A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự chỉ đạo chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

 

QPTĐ-Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đã bổ sung, hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam và ra Nghị quyết  khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn. Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc”.

 

 

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. 

Ảnh: TTXVN

  

Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền trong thời gian 2 năm 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta,  tiến hành khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam...”.

 

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương

duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4/1975).   

Ảnh: TTXVN


Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976. Đây là một kế hoạch lớn được chuẩn bị công phu từ giữa năm 1973 qua tám lần dự thảo của Bộ Tổng Tham mưu. Ngoài kế hoạch này, Bộ Chính trị cũng dự kiến “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.


Để có nghị quyết lịch sử nói trên, ngay sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ngày 24/5/1973, Bộ Chính trị đã họp mở rộng bàn vấn đề miền Nam và chủ trương, cần phải chủ động tiến công địch, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và pháp lý... Tiến công quân sự bằng phản công của ta là chủ động, chỉ có qua đó mà từng bước đánh bại mọi hành động vi phạm của địch. Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu cùng chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch chiến lược quân sự trong giai đoạn mới.


Từ tháng 4/1973, Tổ Trung tâm gồm các đồng chí Vũ Lăng-Cục trưởng, Lê Hữu Đức, Vũ Quang Hồ- Phó Cục trưởng Cục Tác chiến do Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn trực tiếp chỉ đạo được lập ra để thực hiện nhiệm vụ này. Với tinh thần làm việc khẩn trương, ngày 5/6/1973, Tổ Trung tâm hoàn thành bản dự thảo Đề cương Kế hoạch chiến lược mang số 305 TG1.


Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21, tổ chức vào cuối tháng 6 năm 1973, đồng chí Lê Duẩn-Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng kết luận hội nghị, nêu rõ sự nhất trí cao của BCHTƯ về quyết tâm giải phóng miền Nam.  Nội dung Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 21 từng bước hoàn chỉnh qua nhiều lần thảo luận và khảo nghiệm, cuối cùng, được Hội nghị toàn thể BCHTƯ Đảng thông qua ngày 4/10/1973 khẳng định: “Con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công”. 


Tổ trung tâm theo Chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, khẩn trương chỉnh lý, bổ sung “Đề cương Kế hoạch chiến lược” đầu tiên. Tiếp đó, ngày 16/7/1973, bản dự thảo thứ hai mang tên: “Đề cương nghiên cứu kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở miền Nam” được đệ trình. Một tháng sau, ngày 15/8/1973, hoàn tất bản dự thảo lần thứ ba. Tuy nhiên với tình hình cụ thể ở chiến trường, không thể đặt tổng khởi nghĩa lên đầu mà tất yếu phải có những trận tiến công lớn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, tạo điều kiện đánh vào thành phố, vào sào huyệt chủ yếu của địch, kết hợp chặt chẽ với nổi dậy của quần chúng, để kết thúc chiến tranh, giành toàn thắng. Vấn đề phải phát huy, phối hợp cả ba quả đấm mạnh để giành thắng lợi được đặt ra. Tổ trung tâm tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh đề cương kế hoạch chiến lược theo phương hướng nói trên.


Ngày 30/1/1974, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn kế hoạch nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh cách mạng miền Nam. Theo sát tình hình diễn biến trên chiến trường và căn cứ vào tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu bổ sung kế hoạch chiến lược. Một bản đề cương mới: Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam mang số 172/TG1 đã được hoàn thành ngày 26/8/1974. 


Từ ngày 30/9/1974 đến ngày 8/10/1974, Hội nghị Bộ Chính trị khai mạc, thông qua kế hoạch chiến lược 2 năm và riêng năm 1975 với quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976 gồm 2 bước. Bước 1 năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, chia thành ba đợt... Bước 2 năm 1976, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hội nghị nhất trí duyệt bản kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ 7 do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị. Đồng chí Lê Duẩn kết luận: Do sự phát triển của tình hình, Bộ Chính trị hạ quyết tâm, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị mở rộng thông qua quyết tâm lần cuối cùng kế hoạch chiến lược quan trọng này. 


Có thể nói, Hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975 có vai trò như một trong những yếu tố đầu tiên và là yếu tố chủ yếu nhất, trực tiếp quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trận quyết chiến lịch sử, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện quyết tâm chiến lược đó, cả nước ta đã ra trận với những lực lượng to lớn và khí thế hào hùng chưa từng có hướng tới trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Nhìn lại cả quá trình diễn biến phức tạp và phát triển nhanh chóng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chúng ta càng tự hào với tài thao lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, thấy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí thông minh và sức sáng tạo vĩ đại của nhân dân và lực lượng vũ trang ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.


Nguyễn Thành Hữu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ