A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự hào góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

QPTĐ-Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, nơi hội tụ sức mạnh tổng hợp của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, nơi thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân ta, là nơi phản ánh những nét độc đáo, đặc sắc về nghệ thuật quân sự và sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân. Trong chiến thắng lịch sử này, quân và dân Hà Nội luôn tự hào vì đã đóng góp không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang chung của toàn dân tộc ngay trên chính mảnh đất nơi địa đầu, phên dậu của Tổ quốc.

Quận Đống Đa đã gặp mặt, giao lưu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo Thiếu tướng Lê Như Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội: Cùng chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã tổ chức hàng nghìn trận đánh lớn, đánh nhỏ ở các huyện ngoại thành, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, vũ khí, khí tài của địch. Điển hình như: Trận tập kích sân bay Bạch Mai; sân bay Gia Lâm, phá hủy 33 máy bay và nhiều kho nhiêu liệu của địch, góp phần làm suy yếu sự chi viện bằng đường không của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng thời, đưa 5.985 thanh niên nam, nữ vào quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tham gia chiến đấu trên các chiến trường từ Chiến dịch Biên giới, đến Thượng Lào, Hạ Lào… Trong đó, có 1.697 người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày toàn thắng.

Những chiến sĩ Điện Biên năm xưa giờ đã là cựu chiến binh và cựu TNXP. Các bác đều ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng mỗi khi nhắc lại giây phút chiến thắng, ký ức lại ùa về trong tâm trí mỗi người. Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng thuộc Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Với niềm tự hào về những tháng năm gian khổ chiến đấu và chiến thắng, ông chia sẻ: Tôi xung phong nhập ngũ khi chưa đầy 16 tuổi, với suy nghĩ đi tham gia kháng chiến đánh đuổi giặc Pháp để giành độc lập cho đất nước. Tôi được biên chế vào Đại đội 42, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Sau một tuần huấn luyện là đi chiến đấu liên tục ở các chiến trường.

Trong chiến dịch Điên Biên Phủ, Trung đội do Đại tá Nguyễn Thụ chỉ huy được điều lên chiến đấu trên đồi A1 với quân số 16 người, được trang bị 2 trung liên, 4 tiểu liên, còn lại là súng trường, bảo đảm đạn mỗi đồng chí 2 đến 3 cơ số, có 1 máy thông tin 2W. Thời gian này, Trung đội ông chiến đấu nhiều trận rất ác liệt do có hàng trăm khẩu pháo của địch bắn vào, nên tai ai nấy đề bị điếc đặc, không còn nghe thấy gì nữa. Hiệp đồng và chỉ huy chiến đấu chỉ bằng quan sát ánh lửa đầu nòng súng của người chỉ huy. Sau mỗi trận đánh, các ông lại củng cố công sự, công sự nào tốt nhất thì dành cho thương binh, khi chưa chuyển về tuyến sau được... Sau trận đánh này, ông và 1 đồng chí nữa được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ ông được điều về Trường Sĩ quan lục quân I làm giảng viên và nghỉ hưu năm 1992. Sau 43 năm công tác phục vụ Quân đội, ông được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, và nhiều Huân chương khác…

Thiếu tướng Lê Như Đức, Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội trao quà cho CCB trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu thì lực lượng TNXP, dân công hoả tuyến đóng vai trò rất quan trọng trong việc tải đạn, làm đường, cứu chữa, vận chuyển thương binh. Nhớ lại những ngày tham gia chiến dịch đầy gian khổ, ác liệt, cựu TNXP Nguyễn Hùng Thịnh (sinh năm 1935) bộc bạch: Đơn vị tôi đóng quân ở ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), đây là điểm giao giữa Đường 41 (Thanh Hóa, Hòa Bình lên) và Đường 13 (Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc) tiếp tế sang. Giặc Pháp thường thả bom để chặn đường tiến quân của ta, có ngày Pháp đã huy động 69 máy bay, ném trên 300 quả bom. Do đó, Cò Nòi được mệnh danh là chảo lửa, túi bom, cửa tử. Đơn vị tôi đã có 13 người hy sinh tại nơi này… dưới những cơn mưa bom của địch, chúng tôi đã bám trụ kiên cường bảo đảm giao thông thông suốt.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều CCB, TNXP Thủ đô tiếp tục công tác trong quân đội, trở thành những tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, đóng góp to lớn vào sự phát triển lớn mạnh của Quân đội và trong công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều đồng chí tham gia công tác giữ cương vị chủ chốt của Đảng, các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Cũng có bác trở về với đời thường xây dựng hậu phương và xây dựng Hội CCB các cấp… Những tấm gương anh hùng của các liệt sỹ, thương bệnh binh, những cống hiến, đóng góp của các CCB, cựu TNXP trong suốt quá trình tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô không chỉ tiếp thêm tinh thần, ý chí, sức chiến đấu, lao động và học tập cho mỗi người dân Thủ đô mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, thôi thúc tuổi trẻ hôm nay nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Hồng Thư


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ