A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế sách giữ nước

 

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao  lần thứ 29 diễn ra tại Hà Nội, sau khi phân tích, đánh giá những thành tựu công tác ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần nắm vững các quan điểm chỉ đạo về mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh. Vừa kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, vừa hết sức giữ vững môi trường hòa bình và hợp tác để phát triển. Giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, thương lượng song phương những vấn đề liên quan đến hai nước, đa phương những vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên; kiên trì, phấn đấu nhằm đạt được một giải pháp cơ bản, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhấn mạnh tư tưởng "giữ nước từ xa, từ khi nước chưa nguy" của cha ông, Tổng bí thư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng "sức mạnh mềm" lấy gốc từ tư tưởng Hồ Chí Minh và văn hóa dân tộc.

 

 Hội nghị Ngoại giao được tổ chức 2 năm/lần với sự tham dự đầy đủ của các lực lượng làm công tác đối ngoại ở trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Kể từ năm 1957 đến nay, đã có 28 Hội nghị Ngoại giao được tổ chức  gắn với những bước phát triển của cách mạng Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đánh dấu những phát triển mới trong tư duy và hành động của ngoại giao. Hội nghị Ngoại giao lần này là Hội nghị ngoại giao đầu tiên được tổ chức từ sau Đại hội Đảng XII.  Hội nghị sẽ đánh giá lại công tác đối ngoại thời gian qua và xác định tư duy mới cho thời kỳ mới.

 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến khó lường. Đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất, có ý nghĩa chiến lược, đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới về tư duy, hành động. Trong thời gian qua, ngành Ngoại giao đã góp phần giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển. Công tác đối ngoại đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc,  sử dụng linh hoạt, triệt để các biện pháp chính trị- ngoại giao,  kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông.  Đối ngoại đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam… Tuy nhiên, trong ý kiến phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến  nhiệm vụ, thách thức lớn đối với ngành ngoại giao là làm sao để Việt Nam lái con thuyền của mình giữa những dòng chảy chiến lược của các nước lớn. Cân bằng được lợi ích của các nước lớn, phát huy tối đa thế và lực của đất nước, dựa trên các giá trị cơ bản của hệ thống quốc tế như luật pháp quốc tế và các định chế quốc tế, làm sao để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế của Việt Nam. Ngành ngoại giao tập trung định hình những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược trong thời kỳ mới: Đâu là những vấn đề bất biến, không thể xâm phạm, đâu là những lợi ích có thể dung hòa được với các nước khác.

 

Đường lối đối ngoại của Nghị quyết XII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu là: “Vì lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc” và với  phương châm: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân”. Đối ngoại, quốc phòng và an ninh là ba thế chân kiềng để bảo vệ Tổ quốc, trong đó đối ngoại (từ cổ chí kim) luôn là kế sách để giữ nước, “nghĩ kế nước nhà trường cửu…dập tắt chiến tranh cho muôn đời” như tư tưởng của Nguyễn Trãi.

 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ