A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò quan trọng của phụ nữ

 

Đó là lời khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi tiếp các trưởng đoàn dự cuộc họp Mạng lưới lãnh đạo nữ lần thứ 11 (WLN) của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào tháng 9/2006 tại Hà Nội, Chủ tịch nước nêu rõ: "Ở Việt Nam, vai trò của phụ nữ rất quan trọng. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phụ nữ tham gia rất tích cực trong nhiều hoạt động. Trong thời kỳ hòa bình và xây dựng đất nước, phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật.... Vai trò của phụ nữ hoàn toàn xứng đáng với tám chữ vàng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dành tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

 

Có thể thấy hiếm có dân tộc nào, phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong xã hội như ở Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay từ những buổi đầu lập nước, nước Việt đã có cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh quân xâm lược phương Bắc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lịch sử lại ghi nhận hàng vạn tấm gương phụ nữ, các mẹ, các chị đã không ngại gian khổ, lao động hết mình trong nhà máy, trên ruộng đồng, nương rẫy… làm ra của cải vật chất cho xã hội; các mẹ, các chị cũng đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí khi “giặc đến nhà” và động viên, khích lệ con em lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Qua hai cuộc kháng chiến, ngoài những Anh hùng, dũng sĩ được Đảng và nhân dân vinh danh, còn có trên 44.250 bà mẹ được truy tặng, phong tặng Danh hiệu cao quý: Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có chồng, 9 người con và con rể, hai cháu ngoại đều hy sinh anh dũng. Tấm gương hy sinh cao quý của mẹ  đã trở thành Tượng đài kiêu hãnh của người phụ nữ Việt Nam Anh hùng.

 

Khi đất nước sạch bóng quân thù, phụ nữ Việt Nam  lại tiếp tục góp phần trong lao động sản xuất, vượt lên đói nghèo và lạc hậu để dựng xây đất nước. Hơn thế nữa, phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”  đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực  tham gia quản lý Nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tham gia phòng chống tệ nạn xã hội; thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân… Phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội,  khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa.  Hiện nay, ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động. Tuy vẫn phải đảm nhiệm thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, nhưng ngày càng có nhiều chị em phấn đấu không ngừng  trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động, nhà hoạt động xã hội… Việt Nam có tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95% và tiến sĩ 25,96%. Trong các khóa Quốc hội XII; XIII và XIV tỷ lệ đại biểu nữ chiếm trên 27%, đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam đã có nữ Chủ tịch Quốc hội. Đó là đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV. 

 

Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là những căn cứ pháp lý tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ phấn đấu vươn lên, khẳng định vị trí vai trò quan trọng  của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Hữu Văn 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ