A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ vững niềm tin

 

QPTĐ-Trong những ngày qua, khi Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV đang thảo luận về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị đã đăng đàn đưa ra những thông tin sai trái, thiếu thiện chí, thậm chí xuyên tạc về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam.

 

 

Năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 238 tỷ đôla.


Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị cho rằng, báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIV dự kiến chỉ số tăng trưởng tổng sản quốc nội (GDP) trong năm 2018 dự kiến đạt 6,7%, tương đương năm 2017, nợ công quốc gia giảm xuống chỉ còn 61,4% GDP, tức chưa chạm vào ngưỡng giới hạn 65% GDP là sự thống kê không khách quan, là con số “làm đẹp” của Chính phủ. Để củng cố cho luận cứ này, chúng viện dẫn: Theo phân tích của Tiến sĩ  Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017, nợ của 3.200 doanh nghiệp Nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp Nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP. Như vậy, cộng cả nợ Chính phủ và nợ doanh nghiệp Nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP”. 


Về dự kiến tăng trưởng năm 2018 ước đạt 6,7%, chúng phản bác: “Báo cáo vào tháng 10 năm 2018 của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được công bố đã phải thừa nhận rằng nguồn thu từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán (thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,9%, đạt 4.908 tỷ đồng; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, đạt 33.646 tỷ đồng; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% đạt 4.855 tỷ đồng)”. “Mà khi thu thuế từ 3 khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh bị giảm mạnh” lấy đâu ra kinh tế Việt Nam phát triển....


Trước hết, hiểu một cách đơn giản nhất, nợ công là tổng giá trị các khoản tiền mà Chính phủ có nghĩa vụ trả nợ. Không phải bất cứ khoản nợ nào của doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ cũng có nghĩa vụ trả nợ. Hơn nữa, số liệu mà chúng viện dẫn vừa “lạc hậu” (năm 2014) vừa không tin cậy (năm 2016 nợ doanh nghiệp Nhà nước là 324 tỷ đô la), chỉ dựa vào quan điểm cá nhân nên không có cơ sở để tin cậy. 


Mặt khác, trong kinh tế học, tổng sản phẩm nội địa, tức tổng sản phẩm quốc nội hay GDP (viết tắt của Gross Domestic Product) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Vì vậy, đánh giá GDP của Việt Nam không thể dựa vào nguồn thu thuế của 3 khu vực: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh. Vậy nhưng, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lại cố gán ghép, đánh lận nguồn thu (thuế) ở 3 khu vực với tăng trưởng GDP.


Thực tế, phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, nhất là năm 2017 và 10 tháng năm 2018 được các tổ chức có uy tín trên thế giới đánh giá một cách khách quan, trung thực. Ấn bản tháng 10/2018 có tên “Chèo lái qua bất ổn” do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 4/10 nhấn mạnh: Dù môi trường bên ngoài kém thuận lợi, triển vọng tăng trưởng của nhóm các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương vẫn tích cực. Trong môi trường đó, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng thuận lợi. GDP tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát ở mức vừa phải và vị thế kinh tế đối ngoại được củng cố. Chỉ số giá tiêu dùng toàn phần (CPI) tăng bình quân 3,5%/năm (thấp hơn chỉ tiêu 4% của chính phủ) trong khi tỷ lệ lạm phát lõi xoay quanh 1,4% trong 7 tháng đầu năm 2018. Nền kinh tế đạt kết quả vững chắc nhờ cam kết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân. Còn theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, trong năm 2018, nền kinh tế năng động, cởi mở của Việt Nam tiếp tục hoạt động tốt, đà kinh tế mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ tiếp tục. 


Thảo luận về kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân bày tỏ sự vui mừng với những kết quả nổi bật đã đạt được, đó là: Tăng trưởng kinh tế đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra trong 3 năm qua, bình quân 3 năm đạt 6,57% (cao hơn giai đoạn trước chỉ là 5,91%), riêng năm 2018 dự kiến đạt 6,7%, song cũng có khả năng phấn đấu cao hơn mức này; quy mô nền kinh tế tăng lên 1,33 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người đạt 2.540 USD/người/năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Cơ cấu thu, chi ngân sách Nhà nước chuyển dịch tích cực, bội chi ngân sách Nhà nước giảm dần, nợ công trên GDP giảm, bảo đảm ở mức an toàn; các chỉ tiêu về lao động và việc làm được bảo đảm; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, dần chuyển dịch sang chiều sâu, năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể.


Giữ vững niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.


Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ