, lau trải dài thành màu trắng tinh khôi, rung rinh và đầy duyên dáng. Nhưng sau một thời gian, hoa dần ngả sang vàng và cứng cáp hơn, tao sự hấp dẫn riêng. Khi hoa nở rộ, từng hạt nhỏ trắng xinh xinh bung theo gió, tiếp tục sinh sôi, nảy nở khắp triền đất rộng.


Tại Hà Nội, không chỉ có bãi giữa sông Hồng, hiện nay, để phát huy tối đa vẻ đẹp thướt tha nhưng đầy lãng mạn của cỏ lau, đồng thời có thêm thu nhập từ loài cỏ dại nhưng rất đặc biệt này, người ta đã trồng rất nhiều tại các điểm như: Chân cầu Long Biên, khu đô thị Linh Đàm…Điển hình là cánh đồng Lau tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, nơi đây dường như tách biệt hẳn với sự ồn ào, náo nhiệt của phố thị, lạc vào vệt lau khẽ rung rinh trước gió, lúc bình minh hay hoàng hôn, mỗi người không chỉ có được background của những bức ảnh tuyệt đẹp mà còn được hoà mình với thiên nhiên thuần khiết, đẹp đến nao lòng và tâm hồn bình yên đến lạ. Hay đứng bên cầu Long Biên, trong không khí se lạnh của Hà Nội, nhìn sông Hồng lặng lờ trôi, bên cạnh đó là những dải lau ngút ngàn…có lẽ chỉ vậy thôi, ta đã thấy một bức tranh thật đẹp, một Hà Nội rất đẹp giữa chiều Đông…


Chẳng thế mà với vẻ đẹp dung dị và thuần khiết, hoa đã lay động trong thơ Đường: Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu/Người xuống ngựa, khách dừng chèo/Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti (Tỳ bà hành-Bạch Cư Dị). Hay: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/Có nhớ dáng người trên độc mộc/Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa (Tây Tiến, Quang Dũng)…


Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ