A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng

 

QPTĐ-Luật An ninh mạng đã được Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đang khẩn trương xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành để Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống. Nhưng với những mục đích khác nhau, một số tổ chức, cá nhân đang có những hành vi tuyên truyền, chống phá Luật An ninh mạng một cách quyết liệt. 

 

 

Công tác bảo đảm an ninh mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm.


Trước hết, đó là lợi ích từ một số doanh nghiệp bị tác động. Xuất phát từ lợi ích kinh doanh, không muốn chịu sự quản lý của pháp luật nước sở tại, không muốn đóng thuế và chịu các nghĩa vụ liên quan. Tiếp đến là một số tổ chức, cá nhân có động cơ chống phá, thù địch với Đảng và Nhà nước như:  Tổ chức Freedom House , tổ chức theo dõi nhân quyền-HRW.... Đặc biệt là các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị càng ráo riết chống phá, xuyên tạc Luật An ninh mạng. Trên internet và các trang mạng xã hội, chúng đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc như: “Luật An ninh mạng-Vòi bạch tuộc xiết chặt dần”, “Luật An ninh mạng-Không ai có thể ngoại trừ”, “Luật An ninh mạng-Tiếng chuông bắt đầu”... Chúng cho rằng, đây là “sự thoái trào” của internet Việt Nam, “một bước lùi thảm hại” của truyền thông mạng Việt Nam hay mạng xã hội Việt Nam đang lâm nguy...

 

Có thể thấy rõ, đây là những kẻ có hành vi phạm pháp, lợi dụng không gian mạng để chống phá đất nước, đã bị cơ quan chức năng xử lý dưới các hình thức. Số này lâu nay sử dụng mạng internet viết bài tuyên truyền phỉ báng, chống đối, nhân danh chiêu bài “xã hội dân sự”, “dân chủ nhân quyền”... để lập hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích dễ gây ấn tượng với nhu cầu, thị hiếu của từng tầng lớp, thành phần xã hội nhất định như “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”... Một số khác viết theo trào lưu, ca thán trên Facebook, mạng xã hội vì bị tác động bởi những luồng thông tin sai trái, độc hại...


Hiện nay, công tác bảo đảm an ninh mạng trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật, dưới luật về an ninh mạng. Đối với Việt Nam, vấn đề an ninh mạng đang là một thách thức lớn. Thực tế thời gian qua, không gian mạng đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để thực hiện âm mưu tiến hành “Cách mạng màu”, “Cách mạng đường phố”, “Diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta.

 

Tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Khủng bố mạng nổi lên như một thách thức đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hóa, xã hội.


Vì vậy, Quốc hội, Nhà nước ban hành Luật An ninh mạng là yêu cầu cấp thiết, khách quan  nhằm phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh.

 

Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng, hoàn thiện chính sách nghiên cứu, phát triển chiến lược, chia sẻ thông tin về an ninh mạng. Mở rộng hợp tác quốc tế về an ninh mạng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà nước ta tham gia ký kết.


Vấn đề hiện nay là Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và đồng thuận sớm đưa Luật An ninh mạng vào cuộc sống.


Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ