A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong bầu cử

 

QPTĐ- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức vào ngày 22/5/2016  là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng nhằm lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, trách nhiệm, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

 

 

Bầu cử là quyền của công dân.

 

Để thực hiện tốt cuộc bầu cử lần này, cần nghiên cứu, quán triệt, nắm vững quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong bầu cử. Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ.

 

Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc”. Đúng một tuần ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 14 (ngày 8-9-1945) về việc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Sắc lệnh nêu rõ: Nhân dân Việt Nam do Quốc dân Đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ cộng hòa. Trong tình thế hiện giờ, sự triệu tập Quốc dân Đại hội là rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập chống ngoại xâm.

 

Để bầu cử thành công và phát huy dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng công tác tuyên truyền bầu cử. Trước ngày bầu cử (6/1/1946), Người đã viết rất nhiều bài báo, đăng trên báo Cứu quốc (6/1/1946) và một số báo khác nhằm tuyên truyền động viên nhân dân đi bỏ phiếu, thực hiện quyền làm chủ. Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên vào ngày 6-1-1946 diễn ra trong điều kiện cực kỳ khó khăn nhưng cuối cùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự tin tưởng tuyệt đối và quyết tâm cao của toàn dân ta, nên đã thành công tốt đẹp. Quốc hội đầu tiên ra đời, đánh dấu bước phát triển mới về thể chế chính trị của nước Việt Nam độc lập.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương… Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định”. Quan điểm “Quốc hội quyết định những công việc quan trọng nhất của Nhà nước” còn được thể hiện qua các chế định của Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tuyên truyền về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Người đã nêu các đặc điểm cần và đủ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà và những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: “vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng”.

 

Người từng nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào. Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”.

 

Cùng với cuộc vận động Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng xây dựng chính quyền làng xã và bầu cử các đại biểu của nhân dân vào HĐND các cấp ở địa phương. Ngày 25-5-1950, Người ký Sắc lệnh số 80 về việc bầu cử HĐND các cấp tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt, Người luôn nhắc nhở: “Chính phủ là công bộc của dân và công việc của Chính phủ đều nhằm vào mục đích duy nhất là mưu cầu hạnh phúc, tự do cho mọi người, cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy. Để xứng đáng là những người đại biểu của dân, là công bộc của dân, các cán bộ phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực cách mạng của mình”.

 

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đảng ta xác định: “Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, bảo đảm cơ cấu và tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng đại biểu, tăng số lượng đại biểu chuyên trách một cách hợp lý”.

 

Chính vì vậy cần quán triệt sâu sắc những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ trong bầu cử. Để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm tính dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, các cấp, các ngành, địa phương triển khai đầy đủ, đúng quy định các nội dung, công việc phục vụ cho ngày bầu cử. Đồng thời phải phát huy từ sức mạnh lòng dân, để mỗi đồng bào làm tròn nghĩa vụ công dân, đi bầu đông đủ và cân nhắc, lựa chọn những người có đủ đức, tài xứng đáng được bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Công tác nhân sự phải được thực hiện trên nguyên tắc, dân chủ và lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

 

Phải là người thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe, tôn trọng ý kiến và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm. Chủ động đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động có âm mưu và hành động lợi dụng dân chủ trong bầu cử để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết đoàn dân tộc, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Xây dựng kế hoạch, chủ động các phương án đối phó với những tình huống gây mất an ninh chính trị có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

 

Với ý nghĩa to lớn, việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, cũng là hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp 2013 và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ của Người trong bầu cử. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

 Văn Tuệ-Trọng Nam

(Học  viện  Chính trị, Bộ Quốc phòng)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ