A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện một Anh hùng thời kỳ chống Mỹ

 

QPTĐ-Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Loa Thành (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, nơi  hai lần được chọn làm kinh đô của nước Việt, ngay từ thuở niên thiếu, với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, Đào Duy Cảnh đã trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Vô tuyến điện. Năm 1965, tốt nghiệp đại học trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc hết sức quyết liệt, giữa rất nhiều con đường, ông đã lựa chọn con đường ra trận, nguyện được góp một phần nhỏ bé của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

 

 

Trung tá Đào Duy Cảnh (đội mũ)-Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Được Bộ Quốc phòng tuyển chọn và phong quân hàm Thiếu úy, điều động về Quân chủng Phòng không-Không quân, một tháng sau đó, ông được giao nhiệm vụ là Trợ lý kíp xe đạn tên lửa, thuộc Ban Kỹ thuật, Trung đoàn 238, Quân chủng Phòng không- Không quân. Do đam mê với công việc và mong muốn được trực tiếp tham gia chiến đấu, ông được cấp trên điều về Tiểu đoàn 85 của Trung đoàn. Lúc này, Tiểu đoàn 85 đã có 12 kỹ sư (6 kỹ sư cơ khí, 5 kỹ sư hóa và 1 kỹ sư điện), ông là kỹ sư thứ 13, duy nhất là kỹ sư vô tuyến điện, chuyên ngành quý hiếm của công tác phòng không-không quân. Với tinh thần ham học hỏi, bằng sự khổ luyện, ông đã làm chủ phần kỹ thuật, phát hiện và sửa chữa kịp thời hầu hết các hỏng hóc của khí tài.


Tháng 4-1966, Quân chủng giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 238 cơ động vào chiến trường Khu 4 nghiên cứu cách đánh B-52. Đơn vị hành quân trên con đường khá hiểm trở, vượt qua nhiều “Tọa độ lửa” như Đồng Lộc, Khe Tang, Xuân Sơn, Ngầm Bùng, phà Long Đại, địch điên cuồng đánh phá suốt ngày đêm. Dọc đường, cả 4 tiểu đoàn bị địch đánh tổn thất nặng. Xe kíp do ông chỉ huy đi qua ngầm Khe Tang, Quảng Bình (trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt) thì bị sụt ngầm. Nước to, cọc tiêu chỉ còn mập mờ trong khi trên đầu xuất hiện pháo sáng, máy bay địch bắn rốc-két xuống ngầm vô cùng nguy hiểm. Với tinh thần “quyết tử” để bảo vệ khí tài, ông đã lệnh cho lái xe đi cùng tắt đèn gầm, lợi dụng pháo sáng, lái xe căn đường bên trái, còn ông ra ngoài ca bin căn đường bên phải đưa xe vượt qua trọng điểm an toàn. 


Một thành tích đáng tự hào nữa là, khi Tiểu đoàn 85 được lệnh cùng đoàn chuyên gia Nga cơ động vào Vĩnh Linh, Quảng Trị kiểm tra đạn của Tiểu đoàn 84 đưa về. Sau hơn một ngày tổ chuyên gia làm việc tích cực cũng không tìm ra chỗ hỏng, nên yêu cầu đóng máy để về xin chuyên gia Quân chủng vào chi viện. Sau khi bạn về, ông thiết tha xin Đại đội và Tiểu đoàn cho tiếp tục sửa chữa, bởi nếu chờ chuyên gia Quân chủng tăng cường thì không biết tới khi nào mới đến được, trong khi các đơn vị hỏa lực đang rất cần đạn, yêu cầu chiến đấu vô cùng cần kíp, nhiệm vụ tìm cách đánh B-52 thì cả nước đang mong chờ. Được sự đồng ý của trên, sự hỗ trợ của đồng đội và kiến thức tự học, ông đã phân tích hoạt động liên quan giữa xe kíp và đạn cùng sự phản hồi giữa đạn và xe kíp, cộng với tính thận trọng, tỉ mỉ, sơ bộ ông kết luận do bó dây điện trên xe kíp bị lão hóa, cộng với độ ẩm cao do điều kiện khí hậu nhiệt đới nên đánh lửa sang nhau. Lần mò bằng đồng hồ đo, cuối cùng, ông đã tìm ra vị trí hỏng nên việc khắc phục được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả.

 

Có được thành tích trên, Đào Duy Cảnh đã trải qua 56 giờ không ngả lưng, chợp mắt, chịu đựng nắng gắt miền Trung, liên tục cần mẫn sửa chữa khí tài và đạn tên lửa, kịp thời cung cấp cho các tiểu đoàn hỏa lực. Từng quả đạn được kiểm tra, trở về vị trí chiến đấu trước niềm vui sướng của mọi người. Trước khả năng phát hiện trận địa tên lửa bằng trang bị công nghệ cao của Mỹ, ông cũng có sáng kiến đề nghị chỉ huy thực hiện chiến thuật  “Tàng hình, dình mồi”, tức là tắt máy chờ, chỉ đến khi địch vào tầm bắn mới mở máy tác chiến. Nhờ đó, Bộ đội Tên lửa đã bắn rơi máy bay B-52 trên bầu trời Vĩnh Linh, ngày 17-9-1967.

 

Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc có ý nghĩa lịch sử. Cũng từ cách đánh trên, việc nghiên cứu, cải tiến vũ khí, khí tài, cách đánh được Quân chủng Phòng không-Không quân áp dụng để tiêu diệt siêu pháo đài bay của Mỹ trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 năm 1972, một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, viết tiếp trang sử vàng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đem lại lòng tin cho nhân loại tiến bộ đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975.


Với những thành tích đặc biệt xuất sắc như trên, ngày 30 tháng 8 năm 2018, Trung tá Đào Duy Cảnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Lại Đức Mạnh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ