A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng chương trình hành động tốt, ứng cử viên sẽ thành công

 

Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. 

 

 

Ngày 22-5-2016, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

 

Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Mục c, Khoản 2, Điều 66, Luật số 85/2015/QH13 về  bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân  đã xác định: trong hội nghị tiếp xúc cử tri từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

 

Chương trình hành động của ứng cử viên bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là một sản phẩm trí tuệ của ứng cử viênvừa thể hiện trình độ, năng lực về mọi mặt của ứng cử viên, vừa phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của cử tri trong khu vực; là tài liệu để các ứng cử viên thể hiện trước cử tri, phát biểu trước cử tri những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất cũng như các vấn đề mà mình tâm huyết nhất.

 

Việc xây dựng và trình bày chương trình hành động trong hội nghị cử tri là cơ hội duy nhất để ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thể hiện mình trực tiếp trước cử tri. Buổi tiếp xúc cử tri báo cáo chương trình hành động của các ứng cử viên có thành công hay không là phụ thuộc rất lớn vào công tác chuẩn bị chương trình hành động và trình bày nội dung chương trình hành động trước cử tri.

 

Xây dựng chương trình hành động của mỗi ứng cử viên là việc bắt buộc, để báo cáo trước cử tri về việc mình sẽ làm khi được bầu làm đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND, mặt khác, để lưu trong hồ sơ ứng cử để cử tri và các cơ quan liên quan giám sát việc thực hiện chức trách của đại biểu trong suốt nhiệm kỳ. Để đạt hiệu quả trong hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi ứng cử viên cần lưu ý trình bày bản chương trình hành động thật xúc tích, cử tri đánh giá được năng lực, sở trường của ứng cử viên nên cần phải chuẩn bị nội dung trình bày một cách khoa học, cụ thể, với các luận cứ thuyết phục. Đề cương chương trình hành động phải rõ ràng tập trung đi sâu vào từng lĩnh vực mà mình tâm huyết.

 

Phải tập dượt báo cáo chương trình trước hội nghị cử tri để chủ động về nội dung, thời gian quy định của hội nghị. Khi trình bày chương trình hành động trước cử tri phải trình bày rõ ràng, mạch lạc, không nên đọc nguyên văn bản chương trình chuẩn bị sẵn mà cần báo cáo ngắn gọn, xúc tích, tập trung vào nội dung chính cử tri cần nghe đó là các ứng cử viên sẽ làm gì khi trúng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND. Cần tìm hiểu rõ thành phần, đối tượng tiếp xúc.

 

Tùy theo sự phân bổ ứng cử viên về các đơn vị bầu cử, tùy theo kế hoạch tiếp xúc cử tri của Ủy ban MTTQ các cấp để biết đối tượng của mỗi buổi tiếp xúc cử tri. Biết đối tượng của buổi tiếp xúc cử tri giúp các ứng cử viên điều chỉnh cho phù hợp từ trang  phục, nội dung trình bày, cách diễn đạt, cách gặp gỡ. Trong  hội nghị tiếp xúc cử tri cần chú ý lắng nghe cử tri phát biểu, ghi chép những đề xuất kiến nghị để chuẩn bị trao đổi, giải trình với cử tri. Ngoài ra các ứng cử viên bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp phải dự kiến những câu hỏi hoặc kiến nghị của cử tri và chuẩn bị nội dung để đối thoại, trao đổi. 

 

Khi công bố danh sách bầu cử sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các ứng cử viên bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp sẽ bước vào chiến dịch tiếp xúc cử tri, báo cáo trước cử tri tại các cuộc tiếp xúc với của tri. Xây dựng và trình bày chương trình hành động tốt, ứng cử viên sẽ thành công. Do đó, khi chuẩn bị chương trình hành động các ứng cử viên cần tham khảo các quy định về đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để  chuẩn bị chương trình hành động thiết thực, chất lượng, hiệu quả.

 

 MỘC THANH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ