A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Phú Xuyên: Tích cực đổi mới công tác giáo dục quốc phòng và an ninh

 

Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QP-AN) của huyện Phú Xuyên trong những năm gần đây đã có nhiều đổi mới và có những chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phóng viên Báo Quốc phòng Thủ đô có dịp trao đổi với Thượng tá Bạch Quốc Sử, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN huyện Phú Xuyên.

 

 

Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các chức sắc, chức việc tôn giáo.

 

PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong công tác giáo dục QP-AN của huyện Phú Xuyên trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2016 đến nay?

 Thượng tá Bạch Quốc Sử: Trong thời gian qua, công tác giáo dục QP-AN được Huyện uỷ, UBND huyện Phú Xuyên thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp thường xuyên được kiện toàn, duy trì hoạt động có nền nếp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ, từ đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục QP-AN.

Thực hiện tốt phổ biến kiến thức quốc phòng cho toàn dân, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng và công tác giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Năm 2015 đã bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho trên 7.500 lượt người ở các đối tượng; từ đầu năm 2016 đến nay, Hội đồng giáo dục QP-AN huyện đã tổ chức được gần 70 lớp cho hơn 8.000 lượt người tham gia.

 

PV: Để có được những kết quả trên Hội đồng Giáo dục QP-AN huyện đã có những chủ trương, biện pháp gì?

  Thượng tá Bạch Quốc Sử: Trước tiên chúng tôi luôn coi trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền giáo dục về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; chỉ đạo Đài truyền thanh huyện, hàng tuần phát chuyên mục QP-AN, tập trung đưa tin, bài về các hoạt động của lực lượng vũ trang huyện, tuyên truyền về quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh ở địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên…Lồng ghép tuyên truyền, giáo dục trực quan bằng các pa nô, khẩu hiệu, áp phích nhân các dịp lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước và thành phố Hà Nội...

Phát huy vai trò các tổ chức Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị nhằm giáo dục, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân cho đông đảo hội viên. Bên cạnh đó, chúng tôi làm tốt công tác tham mưu tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng như: Xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, chương trình, bảo đảm cơ sở vật chất, mời giáo viên có giảng dạy phù hợp với nội dung và đối tượng.

Mỗi đối tượng giáo dục có phương pháp và cách thức tổ chức khác nhau sao cho hiệu quả đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, đặc biệt là các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo ở 124 chùa, 31 nhà thờ của 10 giáo xứ và đối tượng là học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện.

 

PV: Xin đồng chí cho biết một số kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo?

 Thượng tá Bạch Quốc Sử:  Các vị chức sắc, chức việc tôn giáo có vai trò quan trọng và uy tín cao trong đời sống tinh thần của giáo dân, tăng ni, phật tử. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, huyện Phú Xuyên luôn quan tâm tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo, từ thực tiễn chúng tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm đó là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, Ban chỉ đạo công tác Tôn giáo Huyện ủy trong vận động, tuyên truyền vai trò quan trọng của xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Đồng thời, Ban chỉ huy quân sự huyện chủ động phối hợp với Ban Tôn giáo và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tiến hành khảo sát để nắm chắc thực trạng, số lượng, hoàn cảnh gia đình, sức khoẻ, cương vị đảm nhiệm của các chức sắc, chức việc tôn giáo, tham mưu với Hội đồng giáo dục QP-AN ra quyết định triệu tập.

Phối hợp xây dựng nội dung, chương trình phù hợp tập trung vào các chuyên đề: tình hình tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; phòng chống chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tôn giáo, thông tin về tình hình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương tác động trực tiếp đến đời sống hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

 

PV: Trong những năm qua, công tác giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên của huyện có gì đổi mới?

 Thượng tá Bạch Quốc Sử: Các nhà trường tổ chức giảng dạy môn giáo dục QP-AN bảo đảm theo quy định. Chuẩn bị tốt về giáo viên, các thiết bị dạy học, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy môn học giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, cứ 2 năm một lần, Ban CHQS huyện phối hợp với Phòng Giáo dục- Đào tạo và Huyện đoàn, tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức QP-AN, bằng hình thức sân khấu hóa, thông qua các phần thi, giúp các em dễ tiếp cận hơn, hiểu rõ hơn những kiến thức về QP-AN và truyền thống của Quân đội, Công an, truyền thống của quê hương, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

PV: Xin đồng chí cho biết phương hướng công tác giáo dục QP-AN của huyện trong thời gian tới?

  Thượng tá Bạch Quốc Sử: Trong thời gian tới, chúng tôi xác định tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị 12 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh... Phát huy tốt vai trò của cơ quan Thường trực của Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp trong việc tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục QP-AN nói chung và công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN nói riêng. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền và giáo dục phù hợp với đối tượng cụ thể; thường xuyên kiện toàn Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp, khảo sát nắm chắc đối tượng để xây dựng kế hoạch phù hợp, thực hiện hiệu quả công tác giáo  dục  quốc  phòng, an ninh.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

 

Hoàng Hải 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ