A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga “gặt hái” thành công ở Trung Đông, Bắc Phi?

 

Khu vực Trung Đông, Bắc Phi kéo dài bất ổn do nội chiến và khủng bố. Xung đột bùng phát dữ dội ở nhiều quốc gia sau chiến dịch chống khủng bố được Mỹ phát động từ năm 2001, đó là tìm diệt trùm khủng bố quốc tế O.bin Laden ở Iraq, chống quân Taliban ở Afghanistan, lật đổ “chế độ độc tài” M.Gadadfi ở Libya, tấn công quân sự Syria-nước tàng trữ “kho vũ khí hóa học giết người hàng loạt”, hậu thuẫn các phe phái gây xung đột ở Yemen, Ai Cập và vùng Vịnh. Ở bất kỳ quốc gia nào xảy ra xung đột cũng có dấu tay can thiệp của Mỹ-“cảnh sát toàn cầu”? Nhưng Mỹ không phải lúc nào cũng thành công. Hiện, Nga mới là nước “gặt hái” được nhiều thành công nhất ở khu vực này-Giới chính trị phương Tây nhận xét! 

 

 

Nga điều nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại đến Syria chống khủng bố.                    
                                                      Ảnh: Internet

 

Xung đột ở Syria (từ tháng 3-2011) kéo dài hơn 6 năm làm gần 400.000 người thiệt mạng, hàng chục ngàn thị trấn, làng mạc bị tàn phá; 85% số dân thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, chăm sóc y tế; 1/2 số người lao động không có việc làm. Từ nội chiến giành quyền lực giữa các phe phái, Mỹ hậu thuẫn phe nổi dậy hòng lật đổ Chính phủ hợp hiến của Tổng thống B.al-Assad (thân Nga). Tổng thống Mỹ B.Obama ra lệnh tấn công quân sự Syria, nơi tàng trữ “kho vũ khí hóa học giết người hàng loạt”. Ngòi nổ chiến tranh được tháo vào phút chót, do sáng kiến của Tổng thống Nga V.Putin “đưa toàn bộ số vũ khí hóa học đi tiêu hủy” dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. 

 

Tháng 9-2015, Nga đưa Lực lượng Không quân vũ trụ (VKS) với số lượng khiêm tốn đến Syria chống khủng bố, bảo vệ Tổng thống B.al-Assad theo lời mời gọi của Chính phủ Syria. Sau 2 năm tham chiến ở Syria, người Nga đã thành công. Từ chỗ quân Chính phủ bị mất hơn 70% lãnh thổ, mất 2/3 số dân, thủ đô Damass bị bao vây; Nga và liên quân huẫn thuẫn Quân đội Syria (SAA) giành lại dân, quản lý lại hơn 90% lãnh thổ, SAA đang trên thế thắng, dồn phiến quân IS và phe nổi dậy vào thế bị tiêu diệt, bảo vệ vững chắc Nhà nước Hồi giáo Arab Syria do ông B.al-Assad làm Tổng thống. Thắng lợi trên chiến trường Syria của Nga được đánh giá là ngoạn mục, đã lật ngược thế cờ, làm chính người Mỹ phải bàng hoàng. Nga đã giành chiến thắng khá trọn vẹn về chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao. Hiện, người dân Syria đang hy vọng một ngày gần đây, đất nước hòa bình, chung tay xây dựng lại Tổ quốc? 


Trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, Nga đã khéo léo vận dụng liên minh Nga-Syria-Iran-Hezbollah; Nga-Thổ Nhĩ Kỳ để cùng một lúc chống 2 kẻ thù: Hồi giáo IS và phe nổi dậy; đồng thời đối chọi với liên quân 60 nước phương Tây, vùng Vịnh do Mỹ cầm đầu, lấy danh nghĩa chống khủng bố, can thiệp vào Syria, Iraq. Nhờ có lực lượng Vệ binh Iran, các chiến binh Hezbollah- Liban và binh sĩ SAA, chiến trường mặt đất được giải quyết dứt điểm theo từng chiến dịch. Nếu chỉ dựa vào không quân, tên lửa và tình báo Nga thì hẳn Moskva sẽ lặp lại sai lầm mà Mỹ và liên quân đang gặp phải ở Trung Đông? 


Mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế, quốc phòng Nga-Iran tạo lợi thế chính trị cho hai nước-đối thủ với Mỹ trên bàn cờ quốc tế. Mỹ và Iran là đối thủ truyền thống, nhiều năm căng thẳng về chương trình tên lửa, hạt nhân của Tehran. Nga ủng hộ Iran hỗ trợ quân Houthi tấn công, chiếm 1/2 lãnh thổ Yemen, chống lại chính phủ đương thời Yemen được Mỹ, Arab Saudi và vùng Vịnh hậu thuẫn.


Nga bắt tay chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, sau vụ máy bay Thổ “bắn lén” Su-24 Nga trên biên giới Syria. Hai nước trở lại quan hệ bình thường, có lợi cho Thổ trong việc phát triển kinh tế, ngăn cản người Kurd thành lập Nhà nước tự trị nhưng Nga lại gạt bớt đi một địch thủ là đồng minh của Mỹ, thành viên NATO, chung tay chống khủng bố IS, giờ bỗng dưng lánh xa Mỹ, gần gũi Nga.


Libya hỗn loạn sau khi Tổng thống M.Gadadfi bị lật đổ (11-2011). Libya chia làm 2 phe: Chính phủ do Thủ tướng F.al-Serraj cầm đầu đóng ở Tripoli (GNA) kiểm soát khu vực miền Tây được Mỹ hậu thuẫn đang yếu thế; trong khi Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Kh.Haftar (thân Nga) được Hạ viện Libya ủng hộ đang kiểm soát miền Đông, cùng tuyên bố chống nhóm chiến binh Hồi giáo Ansar al-Sharia, Al-Qaeda. Mấy năm qua, Libya tồn tại 2 quốc hội, 3 chính phủ đối lập nhau. Có Liên hợp quốc làm trung gian hòa giải nhưng Libya không thành lập được Chính phủ liên hợp theo mong muốn của phương Tây. Hiện, Quân đội LNA của Tướng Th.Haftar đang nắm giữ nhiều vị trí chiến lược quan trọng cùng tài nguyên và dầu mỏ dồi dào, sẽ quyết định sứ mạng ở đất nước Bắc Phi này. Sau 2 căn cứ quân sự: Tartus và Hmeymim (Syria), Nga sẽ xây dựng căn cứ quân sự khổng lồ ở Libya? 


Nga sớm hợp tác với Tổng thống Ai Cập A.Sisi ngay sau khi Mỹ tẩy chay cuộc đảo chính quân sự. Không những Ai Cập mua tàu sân bay trực thăng Pháp sau khi từ chối bán cho Nga theo lệnh cấm vận của Mỹ mà Nga cho Ai Cập vay tiền, đồng thời trang bị vũ khí, trực thăng cho con tàu của Cairo trị giá hàng tỷ USD.


Tuần qua, Quốc vương Arab Saudi Salman thăm Nga (4-6/10), hội đàm với Tổng thống V.Putin, ký 14 văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp định hợp tác về năng lượng hạt nhân, nghiên cứu vũ trụ, năng lượng, quốc phòng, 25 dự án kinh tế, riêng mua hệ thống phòng không S-400 trị giá 3 tỷ USD. Đây là chuyến thăm lịch sử của Quốc vương Salman, thúc đẩy quan hệ thân mật giữa hai nước, mặc dù Arab Saudi là đồng minh thân cận của Mỹ, “thủ lĩnh” khu vực vùng Vịnh và Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ-OPEC. Quốc vương Salman muốn lợi dụng uy tín quốc tế của Nga để trấn an nội trị, kiềm chế đối thủ Iran và quân nổi dậy ở Yemen?

 

Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh đang có nguy cơ chia rẽ sau khi một số quốc gia cắt quan hệ ngoại giao, cấm vận Qatar, Iran, Thổ nhanh chân nhảy vào giúp Qatar cả về an ninh và kinh tế, thương mại. Nga là đối tác tin cậy cùng Kuwait, Arab Saudi tháo ngòi nổ căng thẳng khu vực này. 


Nước Mỹ chịu gánh nặng mất 1.000 tỷ USD và tính mạng gần 10.000 binh sĩ (Mỹ, Anh, Canada) trong 16 năm tham chiến ở Afghanistan (từ 2001) mà chưa có hồi kết. Mỹ lại mất luôn đồng minh Pakistan sau sự kiện đột kích tiêu diệt O.bin Laden. Tổng thống Mỹ D.Trump vừa điều thêm quân đến quốc gia này, trong khi Tổng thống Ghani cho rằng, Mỹ chỉ nên đóng đô ở Kabul thêm 3-4 năm nữa thôi! Ngoài ra, Mỹ cũng đang chịu thất bại ở Syria, mất dần lòng tin của đồng minh khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và Bắc Phi, bởi quan điểm thiếu nhất quán trong chính sách toàn cầu của Washington.


    Minh Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ