A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chúng tôi đi tìm kỷ vật chiến tranh

 

Khi đất nước đã sạch bóng quân thù, vết thương chiến tranh được hàn gắn, cuộc sống của nhân dân cũng dần ổn định thì những cán bộ, chiến sĩ làm công tác Bảo tàng quân sự lại tiếp tục hành trình đi sưu tầm kỷ vật. Người làm công tác sưu tầm kỷ vật, bắt đầu từ nơi chiến trường vừa ngưng tiếng súng, đến những chiến địa đã qua bão đạn để sưu tầm những kỷ vật của một thời oanh liệt. Xuất phát từ tình yêu Tổ quốc, đam mê nghề nghiệp, bất chấp mọi hy sinh gian khổ, hàng ngày, hàng giờ, họ miệt mài nơi rừng sâu, núi thẳm tìm kiếm, sưu tầm hiện vật chiến tranh. Các kỷ vật được trưng bày góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế thêm hiểu về lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

 

 

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

 

 Cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu từ tháng 2 năm 1979, sau khi chiến tranh Biên giới xảy ra trên toàn tuyến phía Bắc. Tôi cùng đồng đội trở lại nơi chiến sự vừa đi qua để sưu tầm kỷ vật. Hành trang của người lính Bảo tàng cũng gọn nhẹ như người lính đi chiến đấu ở chiến trường. Vật dụng trong chiếc ba lô con cóc là võng, bạt, máy ảnh và cả súng đạn… Hành quân đến những khu rừng sâu thẳm, bạt ngàn trên biên giới, tìm kiếm vũ khí mà kẻ xâm lược đã tàn sát người dân vô tội, ở những làng bản của đồng bào dân tộc ít người, sống hẻo lánh trên rừng núi phía Bắc.

 

Lương thực của người lính đi tìm kỷ vật chiến tranh là lương khô, cơm nắm, rau rừng, tiện đâu ăn đó, mệt đâu nghỉ đó. Đêm xuống nằm trong những hang đá sâu hun hút, vắng lặng, hoang vu, chỉ thấy tiếng gió hú rùng rợn. Chăn không đủ ấm, buốt lạnh thấu xương, ít ai ngủ được, nhiều chiến sĩ thức trắng đến sáng. Trong khi đó chiến sự vẫn diễn ra gay gắt, bom đạn gầm rú, khói đen ngút trời.

 

Đoàn của tôi gồm 3 người, Thượng tá Thụy đoàn trưởng, Nhà báo Kim Đồng và tôi. Một lần chúng tôi tới sở chỉ huy Trung đoàn 12, Đoàn Sao Vàng, lúc quân thù vừa rút lui, mùi khói thuốc bom đạn vẫn còn khét nẹt. Ngay cầu Khánh Khê, dấu tích của cuộc chiến vẫn còn nguyên. Tôi nhanh chóng chụp ảnh, tìm kiếm và thu được nhiều hiện vật, minh chứng cho sự thất bại của kẻ địch đã gây ra cuộc chiến tranh này. Khi nghiên cứu thực địa hiện trường, đoàn thấy rất rõ các dấu vết còn hằn trên mặt đất của những xác xe tăng bị quân ta tiêu diệt, đã được kéo về phía bên kia biên giới. Có lẽ sau khi thất bại, chúng bí mật tìm cách xóa sạch vết tích của cuộc chiến, càn quyét, sát hại đồng bào ta tại nơi này. Chỉ một số xe tăng ở địa thế không thể kéo được chúng mới bỏ lại.

 

Trước tình hình đó, Bảo tàng Quân đội báo cáo với Bộ Quốc phòng, xin thêm lực lượng khảo sát và phương tiện để thu hồi xác xe tăng địch. Được sự đồng ý của cấp trên, tôi và đồng chí Lê Phương, cán bộ Bảo tàng, một đồng chí ở Cục Tăng-Thiết giáp, Tổng cục Kỹ thuật, một cán bộ pháo binh của Bộ Tư lệnh Pháo binh tìm đến cơ quan quân sự tỉnh và huyện địa phương nhờ giúp đỡ. Đúng như những gì chúng tôi dự kiến, Cao Bằng chỉ còn hai khu vực thuộc Thạch An và Hòa An có địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, rừng già…địch không có phương tiện thu hồi nên xác xe tăng nằm rải rác dưới vực, có chỗ xe rơi xuống độ sâu 200m. Đoàn tìm cách tiếp cận để khảo sát thực địa, nhiều mảnh đã bị người dân tháo dỡ, làm dụng cụ lao động, nhất là chốt xích xe tăng.

 

Nhân dân Cao Bằng sống ở khu vực rừng núi hầu hết là người dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Dao, nhận thức về văn hóa lịch sử hạn chế, tiếng dân tộc chúng tôi không thông thạo nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi chính quyền địa phương tập hợp lực lương dân quân, tuyên truyền giải thích tác dụng, giá trị văn hóa, chính trị, của hiện vật lịch sử chiến tranh, có ý nghĩa quan trọng của công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước thì nhân dân hết lòng giúp đỡ.

 

Sau nửa tháng khảo sát và tiến hành sưu tầm, chúng tôi đã thu được nhiều hiện vật có giá trị. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Đại đội xe 120 ở huyện Thường Tín (Hà Nội) lên đường phối hợp cùng chúng tôi thu xác xe tăng địch về Hà Nội. Lực lượng đi tìm kỷ vật chiến tranh lúc này có thể nói rất hùng hậu gồm cán bộ Bảo tàng chỉ đạo kỹ thuật, Đại đội xe 120 phối hợp thu dỡ xác xe tăng, dân quân du kích địa phương và nhân dân dẫn đường, làm nhiệm vụ phát quang rừng, chỉ địa điểm nơi xe tăng địch nằm, tìm đường để bộ đội xuống tiếp cận, khảo sát thực địa… Quá trình tìm kiếm, những nơi có nhiều chiến tích quan trọng như ở bản Xẩy, thị trấn Nước Hai, tỉnh Cao Bằng, đoàn để những mảnh lớn xác xe tăng địch làm di tích lịch sử, ghi lại sự kiện của vùng đất này chiến tranh biên giới đã xảy ra.

 

Cuộc hành trình vẫn tiếp tục, chúng tôi lại hành quân lên đèo Cáng Lò, Đông Khê. Những xác xe tăng nằm dưới vực sâu, anh em phải nối cáp, dùng tời kéo lên từng mảnh. Suốt hai tháng ròng rã, được lực lượng dân quân và nhân dân địa phương giúp đỡ, đoàn đã thu được nhiều hiện vật, có mảnh xe tăng còn nguyên tháp pháo, nòng pháo và phiên hiệu.

 

Khi vận chuyển hiện vật về Hà Nội, những cuộc hành quân trong đêm cực kỳ vất vả. Có lần đi qua ngầm Tài Hồ Xìn, gặp lũ về, toàn đoàn phải ngồi chờ tới nửa ngày dưới nắng gắt, nóng bỏng trong khí hậu khô ráp và ngột ngạt trên vùng biên giới. Đoàn lại được nhân dân địa phương giúp đỡ từng bữa cơm, ngụm nước, chỗ nằm ngủ trong đêm, ân nghĩa đó cứ sâu lắng mãi trong tôi. Điều này càng khẳng định tình yêu Tổ quốc và công lao đóng góp của nhân dân là vô tận.

 

Từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hành trình tìm kiếm, trong vòng hai tháng, đoàn cán bộ bảo tàng đã đưa được nhiều hiện vật về Hà Nội, kịp thời trưng bày tại triển lãm, Trung tâm Giảng Võ Hà Nội. Chuyến xe cuối cùng, bà con dân bản và cán bộ địa phương tiễn chúng tôi như một chiến thắng của tình yêu Tổ quốc từ biên giới gửi về Thủ đô. Tình đất, tình người nơi đây luôn xứng đáng với lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 30 năm người bôn ba đi tìm đường cứu nước, lúc trở về Người đã chọn Cao Bằng là căn cứ địa cách mạng, trên núi rừng Việt Bắc để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và hôm nay nếu không có sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng thì nhiệm vụ của chúng tôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn vất vả, rất khó để kịp tiến độ thời gian quy định.

 

 Kỷ vật Bảo tàng quân sự là vật chứng mang tính thời đại, là văn hóa lịch sử nhân loại trong cuộc trường chinh của dân tộc. Người lính làm công tác Bảo tàng lịch sử coi đó là sứ mệnh thiêng liêng của quân đội và Tổ quốc giao phó, chúng tôi luôn tự hào được đóng góp sức mình cho vinh quang của đất nước.

 

Trần Thị Tuyết

(Ghi theo lời kể của Đại tá Đỗ Xuân Quế)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội