A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên

 

QPTĐ-Giáo dục quốc phòng-an ninh cho học sinh, sinh viên tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có điều kiện tu dưỡng phẩm chất đạo đức và rèn luyện năng lực thực tế để sẵn sàng thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (QP&AN), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2  (phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã có nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng môn học giáo dục QP&AN cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 

 

Sinh viên huấn luyện Điều lệnh đội ngũ tại Trung tâm.

 

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Không khí buổi học chiến thuật ngoài thao trường của sinh viên trường Đại học Ngoại thương đang theo học QP&AN tại Trung tâm Giáo dục QP&AN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2  thật sôi nổi với âm thanh tạo giả của tiếng súng đạn, thuốc nổ, tiếng xung phong tiêu diệt địch trong công sự của sinh viên tập bài. Để trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về động tác cá nhân, vận động, cơ động tiếp cận các mục tiêu đánh địch trong ụ súng, lô cốt, xe tăng, nắm chắc được ý nghĩa, yêu cầu chiến thuật, giáo viên thực hành giảng bài qua 3 bước: Tập nhanh, tập chậm có phân tích từng cử động, tập tổng hợp. Sau đó, từng loạt sinh viên lên thực hành, giáo viên theo sát sửa tập từng động tác.

 

 

Quán triệt mục đích, yêu cầu môn học.

 

 

 

Giáo viên theo sát, chỉnh sửa từng động tác cho sinh viên trong giờ học chiến thuật

 

Thượng tá Trịnh Khắc Tỉnh, giảng viên Khoa Quân sự cho biết: “Để truyền tải tốt nhất nội dung bài học, cùng với chuẩn bị chu đáo giáo án, mô hình học cụ huấn luyện, bồi dưỡng đội mẫu, lực lượng tạo giả âm thanh, quá trình lên lớp, người dạy phải luôn chủ động, tích cực đưa người học vào các tình huống cụ thể, gợi ý cho sinh viên thảo luận, sau đó, giáo viên kết luận cách xử trí các tình huống”. Nhờ cách truyền đạt đó, sinh viên rất hào hứng khi được tham gia “đánh trận giả”, nắm chắc và vận dụng khá linh hoạt các tư thế vận động trên chiến trường-yêu cầu cơ bản của môn học.

 

 

Giáo viên sử dụng thành thạo phần mềm trình chiếu powpoit trong giảng dạy.

 

Rời thao trường huấn luyện chiến thuật, chúng tôi đến dự giờ học chính trị của sinh viên. Được biết, chuẩn bị cho bài giảng “Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia”, để làm rõ hơn khối kiến thức được trang bị qua giáo trình, Thiếu tá Hoàng Xuân Vinh, giảng viên Khoa Chính trị đã sưu tầm nhiều video, hình ảnh về hoạt động của Bộ đội Cụ Hồ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại các đơn vị Quân đội để bổ trợ cho bài học. Đặc biệt, hình ảnh về người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vững vàng tay súng, hiên ngang trước đầu sóng, ngọn gió bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã gây xúc động mạnh mẽ cho sinh viên. 

 

 

 

Sinh viên nghiên cứu, học tập tại phòng đọc điện tử và thư viện Trung tâm.

 

Đại tá, Tiến sĩ Phan Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Xác định đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định đến nâng cao chất lượng giáo dục QP&AN cho sinh viên, vì vậy, Trung tâm thường xuyên chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Theo đó, hàng năm, Trung tâm tổ chức tốt công tác tập huấn cho đội ngũ giảng viên thông qua các hình thức: Dự giờ hàng tuần, cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi để phổ biến, nhân rộng những kinh nghiệm hay; tạo điều kiện để giáo viên tham gia đào tạo nâng cao trình độ tại các học viện, nhà trường…Quá trình giảng dạy, giáo viên chuẩn bị giáo án công phu, thông qua chặt chẽ, không ngừng đổi mới phương pháp, gợi mở, định hướng, phát huy tối đa năng lực, tư duy sáng tạo của người học”.

 

Đầu tư trang thiết bị dạy học

Trung tâm Giáo dục QP&AN Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được thành lập ngày 27/7/1999, có nhiệm vụ giáo dục QP&AN cho học sinh, sinh viên; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục QP&AN; nghiên cứu khoa học sư phạm quân sự và thực hiện các nhiệm khác được giao. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 201 khóa, cấp chứng chỉ giáo dục QP&AN cho gần 300 nghìn sinh viên của 26 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Về công tác đào tạo giáo viên, Trung tâm đã đào tạo được 10 khóa ngắn hạn giáo viên giáo dục QP&AN, 7 khóa ghép môn với ngành giáo dục QP&AN, 4 khóa đào tạo chính quy ngành giáo dục QP&AN, với trên 300 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn học giáo dục QP&AN cho sinh viên, trong những năm qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tập trung đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất,  bảo đảm trang thiết bị sinh hoạt cho sinh viên khi đến học tập, rèn luyện tại Trung tâm. Đặc biệt, năm học 2018-2019, Trung tâm được Nhà trường xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng bãi học tập kỹ thuật, chiến thuật với đầy đủ hệ thống hàng rào, lô cốt, hào chiến đấu, mô hình xe tăng… bảo đảm sát thực tế, yêu cầu của môn học.

 

 

Trung tâm trang bị đủ súng tiểu liên AK cho sinh viên thực hành.

 

 

Đánh giá kết quả thực chất qua máy bắn tập MBT-03.

 

Rèn sinh viên như rèn chiến sĩ

Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với quản lý, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, khi học tập tại Trung tâm, sinh viên được bố trí, sắp xếp ăn, ở tập trung, thống nhất. Trung tâm biên chế sinh viên thành các tiểu đội, trung đội, đại đội, duy trì và thực hiện 10 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần như các đơn vị trong Quân đội. Thực hiện quản lý theo phân cấp, cán bộ Trung tâm trực tiếp đảm nhiệm cán bộ đại đội; lựa chọn sinh viên là cán bộ lớp để đảm nhiệm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Quá trình thực hiện, đội ngũ cán bộ kiêm chức là sinh viên luôn được bồi dưỡng về công tác quản lý, chỉ huy đơn vị, các em đã phát huy tốt vai trò của người cán bộ chỉ huy trong thực hiện các nhiệm vụ.

 

 

Tập thể dục buổi sáng.

 

 

Đại đội duy trì nền nếp chế độ giao ban ngày.

 

Thực hiện theo kế hoạch toàn khóa học, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các trường liên kết phát huy tốt vai trò của Đoàn Thanh niên và các câu lạc bộ sinh viên như: Câu lạc bộ tuyên truyền ca khúc cách mạng, Câu lạc bộ hiến máu, Câu lạc bộ thể thao, Câu lạc bộ khiêu vũ…để tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho sinh viên. Một trong những điểm nhấn hàng năm đó là, Trung tâm đã tổ chức cho sinh viên đi tham quan, học tập thực tế tại Lữ đoàn Đặc công 113 và Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Thông qua đó, giúp cho sinh viên hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, thấy được tinh thần, ý thức sẵn sàng chiến đấu của người chiến sĩ, từ đó khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Sinh viên Nguyễn Khánh Linh, Đại học Ngoại thương bộc bạch: “Em nhận ra kiến thức các thầy ở Trung tâm giảng dạy không hề khô khan, các thầy đã lồng ghép vào đó những câu chuyện lịch sử, bài học về những trận đánh hay thông qua các hoạt động ngoại khóa. Chúng em không chỉ tiếp thu bài giảng dễ dàng hơn mà còn có được lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, trân trọng những gì cha ông đã hy sinh. Nếu có ai hỏi: “Xuân Hòa trong em là gì?”, em sẽ trả lời rằng, Xuân Hòa là một phần đẹp nhất trong thanh xuân của em?”.

 

 

Phút giải lao sau giờ học.

 

Giáo dục QP&AN cho sinh viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Và ở Trung tâm Giáo dục QP&AN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, sinh viên được trang bị cho mình kiến thức cơ bản về đường lối quân sự, công tác QP&AN của Đảng và Nhà nước; những kĩ năng quân sự, an ninh cần thiết, sẵn sàng thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


M.Quang-P.Luân

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ