A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiền trảm-hậu tấu

 

Đó là tình trạng vẫn thường xảy ra trong lĩnh vực trật tự xây dựng tại hầu khắp cả nước, trong đó có Thủ đô nhiều năm trở lại đây. Mặc dù đã có nhiều cố gắng của các cơ quan chức năng, nhưng vẫn còn tồn tại những vụ việc xây dựng trước - xin cấp phép sau, bất chấp quy định của pháp luật. Tiền trảm - hậu tấu trở thành điệp khúc trong dư luận xã hội khi nói về xây dựng các công trình từ to tát đến nhỏ bé.

 

 

Nhà số 8b Lê Trực, công trình vi phạm trật tự xây dựng.

 

Có nhiều nơi, khi lực lượng thanh tra xây dựng vào cuộc thì thấy dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng đơn vị nọ đã xây xong phần móng công trình. Căn cứ các sai phạm, chính quyền quận quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn quy định. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành các quyết định xử phạt của quận, vẫn tiếp tục xây dựng. Sau đó quận ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giao cho phường lên kế hoạch cưỡng chế, trình quận phê duyệt. Trước áp lực đó, chủ đầu tư mới dừng hoàn toàn mọi hoạt động thi công. Tình trạng đó diễn ra ở nhiều nơi. Không chỉ các dự án lớn, mà cả nhà dân cũng sai phạm về trật tự xây dựng, bị đình chỉ thi công.

 

Theo Thanh tra xây dựng ở nhiều quận, nguyên nhân dẫn đến sai phạm của những công trình này một phần do bất cập trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là ở thời điểm giao thoa từ cấp huyện chuyển lên quận. Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, quận đã vào cuộc quyết liệt. Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản cho phép điều chỉnh chiều cao một số công trình, yêu cầu chủ đầu tư xin cấp phép bổ sung. Quận đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, song quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Ngoài yếu tố chủ quan từ phía cơ quan chức năng còn có những lý do đến từ thể chế, nhất là chính sách và quy trình cấp giấy phép xây dựng.

 

Hoạt động của lực lượng Thanh tra xây dựng còn nhiều bất cập. Họ  chỉ có chức năng phát hiện, kiểm tra, lập biên bản, chuyển cấp chính quyền xử lý, không có quyền trực tiếp xử lý vi phạm. Trước đây, đội ngũ thanh tra xây dựng do quận quản lý thì công tác chỉ đạo tại các cấp cơ sở rất sát sao, quy được trách nhiệm rõ ràng. Khi đưa về Sở Xây dựng quản lý, mặc dù phân cấp rõ ràng, đảm bảo tính độc lập khi xử lý vi phạm nhưng đôi khi mất nhiều thời gian trong việc báo cáo, xử lý. 

 

Để khắc phục tình trạng xây dựng không phép, sai phép cũng như hiệu quả của vấn đề xử lý vi phạm, các ngành chức năng cần lồng ghép đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai dự án. Trong thực tế, rất nhiều dự án vi phạm chỉ vì chưa có giấy phép xây dựng, trong khi thành phố đã chấp thuận đầu tư, quy hoạch và phương án thiết kế cũng được phê duyệt.

 

Từ những vụ việc xảy ra, đã đến lúc các cấp chính quyền cần đánh giá tổng thể, chi tiết về hiệu quả áp dụng chính sách, đặc biệt là Nghị định 26/2013/NĐ-CP và Nghị định 180/2007/NĐ-CP để kịp thời có những kiến nghị sửa đổi cho phù hợp, “bịt kín kẽ hở” trong công tác phối hợp giữa thanh tra chuyên ngành và chính quyền. Hiệu quả từ xử lý vi phạm sẽ là sự khởi đầu phù hợp nhất nhằm tạo sự răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ đầu tư và người dân.

 

HOÀNG HƯƠNG

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ