A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức về Đại thắng mùa Xuân năm 1975

 

QPTĐ-Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với trận mở màn Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là chiến thắng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc và có tác động lớn đến tình hình thế giới lúc bấy giờ. Đã 45 năm nhưng với những người lính trực tiếp làm nên giây phút lịch sử đó thì tất cả đều như mới vừa hôm qua.

 

 

Cựu chiến binh, Đại tá Đinh Văn Thanh (áo trắng)

kể về những năm tháng chiến đấu không thể nào quên.

 

Người cựu chiến binh tham gia từ chiến dịch mở màn


Trung tướng Nguyễn Văn Việt, nguyên Chính uỷ Trường Sỹ quan Lục quân I sinh ra và lớn lên tại Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 1969, tròn 18 tuổi, ông nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện, ông vào chiến trường chiến đấu, biên chế tại Tiểu đoàn 394, Mặt trận Tây Nguyên. Năm 1972, ông được điều sang Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.  Trong quân đội, ông trải qua rất nhiều cương vị, từ Trung đội trưởng, Chính trị viên phó, Chính trị viên Đại đội cho đến Chính uỷ Trường Sỹ quan Lục quân I (năm 2005) và tới năm 2011 nghỉ hưu. Cuộc đời quân ngũ của ông có rất nhiều kỷ niệm, nhất là khi nhắc tới những trận đánh làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, mắt vị tướng trận mạc vẫn không khỏi rưng rưng. Ông bồi hồi: Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi khi ấy là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24. Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ tiến công, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Không quân nguỵ Sài Gòn và Sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, tôi tham gia ngay từ trận mở đầu của cuộc Tổng tiến công, cụ thể là nhiệm vụ chiếm căn cứ Trung đoàn 45, Sư đoàn 23, ngụy quân Sài Gòn ở thị xã Buôn Ma Thuột. Sau khi giải phóng được thị xã, địch thất thủ nhưng chúng tổ chức lực lượng tái chiếm, chốt giữ đèo Phượng Hoàng-một trong tuyến phòng ngự rất kiên cố, ngăn chặn tiến công của quân ta xuống miền Duyên Hải. Nhằm phá thế phòng ngự của địch, đơn vị giao cho tôi chỉ huy Đại đội luồn sâu đánh vào phía sau lưng địch ở Đèo Phượng Hoàng trong điều kiện đêm tối, không được trinh sát trước và biết được địch ở điểm nào. Tới gần sáng, không phát hiện thấy địch, chúng tôi vừa cho bộ đội dừng giải lao thì lực lượng trinh sát phát hiện thấy chúng. Ngay lập tức, chúng tôi cho bộ đội triển khai đội hình, nổ súng tiến công, phá vỡ phòng thủ của chúng tại đèo, rồi tiếp tục phát triển tiến công đánh chiếm vào căn cứ huấn luyện Nam Sơn, tiến công Tiểu khu Ninh Hòa (Nha Trang, Khánh Hòa), sau đó hành quân về cùng Trung đoàn, Sư đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến quân vào phía Đông Bắc, đánh từ Củ Chi vào Sài Gòn, Cầu Bông…

 

 

Quân Giải phóng đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. 

Ảnh tư liệu


Còn ngày 30-4, khi đánh chiếm Lữ đoàn dù 3 để mở đường tiến công hai mục tiêu kể trên, Tiểu đoàn gặp Phái đoàn Quân sự 4 bên tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Anh em ùa ra, ôm nhau vui sướng. Được sự chỉ đạo của Trưởng phái đoàn, Tiểu đoàn cử một bộ phận ở lại để bảo vệ Phái đoàn, số còn lại tiếp tục phát triển theo nhiệm vụ được giao. Đến 11 giờ 30 phút, khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng thì chúng tôi như vỡ òa, vui sướng vì chiến tranh sẽ kết thúc, hoà bình được lập lại, Tổ quốc được thống nhất. Song trong giây  phút reo hò, chúng tôi vẫn không quên nhiệm vụ, vẫn triển khai các phương án đề phòng bọn địch tàn quân lén lút có thể gây tổn thất cho ta. 

 

Kỷ niệm của cựu chiến binh trong ngày đại thắng  


Cựu chiến binh, Đại tá Đinh Văn Thanh, hiện là Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố 13, phường Quang Trung, quận Hà Đông sinh ra và lớn lên tại tỉnh Nam Định. Năm 1967, ông nhập ngũ khi mới tròn 17 tuổi. 41 năm trong quân ngũ, giữ nhiều cương vị khác nhau: Từ Tiểu đội trưởng, Trung đội phó cho tới Hệ trưởng, Học viện Chính trị Quân sự, ông có rất nhiều ký ức không thể nào quên.


Ông kể: “Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến thắng vĩ đại của dân tộc, tôi chỉ là cá nhân nhỏ trong đoàn quân tham gia giải phóng Sài Gòn. Khi đó, tôi là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 37, Trung đoàn Đặc công 198. Lúc đầu tham gia chiến dịch, tôi Phụ trách Chính trị, chuẩn bị địa hình, sau này chúng tôi được biết trên giao chuẩn bị địa bàn đánh vào Buôn Ma Thuột, chúng tôi đi theo hướng vào sân bay của thị xã. 


Dù thời gian đã lùi xa nhưng trong ký ức, tôi vẫn mãi không thể nào quên. Mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trận mở màn là Buôn Ma Thuột. Đơn vị tôi là đặc công nên có nhiệm vụ đánh mở màn, giữ trận địa để cho lực lượng bộ binh phía sau vào chiếm lĩnh. Ở trận đó, chúng tôi đánh vào Sân bay Hòa Bình.


Tôi nhớ khoảng 2 giờ sáng đêm mồng 9, rạng ngày mồng 10-3-1975, khi tiếng súng (giờ G) nổ, mũi của chúng tôi khoảng hơn 20 đồng chí. Thời điểm đó, chúng tôi chủ yếu có bộc phá, lựu đạn, súng AK báng gấp nhỏ, tôi là cán bộ phụ trách Tiểu đoàn thì được thêm khẩu K59. Hai bên đánh giằng co trong khoảng 2 tiếng, lúc đó chúng tôi đã chiếm được lô cốt đầu cầu. Thực tế khi vào trong lô cốt, có nhiều xác nguỵ chết trong đó rồi và anh em dùng chính vũ khí của chúng để đánh địch. Tuy nhiên, khi địch dùng hoả lực phản công trở lại, một quả lựu đạn đã ném trúng hầm, đồng chí Cường-Chính trị viên phó Đại đội chỉ kịp hét lên-US-thì tôi cũng bật lên khỏi hầm và bị thương toàn bộ bên tay trái, chân trái. Anh em vẫn tiếp tục chiến đấu với giặc để thọc sâu vào trong, còn tôi tới sáng hôm sau mới bò qua đường băng ra ngoài, được lực lượng vận tải cáng cứu thương, sau này được điều trị tại Bệnh viện 211. Khi giải phóng Buôn Ma Thuột xong, anh em còn dìu tôi ra thị xã để chứng kiến giây phút giải phóng.


Cuối tháng 3, đầu tháng 4, sau quá trình điều trị, tôi được trở lại Trung đoàn. Tôi nhớ, anh Lộc-Phó Chính uỷ Trung đoàn là người tập hợp anh em phía sau, anh nói: Cánh quân tiền trạm đi trước, anh em mình là bộ phận thu dung sẽ đi cùng đoàn vào phía sau. Khoảng đêm 25, 26-4, sau khi vượt sông Sài Gòn qua bến Xúc, vào Củ Chi, gặp cánh quân, đơn vị triển khai Sở Chỉ huy ở đó, triển khai lực lượng, cùng các bộ phận khác chuẩn bị tiến sâu bên trong (một bộ phận của đơn vị tiền trạm phía trước). Trên nói, bộ phận đi trước rồi, còn đồng chí ở đây cùng chúng tôi sẵn sàng đi theo các hướng. Tôi khi đó là Trợ lý Chính trị Trung đoàn (hàng ngày nắm tình hình tư tưởng, tổ chức của anh em, báo cáo cấp trên).


Ngày 30-4, khi đang ở Sở Chỉ huy Trung đoàn, chúng tôi nhận được tin quân ta đã chiếm được Sài Gòn. Khoảnh khắc đó, anh em thực sự xúc động, ôm nhau mừng vui khôn xiết, reo vang: Hoà bình rồi, thống nhất rồi.


***


Có hoàn cảnh khác nhau nhưng cả hai cựu chiến binh đều có chung tình yêu quê hương cháy bỏng và cùng được chiến đấu, chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc. Trải qua thời gian trong quân ngũ, trở về đời thường, các ông vẫn sống vui, sống khỏe, sống có ích; là tấm gương sáng cho con cháu học tập và noi theo.


Hiền Mĩ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ