A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc chiến đường ống khí đốt Nga-Mỹ?

 

QPTĐ-Tuần qua, Hãng truyền thông Nga Reporter đưa tin: Hải quân Nga điều nhóm tàu khu trục Vasil Bykov và tàu săn ngầm Kulakov thuộc Hạm đội Biển Đen hộ tống 2 tàu hậu cần Ostap Sheremeta và Ivan Sidorenko (Nga) từ Viễn Đông qua eo biển Manche đến Đại Tây Dương, tiếp tục xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 (Dòng chảy phương Bắc-2) trên biển Baltic. 

 

 

Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc-2 được đặt dọc theo đáy biển Baltic.


Báo chí Nga khẳng định, việc Moskva điều tàu chiến bảo vệ sự an toàn cho các tàu hậu cần, xây dựng tuyến đường ống dân dụng là thái độ cứng rắn của Điện Kremlin đáp trả Mỹ gia tăng cấm vận, trừng phạt các bên là chủ đầu tư, thi công dự án này; trong khi Dòng chảy phương Bắc-2 còn 160km cuối cùng đang cần gấp rút hoàn thành trong năm nay. Theo Tập đoàn Dầu khí Gazprom (Nga), dự án đã lắp đặt 83% hai tuyến đường ống dài 1.200 km dưới biển Baltic, chỉ còn 17% chiều dài đường ống vừa được Đan Mạch cấp phép xây dựng, sẽ được hoàn thành vào mùa Thu năm nay.


Dòng chảy phương Bắc-2 là dự án hợp tác Nga-Đức trị giá hơn 11 tỉ USD, xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, đi châu Âu với tổng công suất 55 tỉ m3 khí/năm. Tuyến ống đi từ bờ biển Nga qua biển Baltic, qua vùng biển lãnh thổ các nước: Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức. Trong quá trình thực hiện dự án, Nga và Đức đã có những nỗ lực vượt bậc, vượt qua những chỉ trích, phản đối gay gắt của Mỹ, Ukraine; thậm chí, sự cản trở của một số nước Đông Âu (Latvia, Litva, Ba Lan), thành viên Liên minh châu Âu (EU). 


Với Ukraine, ngoài cáo buộc Nga “chiếm đóng Crimea”, Kiev không muốn mất 3 tỉ USD/năm phí vận chuyển khí đốt của Nga đi châu Âu, quá cảnh Ukraine khi dự án này hoàn tất. Kiev cũng sẽ mất quyền ưu tiên mua dầu khí ưu đãi, giá rẻ của Moskva và hệ thống đường ống cũ kỹ kia sẽ trở thành đồ cổ, bảo tàng? 


Mỹ kiên quyết chống phá Dòng chảy phương Bắc-2, không chỉ vì Nga ung dung là “vua dầu mỏ, khí đốt” khu vực, thu lợi hàng trăm tỉ USD/năm mà Nhà Trắng cho rằng, Điện Kremlin nắm con bài dầu khí trong tay, “châu Âu sẽ phụ thuộc vào Nga” mặc dù Nga, Đức không dưới một lần tuyên bố, dự án khí đốt này chỉ mang tính chất thuần túy về kinh tế. 


Hiện, Nga đang có tuyến đường ống cấp khí đốt sang châu Âu truyền thống qua Ukriane, tuyến Dòng chảy phương Bắc (Nga-EU) khánh thành năm 2011 công suất 40 tỉ m3 khí/năm, tuyến đường ống Tuk Steam (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) công suất 33 tỉ m3/năm, khiến tham vọng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ vào châu Âu chỉ dừng lại trên giấy. 


Tháng 12/2019, Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm 2020 (NDAA), trong đó có Dự luật Bảo vệ an ninh năng lượng châu Âu với nội dung đáng chú ý, Mỹ áp lệnh trừng phạt các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc-2 từ Nga đến Đức-EU. 


Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Mỹ (5/6 vừa qua) đề xuất một dự luật mở rộng phạm vi các lệnh trừng phạt được ban hành hồi tháng 12/2019 nhằm đưa mọi doanh nghiệp có ý định hoặc đã cung cấp bảo hiểm hay thiết bị dịch vụ về công nghệ, hạ tầng cảng biển, cáp nối, thăm dò địa điểm dự án cơ sở hạ tầng của Tập đoàn Gazprom, Nga vào danh sách áp đặt. Phạm vi trừng phạt cũng bao gồm cả dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Nga-Thổ). “Chúng tôi phải tiếp tục các nỗ lực và bảo đảm Nga không thể lén lút mở rộng những ảnh hưởng thâm hiểm tại châu Âu”-Thượng nghị sĩ Mỹ J.Shaheen nói. Trong khi Thượng nghị sĩ T.Cruz cho rằng: Tuyến đường ống này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ!  


Năm tập đoàn châu Âu liên doanh với Gazprom Nga lo ngại. Tập đoàn Allseas (Thụy Sĩ-Hà Lan) đang thi công đường ống, không chịu nổi áp lực của Mỹ, bỏ cuộc trước Lễ Giáng sinh 2019. 


Lập tức, Tổng thống Nga V.Putin (1/2020) tuyên bố, Nga sẵn sàng hoàn thành đường ống một mình trước cuối năm 2020 và vận hành hệ thống vào quý I-2021. Chủ tịch Thượng viện Nga K.Kosachev gọi các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ lắp đặt tuyến đường ống này là “trơ tráo, bất hợp pháp”. “Sáng kiến của các Thượng nghị sĩ Mỹ nhằm theo đuổi lợi ích kinh tế của riêng nước này. Các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ Mỹ là hoàn toàn bất hợp pháp, không có điểm chung với luật pháp quốc tế”-Chủ tịch Hạ viện Nga L.Slutsky nói. 


Bảo vệ quan điểm, lợi ích quốc gia, Thủ tướng Đức A.Markel tuyên bố: “Các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ do Mỹ áp đặt không tương xứng với sự hiểu biết pháp luật của chúng ta. Chúng ta đều cùng suy nghĩ rằng, việc hoàn thành dự án Nord Stream-2 là hoàn toàn đúng và chúng ta hành động theo tinh thần này”. “Chúng tôi bác bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ”-Phát ngôn viên Bộ Kinh tế Đức cho biết. 
Ông J.Borrell, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh cảnh báo: “EU không thừa nhận việc thực thi các đặc quyền ngoại giao cho lệnh trừng phạt của Mỹ, điều mà chúng tôi xem là xâm phạm luật pháp quốc tế”. 


Tính chất lạnh nhạt và căng thẳng đã trở thành đặc trưng trong quan hệ Nga-Mỹ càng được thổi bùng sau “Sự kiện Crimea 2014”, Mỹ và phương Tây cấm Nga. Cùng với cuộc chiến dầu mỏ Mỹ-Nga-Arab Saudi chưa có hồi kết, gần đây, hai cường quốc quân sự Mỹ-Nga đã xóa đi nhiều thỏa thuận về kiểm soát vũ khí, tạo dựng niềm tin như Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Hiệp ước Bầu trời mở (OST), căng thẳng gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New SATRT)…


Vào thời điểm trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thứ 46 diễn ra vào tháng 11 tới, ông D.Trump gặp không ít khó khăn, không chỉ phải chiến thắng ứng cử viên Đảng Dân chủ mà còn là hậu quả của đại dịch Covid-19, nền kinh tế suy giảm, tệ phân biệt chủng tộc. Trong khi Tổng thống V.Putin, dường như thuận lợi hơn khi được 78% số cử tri ủng hộ sửa đổi Hiến pháp Nga, mở đường cho ông cầm quyền thêm 2 nhiệm kỳ, 12 năm tại vị nguyên thủ quốc gia. 


                                    NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ