A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mối đe dọa an ninh hạt nhân toàn cầu

 

 

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân thế giới tổ chức lần thứ 4 tại Thủ đô  Washington-Mỹ (ngày 31-3 và 1-4) thu hút các vị nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo Chính phủ 52 nước, là kỳ vọng của Tổng thống nước chủ nhà B.Obama ở năm cuối nhiệm kỳ. Kế tiếp cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống G.W.Bush phát động sau vụ “nước Mỹ bị tấn công 11-9-2001”, ông B.Obama phải đối mặt giải quyết cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan; phiến quân Al-Qaeda, Hồi giáo IS ở Iraq, Syria; phiến quân Boko Haram ở Nigeria. Mấy năm nay, mạng lưới khủng bố du nhập sang cả Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nga, Bỉ, Australia, đe dọa châu Phi, châu Á… Lục địa già-châu Âu bất ổn trước các vụ khủng bố dã man và nạn người Hồi giáo di cư ồ ạt. Không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới lo ngại phiến quân có thể ăn cắp công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân (VKHN), sử dụng vũ khí hóa học, vũ khí sinh học.

 

 

Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân nhóm họp theo sáng kiến triệu tập của Tổng thống Mỹ B.Obama nhằm ngăn chặn âm mưu của quân khủng bố sản xuất, sử dụng VKHN và tăng cường thiết chế quản lý, giám sát quốc tế với các quốc gia làm giàu uraniun, tái chế plutoni, sản xuất năng lượng hạt nhân, nghiêm cấm sản xuất, phát triển VKHN!? Thế giới bất ngờ khi Nga không tham dự Hội nghị này, mặc dù Nhà Trắng và Điện Kremlin đều tuyên bố, tăng cường hợp tác chống khủng bố và không phổ biến VKHN! Cộng hòa Hồi giáo Iran, Triều Tiên cũng tẩy chay Hội nghị.

 

Bên lề Hội nghị quốc tế, đã diễn ra các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương giữa Tổng thống Mỹ và nguyên thủ các nước. Tổng thống Mỹ B.Obama gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bàn về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, an ninh hàng hải trên biển Đông. Hội nghị đa phương giữa Tổng thống Mỹ  B.Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe thỏa thuận siết chặt cấm vận, áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ phát triển chương trình hạt nhân. Tổng thống Mỹ hội đàm với Tổng thống Thổ T.Erdogan, Thủ tướng Ấn Độ N.Modi về lợi ích hai quốc gia và tháo gỡ mâu thuẫn, xung đột khu vực.

 

Tổng thống Thổ đã có những động thái xuống thang, kêu gọi hợp tác chiến lược với Nga và xem ra đang ve vãn đồng minh Mỹ, trước những khó khăn về kinh tế và chia rẽ tôn giáo nội tại.  Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham luận tại Hội nghị, trao đổi với Tổng thống B.Obama và người đồng cấp ngoại giao Mỹ J.Kerry; gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu Mỹ: Boeing, ACDL. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp gỡ, trao đổi với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon; Tổng thống, Thủ tướng một số nước về quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế và đầu tư.

 

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI- Thụy Điển), thời điểm tháng 1-2015, thế giới đã giảm từ hơn 20.000 xuống còn 15.850 đầu đạn hạt nhân (DĐHN), nằm ở các quốc gia: Nga, Mỹ, Anh, Pháp, TQ, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên. Riêng Nga, Mỹ có hơn 7.000 ĐĐHN/ mỗi nước, chiếm 90% số VKHN thế giới. Theo tài liệu trao đổi Nga, Mỹ thông lệ 2 năm/lần (ngày 1-9-2014) thì Nga sở hữu 1.643 ĐĐHN, Mỹ sở hữu 1.642 ĐĐHN trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu! Nhằm ngăn chặn thảm họa hạt nhân, năm 1970, Hiệp ước cấm phổ biến VKHN ra đời được 190 nước và vùng lãnh thổ ký kết. Năm 1996, LHQ công bố Hiệp ước cấm thử VKHN nhưng nhiều nước không tuân thủ trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên. Mỹ đang chiếm ưu thế tận dụng cơ cấu của Hiệp hội Hạt nhân thế giới tương đồng với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Thực chất, Hội nghị An ninh hạt nhân thế giới chỉ là sự đối thoại giữa 2 nước Nga, Mỹ!

 

Hiện, các quốc gia được cho là sở hữu VKHN gần như không chịu sự kiểm soát phát triển chương trình hạt nhân của LHQ nên mặc nhiên phát triển tên lửa đạn đạo. Nhiều quốc gia mới nổi (Iran, Triều Tiên) phản ứng việc Mỹ lấy danh nghĩa LHQ, buộc các nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân, kể cả tên lửa đẩy vệ tinh vũ trụ nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình.

 

Mỹ là nước gây chấn động thế giới khi thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên ngày 16-7-1945 ở bang New Mexico. Sau đó, Mỹ đã thả 2 quả bom nguyên tử Little Boy xuống Hirosima (6-8-1945) và quả bom Fat Man xuống Nagasaki (9-8-1945) làm 300 ngàn người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người khác chết dần, chết mòn vì phóng xạ. Mỹ đã lên kế hoạch ném tiếp 13 quả bom nguyên tử xuống các thành phố của Nhật nếu Nhật hoàng không chịu đầu hàng.

 

Nhật Bản cũng là quốc gia duy nhất chịu thảm họa nguyên tử trong Thế chiến II. Trớ trêu thay, chiến hạm USS Indianapolis chở 2 quả bom nguyên tử này trên đường về đảo Tinia vùng biển Philippines rơi vào ổ phục kích của tầu ngầm Nhật làm hơn 900 binh sĩ thiệt mạng. Kìm chế các nước phát triển hạt nhân nhưng Mỹ đầu tư đến 1.000 tỷ USD trong 30 năm tới cho bộ 3 vũ khí tấn công chiến lược gồm tên lửa trang bị cho tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tên lửa mặt đất; đồng thời vừa chi 1,5 tỷ USD mua sắm VKHN; chi 28,8 tỷ USD hiện đại hóa 180 quả bom nguyên tử triển khai ở châu Âu.

 

Liên Xô bàng hoàng trước thành tựu hạt nhân của Mỹ, và đến năm 1949, Liên Xô thử thành công bom hạt nhân làm người Mỹ bất ngờ. Ngay sau đó, phái diều hâu Mỹ đã lên kế hoạch mang tên Trojan dự định ném bom nguyên tử xuống 70 thành phố của Liên Xô?! Việc Nga không tham gia hội nghị lần này ở Washington cảnh báo mối quan hệ Nga- Mỹ về an ninh hạt nhân toàn cầu đã có thay đổi về căn bản.

 

Mỹ vẫn được xem là cường quốc hạt nhân chiến lược, có công nghệ vũ khí tối tân hàng đầu thế giới nhưng sau sự kiện Nga tham chiến ở Syria vừa qua, quan điểm này đã được các nước phương Tây và Mỹ nhìn nhận lại: Nga không hề thua kém Mỹ về công nghệ vũ khí, thậm chí khả năng chỉ huy tác chiến và phản ứng linh hoạt đã vượt trội so với NATO. Giới phân tích chính trị cho rằng, ngoài tầu ngầm, tên lửa tầm xa vượt châu lục thì 2 loại máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1 Mỹ và Tu-160 Nga như biểu trưng sức mạnh tấn công hạt nhân tầm xa của 2 nước.

 

Số lượng đầu đạn  hạt nhân thế giới phải kể đến Nga: 7.500, Mỹ: 7.260, Pháp: 300, TQ: 260, Anh: 215, Pakistan: 100-120, Ấn Độ: 90-100, Israel: 80, Triều Tiên: 6-8. Một ĐĐHN loại SS-18 của Nga có sức công phá gấp 1.000 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật năm 1945 cho thấy sự tàn phá ghê gớm đến mức nào. Gần đây, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) là sự lo ngại của cộng đồng quốc tế về chạy đua sản xuất VKHN.

 

Sau các vụ khủng bố ở Paris, Brussels và thực tế quân khủng bố đã sử dụng vũ khí hóa học, thế giới lo ngại các phần tử cực đoan sở hữu VKHN, bom A, bom H, qua con đường buôn lậu, đánh cắp. An ninh toàn cầu đứng trước mối đe dọa bởi rất khó quản lý phát triển kho VKHN.

 

Hà Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ