A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ukraine: Xa vời giấc mơ hội nhập phương Tây?

 

Hai năm rưỡi sau “sự kiện Maidan” (tháng 3-2014) đưa phái P.Poroshenko lên cầm quyền, giấc mơ hội nhập sâu rộng phương Tây của Chính phủ Kiev vẫn xa vời. Chính quyền Ukraine đang gồng mình chống đỡ suy thoái kinh tế và xung đột khu vực miền Đông Donbass nhưng vẫn không từ bỏ giấc mơ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đáng tiếc, Mỹ và phương Tây chẳng thèm để ý đến sự sốt ruột của Kiev, vẫn cứ đủng đỉnh giữ khoảng cách vừa đủ để trói Chính phủ Kiev kề cận mà không vội vàng quyết định tăng thêm một thành viên mới; thậm chí Chủ tịch EU J.C.Juncker thẳng thắn lên tiếng: “Phải 15-20 năm nữa Ukraine mới hội nhập được với châu Âu”? Có thể, phương Tây không hoàn toàn lạnh lùng với thỉnh cầu của Kiev nhưng NATO, EU phải chịu sức ép từ những tuyên bố cứng rắn của Nga phản đối “NATO Đông tiến” và những rối loạn nội tại của nền kinh tế, chính trị Ukraine gây ra. 

 

 

Sau Maidan 2014, mọi thứ ở Ukraine dường như đã trở nên vô cùng tồi tệ.

 

 

Tháng 10 này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn không chịu giải ngân khoản vay 17,5 tỷ USD theo đề xuất của Ukraine nhằm khôi phục nền kinh tế, ổn định xã hội. Theo đó, IMF nghi ngờ chính sách của Kiev, trong đó có việc trợ giá khí đốt để kích cầu và cải tổ hệ thống lương hưu? Nếu thực hiện theo yêu cầu của IMF thì giá khí đốt mùa Đông này ở Ukraine tăng 15%, gây khó khăn cho chi tiêu gia đình, dễ dẫn đến bất ổn xã hội, trong khi lạm phát và thất nghiệp đang gia tăng.

 

Chính phủ Kiev từ chối việc thành lập Tòa án độc lập chống tham nhũng ở quốc gia này khi cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2019 đang đến gần. IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, chính quyền của Tổng thống P.Poroshenko không thể lấy tiền của các tổ chức thế giới phục vụ cho mưu đồ chính trị của mình? Bộ trưởng Tài chính Ukraine O.Danylyuk thừa nhận: “Lựa chọn đầu tiên dành cho Kiev là phải tuân thủ các yêu cầu của IMF và lựa chọn thứ 2 là chúng tôi phải sống mà không có IMF”.

 

Tuy nhiên, vào năm 2015-2016, Kiev nhận được các khoản vay 16,4 tỷ USD từ phương Tây, trong đó có 8,4 tỷ USD từ IMF, 5 tỷ USD từ WB, 3 tỷ USD từ trái phiếu châu Âu (eurobond) giúp nền kinh tế Ukraine tăng trưởng GDP 2% vào năm 2016. Trái lại, Kiev thực thi chính sách “bài Nga, thân Mỹ”, tẩy chay dòng năng lượng khí đốt giá rẻ truyền thống của Nga, quay sang dòng chảy châu Âu nên phải chịu giá khí đốt đắt đỏ tăng 5,6-7,6% (theo IMF), gây áp lực lên khoản chi ngân sách Nhà nước-Điều mà IMF và WB không mong muốn.


Xung đột ở miền Đông Donbass hơn 2 năm qua đã cướp đi sinh mạng hơn 10.000 người, hàng chục ngàn người khác bị thương và hàng triệu thường dân mất nhà cửa phải đi lánh nạn. Quân đội Chính phủ Ukraine tự nhận mạnh thứ 3 châu Âu, được trang bị vũ khí hiện đại nhưng tinh thần rệu rã, luôn chịu thất bại trước các cuộc phản tấn công của Dân quân Cộng hòa tự xưng Lugansk (LPR) và Donetsk (DPR). Vậy là mọi cố gắng của Kiev, dùng vũ lực tái chiếm vùng Donbass, miền Đông Ukraine chỉ là khẩu hiệu.

 

Theo nhà lãnh đạo LPR Plotnitsky thì LPR và DPR có lực lượng quân đội mạnh thứ 2 châu Âu? Bằng chứng là, kể từ tháng 4-2014, số lượng vũ khí hạng nặng: Xe tăng, xe bọc thép, pháo binh và binh sĩ của hai nước cộng hòa tự xưng LPR, DPR tăng sức mạnh lên gấp 10-15 lần. Các trận đánh lớn ở chiến trường Xlovaiskaya (Nồi hơi 1), Debaltsevo (Nồi hơi 2) và Mariika (Nồi hơi 3) đã trở thành “cối xay thịt”, “nồi hầm” quân đội Chính phủ với số binh sĩ bị vây hãm từ 8.000-10.000 người, kết cục số quân nhân thương vong tương ứng (3 “nồi hơi”) là 1.000-3.500 và 1.500? Chính phủ Kiev đang bị áp lực đè nặng khi phải thực thi Thỏa thuận Minsk-2 do Nhóm bộ tứ Normandy (Nga, Đức, Pháp, Ukraine) cam kết, về giải pháp hòa bình cho vùng miền Đông Donbass.


Tổng thống Ukraine P.Poroshenko kêu gọi Mỹ và phương Tây hậu thuẫn, viện trợ ngân sách và vũ khí để chống lại sự “xâm lược” của Nga, hòng đòi lại vùng lãnh thổ Crimea? Sau hơn 2 năm trở lại “đất mẹ” Nga, bán đảo Crimea và thành phố Stavropol đã nhanh chóng hồi sinh, hội nhập sâu rộng vào không gian Nga và thế giới. Tổng thống Nga V.Putin ban hành nhiều quyết sách đầu tư hàng chục tỷ USD cho bán đảo này như xây dựng cây cầu vượt biển, hệ thống điện lưới, cảng biển, trung tâm thương mại.

 

Crimea không phụ thuộc vào hệ thống cung cấp hàng hóa, dịch vụ, đời sống từ Ukraine. Đã có hơn 100 phái đoàn nước ngoài và các nhân vật chính trị nổi tiếng đến thăm, tìm hiểu tình hình Crimea. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Azerbaijan ký hợp tác thương mại, hàng không, khách sạn, nghỉ dưỡng, xuất khẩu ngũ cốc và nông sản với Crimea. 

 

Để đối phó với quân đội Ukraine và ngăn ngừa “NATO hướng Đông”, Nga tập trung xây dựng Hạm đội Biển Đen hùng mạnh, đóng tại Crimea. Tháng trước, Nga tổ chức tập trận quy mô lớn, Hạm đội Biển Đen đưa lính thủy đánh bộ cùng xe tăng, xe thiết giáp đổ bộ “đánh chiếm” bán đảo Crimea, có sự hỗ trợ của tàu chiến và tàu ngầm Kilo 636.3. Hàng chục chiến đấu cơ hiện đại, trực thăng chiến đấu, hệ thống phòng không S-400 và các thiết bị quân sự được điều động đến Crimea. Cuộc tập trận hải-lục-không quân Nga đã gây sóng dư luận, Kiev lu loa “Moskva âm mưu xâm lược Ukraine” khiến Mỹ, NATO thêm phần lo lắng? 


Chính quyền Kiev đã để vuột mất khỏi tay 15 tỷ USD do Nga cam kết cho vay khi mới giải ngân 3 tỷ USD dưới thời Tổng thống V.Yanukovych. Quan hệ Moskva-Kiev bị gián đoạn, kéo theo sự sụp đổ của hàng trăm các tập đoàn kinh tế, công nghiệp quốc phòng từ thời Liên Xô mà Kiev được thừa hưởng trong đó có Tập đoàn Hàng không Antonov lừng danh. Trước đó, Tập đoàn này đã sản xuất hàng loạt phiên bản máy bay uy tín như An-32, An-70, An-74, An-124, An-148, An-158. Riêng An-225 là máy bay lớn nhất thế giới, có 6 động cơ phản lực, sức chở gần 200 tấn, chỉ chế tạo 1 chiếc vào thời Liên Xô năm 1988 để cõng tàu vũ trụ.

 

Ngoài ra, một số tập đoàn công nghiệp quốc phòng, viện nghiên cứu kỹ thuật quân sự hàng đầu của Liên Xô, có 1/3 là các doanh nghiệp, cơ sở thiết kế ngành tên lửa và hàng không Xô Viết về tay Kiev nhưng không phát huy hiệu quả. Phần vì thiếu kinh phí, phần vì không đồng bộ trong nghiên cứu và ứng dụng, hàng loạt xí nghiệp công nghiệp quốc phòng của Ukraine phá sản, Kiev chỉ còn biết bán chất xám, kỹ thuật công nghệ cho Trung Quốc, Mỹ và các nước. 


Hiện, không chỉ đa số người dân mà số đông các nhà chính trị cấp tiến Ukraine đang mơ về một thời hợp tác hào hiệp của Nga ưu ái dành cho Kiev? 


Nhật Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ