A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao kiến thức, kỹ năng giảng dạy chính trị

 

QPTĐ-“Cái "được” qua Hội thi không chỉ là kết quả, mà quan trọng hơn là qua đó, chúng tôi được củng cố kiến thức, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực, kỹ năng, phương pháp giảng dạy chính trị nói riêng, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị nói chung, góp phần hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao". Đó là chia sẻ  của Đại úy Lương Thái Dũng, Chính trị viên Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn Trinh sát 20, người vừa được giải Nhì Hội thi cán bộ giảng dạy Chính trị năm 2018, Cụm thi đua số 7, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

 

 

Trao giải cho các thí sinh đạt giải cao trong Hội thi.

 

Đến với Hội thi có 20 thí sinh là Chính trị viên, Chính trị viên phó Tiểu đoàn, Chính trị viên Đại đội, Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội, từ 6 Tiểu đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Về nội dung, mỗi thí sinh trải qua 3 phần thi gồm: Soạn đề cương giáo án lên lớp; thực hành giảng bài; thi kiến thức, nghiệp vụ. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo cùng với những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy, các thí sinh đều hoàn thành tốt phần thi của mình. Ban giám khảo làm việc công tâm, khách quan, chấm điểm chính xác, đánh giá đúng năng lực, trình độ của từng thí sinh.


Theo nhận xét của Thượng tá Nguyễn Văn Hữu, Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, thành viên Ban giám khảo Hội thi: Các thí sinh có sự đầu tư về nội dung, sưu tầm nhiều tư liệu, hình ảnh chuẩn bị đề cương bài giảng; biết khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đề cương trình chiếu công phu, lô-gíc, khoa học, bố cục chặt chẽ, đúng quy định.

 

Đặc biệt là phần thi thực hành, trên cơ sở bài giảng đã được chuẩn bị, thí sinh giảng trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút (trình bày từ 1-2 nội dung, do Ban giám khảo yêu cầu); đa số nắm chắc nội dung, phương pháp diễn đạt phù hợp đối tượng, biết nêu câu hỏi, gợi mở vấn đề, gắn kết với những vấn đề liên quan đến công tác nắm, giải quyết tình hình tư tưởng ở đơn vị.

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thí sinh vẫn còn mắc phải một số hạn chế như: Chưa vận dụng tốt kỹ năng của cán bộ giảng dạy, nội dung đôi khi dàn trải, nêu vấn đề chưa khoa học và thu hút người nghe; có giáo án việc phê duyệt chưa đầy đủ, nội dung giáo án sơ sài, sai chính tả; có thí sinh sử dụng phương tiện trình chiếu còn lúng túng, ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng…


Đại úy Trần Văn Hùng, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 18 chia sẻ:  “Hội thi tiến hành ngay sau thời điểm tháng đầu ra quân huấn luyện, công việc nhiều nhưng tôi đã chủ động khắc phục khó khăn, sắp xếp công việc hợp lý, tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ để ôn luyện, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt”. Còn Đại úy Lê Ngọc Quân, Chính trị viên Tiểu đoàn KSQS 103, đơn vị Cụm trưởng cho biết: “Cũng từ Hội thi này chúng tôi rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền miệng, đó là muốn có một bài giảng tốt thì phải có một giáo án tốt.

 

Muốn có một giáo án tốt thì phải đầu tư nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, số liệu và soạn thảo công phu. Sau khi có giáo án cần phải nghiên cứu, nghiền ngẫm nắm chắc giáo án, đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ luyện tập nhuần nhuyễn; phải chú tâm trong tìm tòi, sáng tạo cách giảng giải, diễn đạt có tính thuyết phục, thực tiễn cao, thu hút người học. Khi lên lớp phải làm chủ và thoát ly giáo án mới hy vọng bài giảng có kết quả tốt”.


Khép lại Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất; 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích cho các thí sinh. Trên cơ sở kết quả Hội thi, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thành viên trong Cụm nắm được thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị để có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức toàn diện và năng lực giảng dạy chính trị của đơn vị trong giai đoạn mới. 


Phúc Nguyên

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ