A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày gia đình Việt Nam

 

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã  ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.

 

Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc. Tôn ty, trật tự, nền nếp gia phong trong gia đình làm nền tảng cho ý thức tôn trọng pháp luật, kính trên, nhường dưới cho con người kể từ khi còn thơ bé. Con người sẽ chẳng thể lớn lên, chẳng thể trưởng thành nếu không có cái nôi gia đình nâng đỡ, yêu thương. Năm tháng tuổi thơ sẽ chất đầy nhung nhớ, khi con người được yêu thương, biết yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị, bạn bè...biết yêu dòng sông, cánh đồng, hạt lúa, nhành hoa... Kỷ niệm tuổi thơ, những xúc cảm non nớt, sơ khai sẽ dần hình thành và phát triển đạt đến  sự chuẩn mực văn hóa.  Đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Những giá trị văn hóa quý báu đó đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

 

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

 

Tuy nhiên, với nhịp sống gấp gáp, bề bộn của xã hội hiện đại đã khiến gia đình Việt đứng trước nhiều thử thách. Các thành viên trong gia đình dần thiếu đi sự quan tâm lẫn nhau, dẫn đến nhiều mâu thuẫn.  Nhiều bậc cha mẹ đến tuổi già yếu không nơi nương tựa, trẻ em thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ… Con người bị cuốn vào vòng xoáy thực dụng,  say sưa kiếm thật nhiều tiền mà quên mất trách nhiệm của mình đối với gia đình. Việc giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ và  chăm sóc lẫn nhau bị đặt xuống dưới nhu cầu kinh tế…

 

Hậu quả là đã có không ít những giọt nước mắt già nua của ông, của bà xót xa vì gia cảnh tan nát, chia nghé, sẻ đàn của con, của cháu và cũng có không ít những ông bố, bà mẹ bàng hoàng trước phiên tòa, bởi đứa con của họ đã phạm tội tày trời, khi mới ở tuổi vị thành niên...rồi cũng có không ít những kẻ hôm qua còn xông xênh, sống trong nhung lụa nay bỗng trở thành kẻ tội đồ vì tham ô, tham nhũng; không ít kẻ phải hầu tòa vì tội buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, tổ chức mại dâm, sòng bạc... Những hiện tượng này, theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì đó là sự lệch chuẩn. Con người đã không làm chủ, không điều chỉnh được hành vi sẽ bị trượt vào các rãnh sâu tội lỗi. Điều đó giải thích vì sao, có kẻ đứng trước vành móng ngựa, khi nghe bản án nghiêm khắc của tòa, mới “tỉnh” ra vì tội lỗi ...

 

Gia đình, nhà trường và xã hội là môi trường để đào tạo con người hiện nay, trong đó gia đình có sứ mạng lớn nhất để hình thành lên nhân cách con người, nhưng gia đình lại cũng dễ bị tổn thương nhất. Xây dựng một gia đình bền vững trước một môi trường xã hội đầy thách thức hiện nay là một kỳ công, nhưng trong thực tế đã có rất nhiều mô hình gia đình thành đạt được tôn vinh và cũng đã có rất nhiều gia đình bình dị mà cuộc sống êm ấm, hạnh phúc, con cháu thảo hiền. Gốc gác của vấn đề chính là văn hóa truyền thống- truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước. Con người Việt Nam dù ở đâu, làm gì cũng phải luôn nhớ về nguồn cội, biết ơn nguồn cội của mình. “Con người có tổ, có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn” và  để xây dựng một gia đình tốt,  trách nhiệm thuộc về mỗi người, bởi con người sẽ làm chủ gia đình, làm chủ xã hội và làm chủ chính bản thân mình.

 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ