A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trách nhiệm của cử tri

 

Từ nay đến ngày 22/5/2016- ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại  biểu  HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ diễn ra. Thời gian chỉ còn 1 tháng cho công tác chuẩn bị bầu cử, trong đó có chương trình tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để vận động bầu cử. Dự kiến thời gian tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên sẽ được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 27/4/2016) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7h ngày 21/5/2016).

 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu  HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 lần đầu tiên được tiến hành theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, là một đạo luật được sửa đổi, ban hành sau khi Hiến pháp 2013 ra đời nên có vị trí quan trọng đặc biệt, đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước.

 

Do đó, cử tri cả nước sẽ nghiêm túc thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp. Việc tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, còn là dịp để cử tri tiếp cận với các ứng cử viên, tìm hiểu về phẩm chất, năng lực, đánh giá chương trình hành động mang tính khả thi của mỗi ứng cử viên, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng thể hiện quyền, nghĩa vụ và  trách nhiệm công dân trong việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng trên lá phiếu bầu cử.

 

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, có hai hình thức vận động bầu cử mà người ứng cử có thể tiến hành, đó là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt  trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Hội nghị cử tri, mỗi ứng cử viên sẽ trình bày chương trình hành động của mình (nếu được bầu là đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND).

 

Mỗi ứng cử viên được dành thời gian trình bày chương trình hành động tương đương nhau.  Còn với hình thức vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia ứng cử trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng đều như nhau, không có sự phân biệt giữa người được giới thiệu và người tự ứng cử.

 

Những hành vi bị cấm theo  Điều 68, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định, đó là lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Luật cũng quy định người ứng cử không đưa ra những lời hứa hẹn về những việc  không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc không thể làm được… Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

 

Các phương tiện thông tin, tuyên truyền cũng không được vận động cho bất kỳ một cá nhân nào để vận động bầu cử mà chỉ dùng phương tiện thông tin đại chúng cho những người được tổ chức giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử trả lời phỏng vấn hoặc trình bày các chương trình hành động của mình. Như vậy, những quy định của pháp luật trong công tác vận động bầu cử đã bảo đảm sự chặt chẽ, bình đẳng, công khai, dân chủ.

 

Tuy nhiên, việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên đang có một số khó khăn. Do không đủ điều kiện để tổ chức cho toàn thể cử tri nơi cư trú tham dự, mà chỉ có các cử tri là đại diện chính quyền, các hội đoàn thể ở nơi cư trú, có ảnh hưởng lớn tới cử tri của cơ sở và đại diện các tổ, nhóm dân cư nên người ứng cử sẽ không có điều kiện tiếp xúc với đông đảo cử tri và cử tri cũng không có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các ứng cử viên. Người ứng cử có thể trình bày chương trình hành động tại các cơ quan thông tin đại chúng, trên báo chí của địa phương và website của Hội đồng Bầu cử quốc gia nhưng kênh thông tin này cũng có hạn chế, nhất là cử tri ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về truyền thông…

 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là trách nhiệm và  quyền hạn của cử tri. Hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử tới đây sẽ tạo điều kiện cho người dân phát huy dân chủ trước khi bước vào cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 nhằm  xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ