A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ

 

Đây là một trong những mặt công tác quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đáp ứng yêu cầu “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, Báo cáo Chính trị Đại hội XII đã nhận định: “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”.

 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác cán bộ là mối quan tâm hàng đầu. Theo Người, cán bộ là gốc của mọi công việc, là yếu tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Quán triệt tinh thần ấy, trong quá trình xây dựng và trưởng thành,  Đảng ta luôn chú trọng đến công tác cán bộ đã đào tạo và rèn luyện nhiều thế hệ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Có thể nói, không có thời kỳ nào, không có giai đoạn cách mạng nào mà Đảng ta không có chủ trương, đường lối về công tác cán bộ phù hợp với từng giai đoạn cách mạng đất nước. Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, công tác đánh giá cán bộ đang đặt ra những thách thức, cần phải tiếp tục đổi mới.

 

Nghị quyết Đại hội XII nhấn mạnh việc đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Đây là  nét mới trong giải pháp về công tác cán bộ. Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế để kịp thời thay thế, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Nghị quyết cũng khẳng định cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, trong đó quy định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Tuy vậy, để thực hiện đánh giá cán bộ theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, từng cấp ủy, chi bộ vẫn cần đặc biệt chú ý đến những mặt hạn chế đã tồn tại nhiều năm qua như vẫn còn nhiều biểu hiện chủ quan, hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất; chưa thật sự lấy hiệu quả công tác của cán bộ làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ. Tình trạng "yêu nên tốt, ghét nên xấu" còn nhiều. Tình trạng chi bộ, tổ chức Đảng dễ dãi trong đánh giá cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý khá phổ biến. Một số vụ tham nhũng, tiêu cực đã bị phanh phui, một số vụ đại án đã bị đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua cho thấy, bên cạnh những thiệt hại về kinh tế do những kẻ phạm tội này gây ra, còn có những mất mát về cán bộ và bộc lộ những lỗ hổng trong công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Đó là chưa kể đến những hiện tượng cán bộ phạm khuyết điểm ở nơi này, lại bố trí luân chuyển đến nơi khác, thậm chí chức vụ còn cao hơn nơi cũ; chưa kể đến hiện tượng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

 

Để giải quyết những yếu kém trong đánh giá cán bộ, trước hết  cấp ủy các cấp phải tích cực đổi mới tư duy về công tác đánh giá cán bộ trong điều kiện mới. Cần phát huy dân chủ thực sự  trong Đảng, đồng thời phát huy vai trò giám sát, tham gia của nhân dân vào công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Dựa vào dân để xây dựng Đảng", nên các cấp ủy Đảng cần biết lắng nghe các đoàn thể quần chúng, dư luận xã hội để tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, qua đó phân tích, sàng lọc ý kiến có tính chất xây dựng, bổ sung vào quá trình nhận xét, đánh giá cán bộ, bảo đảm việc đánh giá luôn khách quan, toàn diện.

 

 Đánh giá đúng cán bộ thì mới có thể sử dụng “đúng người, đúng việc”, mặt khác cán bộ được đánh giá đúng sẽ có động lực, niềm tin để tích cực học tập, rèn luyện nâng cao hiệu quả công tác, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ